Áp lực căng thẳng đối với bậc học Mầm non
- 16:29 08-11-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tỷ lệ trẻ đến lớp tăng đột biến, trong khi cơ sở vật chất, phòng học còn thiếu trầm trọng khiến cho nhiều trường ở bậc học Mầm non trên địa bàn huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa gặp không ít khó khăn. Nhiều trường học phải mượn cả nhà văn hóa thôn, thậm chí trưng dụng cả phòng hiệu trưởng cho các cháu học.
Trưng dụng phòng hiệu trưởng làm lớp học
Số trẻ ra lớp tăng đột biến đang tạo áp lực rất lớn về cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu dạy và học, đặc biệt là ở bậc học Mầm non trên địa bàn huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Không chỉ thiếu về cơ sở vật chất mà còn thiếu hàng trăm giáo viên (GV), khiến cho ngành giáo dục huyện Tĩnh Gia gặp không ít khó khăn ngay đầu năm học 2016 - 2017.
Số trẻ ra lớp tăng đột biến đang tạo áp lực rất lớn về cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu dạy và học, đặc biệt là ở bậc học Mầm non trên địa bàn huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Không chỉ thiếu về cơ sở vật chất mà còn thiếu hàng trăm giáo viên (GV), khiến cho ngành giáo dục huyện Tĩnh Gia gặp không ít khó khăn ngay đầu năm học 2016 - 2017.
Huyện Tĩnh Gia còn thiếu hàng trăm phòng học ở bậc Mầm non
Qua tìm hiểu của phóng viên, năm học 2016 - 2017, trường mầm non Hải Ninh, xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia có 652 trẻ đến trường, tăng gần 50 trẻ so với năm học trước. Trong khi đó, nhà trường có một khu trung tâm với 9 lớp nhưng chỉ có 6 phòng và 9 khu lẻ với 12 lớp học. Hiện trường có 21 nhóm lớp nhưng chỉ mới có 6 phòng học kiên cố. Tại khu trung tâm, do thiếu phòng học nên năm học trước đã phải tận dụng cả hai kho chứa đồ và năm học mới nhà trường tiếp tục trưng dụng phòng hiệu trưởng để làm lớp học.
Hơn nữa, hầu hết các phòng học hiện có của của khu trung tâm được xây dựng cách đây hàng chục năm nên cũng đã có biểu hiện xuống cấp. Những ngày mưa trần nhà dột, tường nứt khiến nước ngấm và chảy xuống lớp học. Hơn 200 trẻ và gần 30 cán bộ, GV, nhân viên tại khu trung tâm chỉ có duy nhất một nhà vệ sinh nằm cách xa khu lớp học khoảng gần 200m.
Tại các điểm lẻ thì phải mượn nhà văn hóa của các thôn trong xã để làm lớp học. Do điều kiện cơ sở vật chất nên tại các điểm lẻ, không thể tổ chức bán trú cho học sinh. Có những lớp học lên tới 60 - 65 trẻ.
Còn tại trường mầm non Hải Thượng, xã Hải Thượng cũng chung tình cảnh. Trường có một khu trung tâm và 7 khu lẻ với tổng số 703 cháu. Số trẻ đến lớp tăng hơn 100 cháu so với năm học 2015- 2016. Do thiếu thốn về cơ sở vật chất nên nhà trường không dám huy động 100% trẻ đến tuổi ra lớp.
Cô Cao Thị Dung - Hiệu trưởng trường Mầm non Hải Thượng cho biết, trường có một khu chính và 7 điểm lẻ, khu chính chỉ có 3 phòng học. Tổng nhà trường có 17 phòng học ở cả khu trung tâm và các khu lẻ, trong đó có 10 phòng bán kiên cố và 7 phòng học tạm, học mượn tại các nhà văn hóa thôn. Tại khu chính, mỗi lớp trung bình có 65 cháu/phòng học rộng chừng 45m2.
Cơ sở vật chất trường Mầm non xã Hải Ninh đã xuống cấp
Nếu tính theo quy định về số học sinh và GV/lớp thì nhà trường còn thiếu 10 GV, 10 phòng học và phòng hiệu bộ cũng như phòng chức năng. Tính theo định biên phải bố trí 21 nhóm lớp, nhưng hiện tại, nhà trường phải dồn lớp và chỉ bố trí được 17 lớp học. Cô Dung cho biết, hiện nhà trường chưa có biện pháp gì, đang chờ huyện xem có dự án hỗ trợ.
UBND xã Hải Thượng mới đầu tư xây dựng thêm 2 phòng học bên cạnh nhà văn hóa thôn Liên Trung. Đây là khu lẻ đầu tiên của xã tổ chức được bán trú cho các cháu. Các khu lẻ còn lại không đáp ứng được nhu cầu bán trú nên trẻ phải đi học 2 buổi/ngày.
Hiện, ban giám hiệu nhà trường cùng làm việc, nghỉ trưa dưới sàn nhà và hội họp chung trong một phòng chỉ khoảng 20m2. Trong khi đó, khu trung tâm của ngôi trường này được xây dựng đã gần 20 năm nên cũng đang trong tình trạng xuống cấp.
Thiếu hàng trăm phòng học và giáo viên
Theo bà Vũ Thị Thanh Vân - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tĩnh Gia, hiện nay giáo dục Tĩnh Gia đang rất khó khăn, thiếu GV Mầm non, Tiểu học và GV Tiếng Anh. Trong đó bậc Mầm non nếu tính đúng số GV/cháu theo quy định còn thiếu hơn 200 GV; Tiểu học thiếu hơn 40 GV văn hóa đứng lớp, nếu tính định biên 1,2 GV/lớp để tổ chức học 2 buổi/ngày thì còn thiếu nhiều GV. Thống kê cho thấy, ngành giáo dục huyện Tĩnh Gia còn thiếu hơn 400 GV trong năm học này.
Điểm lẻ của trường Mầm non xã Hải Thượng, huyện Tĩnh Gia thiếu thốn về cơ sở vật chất
Cũng theo bà Vân, nguyên nhân là lâu nay huyện thực hiện nghiêm túc các quy định về tinh giản biên chế, không tiếp nhận, không tuyển dụng theo đúng hướng dẫn. Hiện nay, đối với GV, huyện cũng đã làm tờ trình gửi UBND tỉnh để xin chủ trương được tuyển dụng số còn thiếu so với biên chế tỉnh giao và xin hợp đồng lao động đối với số còn thiếu so với nhu cầu.
Đối với phòng học, hiện nay Tĩnh Gia còn thiếu rất nhiều, trong đó thiếu căng thẳng nhất là phòng học cho bậc Mầm non với khoảng hơn 200 phòng.
Sở dĩ thiếu về phòng học và GV ở bậc Mầm non có nguyên nhân khách quan. Thứ nhất, bậc học Mầm non mới chuyển sang công lập từ năm 2012. Vì vậy, thời gian thực tế cũng chưa đủ để đầu tư một cách bài bản về cơ sở vật chất.
Thứ hai, một điều đặc biệt của huyện Tĩnh Gia so với các huyện khác là do sự phát triển của Khu kinh tế Nghi Sơn, nên số lao động di chuyển cơ học đến cư trú trên địa bàn huyện rất nhiều, phần lớn đang ở độ tuổi có con nhỏ. Hơn nữa, do thay đổi về cơ cấu kinh tế, dẫn đến thay đổi cơ cấu lao động; trước kia lao động làm nông nghiệp, muốn phổ cập Mầm non 5 tuổi, phải đi vận động. Nhưng bây giờ số lao động phụ nữ trong độ tuổi có con nhỏ được thu hút vào các công ty, nhà máy cho nên nhu cầu đưa con ra lớp tăng lên. Tỷ lệ huy động trẻ ở nông thôn cao, nhà trẻ, mẫu giáo tăng lên nhanh.
Thứ ba, do phát triển kinh tế địa phương nên lâu nay số lao động đi làm ăn xa ở các thành phố lớn trở về quê làm, phần lớn các gia đình trẻ, đều có nhu cầu đưa con đi học, chủ yếu là Mầm non và Tiểu học. Tỷ lệ trẻ trong độ tuổi ra lớp rất đông, vượt quá kế hoạch dự trù ban đầu. Kế hoạch xây dựng ban đầu của ngành giáo dục là hơn 13 nghìn trẻ, nhưng đến tháng 9 xấp xỉ 15 nghìn, tăng hơn 2.000 cháu. Qúa tải dẫn đến căng thẳng về phòng học, có những nhóm lớp lên đến 50 - 60 cháu/lớp.
Do phụ huynh có nhu cầu cho con ở bán trú để đi làm nên cũng dẫn đến quá tải ở điểm trường chính. Nhiều trường, các cô phải nhường phòng hiệu trưởng, phòng hội đồng của nhà trường cho các nhóm trẻ, nhóm lớp học.
Thiếu cơ sở vật chất, các cháu phải ăn ở ngoài sân
Bà Vân cho biết thêm, huyện đã thống nhất giải pháp của năm 2017, trong kế hoạch đầu tư sẽ ưu tiên cho giáo dục và trong đầu tư cho giáo dục sẽ ưu tiên số một là đầu tư xây dựng các nhà, lớp học Mầm non. Trước mắt là xây dựng các nhà cấp 4 để giải quyết tình trạng quá tải.
Tuy nhiên, với khả năng tài chính của huyện, trong một năm cũng chỉ giải quyết được một số phòng học chứ không thể một lúc làm hết hơn 200 phòng và hơn nữa, số trẻ có thể tiếp tục tăng lên. Trước mắt, chưa làm được phòng mới thì phải cơi nới, sửa sang, nâng cấp, làm thêm.
“Ngân sách khó khăn, buộc phải huy động xã hội hóa, mà huy động xã hội hóa thì hội nghị mình triển khai đầy đủ, nhưng 100 phụ huynh, chỉ cần một người không thống nhất, có thể không đi họp, không nghe tuyên truyền nhưng có ý kiến dẫn đến tạo dư luận không đúng, bất lợi”, bà Vân chia sẻ.
Tác giả bài viết: Duy Tuyên - Tống Anh
Nguồn tin: