Cú trượt dốc của đại gia phân bón Con Trâu
- 10:35 08-11-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Từng nằm trong top 3 về thị phần phân bón NPK nhưng hoạt động kinh doanh ngày càng sa sút do mất cân đối tài chính khiến thương hiệu nổi danh một thời dần tụt lại xa so với các đối thủ.
Liên tục ghi nhận lợi nhuận âm từ năm 2012 đến nay với số lỗ ngày càng cao, Công ty Vật tư Tổng hợp và Phân bón Hóa Sinh (Mã CK: HSI) - đơn vị sở hữu thương hiệu phân bón Con Trâu tiếp tục lỗ sau thuế gần 22 tỷ đồng năm 2015, nâng con số lỗ lũy kế lên hơn 144,5 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tính đến thời điểm này âm gần 11 tỷ đồng, đồng nghĩa với các cổ đông đã "trắng tay" tại công ty.
Từng đạt mức giá xấp xỉ 40.000 đồng mỗi cổ phiếu từ cách đây 10 năm, sau khi bị hủy niêm yết vào cuối năm 2015 và chuyển xuống giao dịch trên sàn UPCoM, thị giá cổ phiếu HSI của công ty hiện chỉ còn 900 đồng mỗi cổ phiếu và hoàn toàn không có giao dịch.
Đằng sau sự tụt dốc của một công ty từng giữ thương hiệu top 3 thị phần sản xuất phân bón NPK trong nước, là tình hình tài chính mất cân đối, chi phí tài chính, đặc biệt là lãi vay hằng năm hàng chục tỷ đồng trong khi hoạt động kinh doanh sụt giảm do khả năng cạnh tranh với các sản phẩm giá rẻ nhập khẩu ngày càng hạn chế.
Từng đạt mức giá xấp xỉ 40.000 đồng mỗi cổ phiếu từ cách đây 10 năm, sau khi bị hủy niêm yết vào cuối năm 2015 và chuyển xuống giao dịch trên sàn UPCoM, thị giá cổ phiếu HSI của công ty hiện chỉ còn 900 đồng mỗi cổ phiếu và hoàn toàn không có giao dịch.
Đằng sau sự tụt dốc của một công ty từng giữ thương hiệu top 3 thị phần sản xuất phân bón NPK trong nước, là tình hình tài chính mất cân đối, chi phí tài chính, đặc biệt là lãi vay hằng năm hàng chục tỷ đồng trong khi hoạt động kinh doanh sụt giảm do khả năng cạnh tranh với các sản phẩm giá rẻ nhập khẩu ngày càng hạn chế.
Công ty Vật tư Tổng hợp và Phân bón Hóa Sinh từng giữ thị phần đứng thứ 3 trong số những đơn vị sản xuất phân bón NPK trong nước, với thương hiệu phân bón Con Trâu nổi tiếng tại thị trường Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam.
Công ty Vật tư Tổng hợp và Phân bón Hóa Sinh trực thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng được thành lập vào tháng 3/2005, trên cơ sở thừa kế toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của Xí nghiệp Phân bón Hóa Sinh - Công ty Thanh Bình. Quy mô nhà máy khi thành lập với diện tích gần 120.000 m2 nhà xưởng, công suất trên 480.000 tấn một năm.
Với việc phân bổ nhà máy tại 2 khu vực là Củ Chi và Phú Yên, thị trường trọng tâm của công ty được xác định là các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long. Điểm đặc biệt trong các nhà máy là hệ thống dây chuyền sản xuất khi đó của công ty đều là dây chuyền sản xuất được đội ngũ kỹ thuật tự nghiên cứu, chế tạo, lắp ráp và được công ty đánh giá không kém so với dây chuyền nhập 100% từ nước ngoài.
Đến năm 2007, với nền tảng từ khi thành lập và thương hiệu phân bón NPK Con Trâu, công ty nhanh chóng vươn lên chiến vị trí thứ 3 về thị phần những công ty sản xuất trong nước, đừng sau phân bón Bình Điền và phân bón Proconco.
Năm 2007 cũng đánh dấu bước ngoặt về hoạt động kinh doanh của công ty sở hữu thương hiệu phân bón Con Trâu, với gần 657 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 25 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, trong khi cùng kỳ chỉ hơn 2.5 tỷ đồng lợi nhuận. Đây cũng là năm công ty thực hiện tăng vốn điều lệ từ 18,5 tỷ lên 100 tỷ đồng.
Liên tục mở rộng quy mô trong những năm tiếp theo nhưng đi kèm với đó là sự mất cân đối nghiêm trọng trong cơ cấu tài chính, mà chủ yếu là sử dụng đòn bẩy tài chính thông qua vay nợ quá lớn. Đây cũng là nguyên nhân khiến doanh thu của công ty mặc dù liên tục gia tăng nhưng lợi nhuận ngày càng teo tóp.
Đến năm 2011, năm cuối cùng công ty còn duy trì kết quả có lãi, doanh thu dù tăng lên xấp xỉ 1.000 tỷ đồng nhưng lợi nhuận thậm chí còn thấp hơn năm 2007 khi chỉ đạt hơn 19 tỷ. Khoản mục nợ phải trả của Phân bón Hóa Sinh đã tăng từ 465 tỷ lên 829 tỷ đồng sau 5 năm từ 2007 đến 2011 nhưng vốn chỉ sở hữu chỉ nhích từ 134 tỷ lên 148 tỷ đồng.
Hệ quả của vấn đề này đã xuất hiện vào năm 2012 khi công ty ghi nhận kết quả lỗ sau thuế 2 tỷ đồng cho dù doanh thu đã vượt mốc 1.000 tỷ đồng, nguyên nhân do khoản chi phí tài chính mà chủ yếu là chi phí lãi vay gần 70 tỷ đồng đã "ngốn" phần lớn lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh.
Đến năm 2013, tình hình khó khăn tăng lên nhiều lần khi hoạt động kinh doanh chính của công ty gặp ảnh hưởng tiêu cực. Trong báo cáo thường niên, ban lãnh đạo của Phân bón Hóa Sinh cho biết, thị trường trong nước không ổn định khi nhiều doanh nghiệp nhỏ lẻ đưa ra các mặt hàng giá rẻ, kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái tràn lan tạo nên cảnh rối loạn của thị trường phân bón. Và Phân bón Hóa Sinh với thương hiệu Con Trâu cũng không tránh khỏi làn sóng này.
Kết thúc năm 2013, công ty chịu lỗ hơn 76 tỷ đồng, doanh thu giảm còn một nửa so với năm 2012. Trong khi đó, khoản mục nợ phải trả mặc dù đã giảm về số tuyệt đối nhưng so với tổng nguồn vốn đã chiếm tỷ lệ hơn 90%.
Kết quả này tiếp tục kéo dài cho đến năm 2015, mặc dù con số thua lỗ đã giảm chỉ còn một nửa. Tuy vậy, đến cuối năm 2015, lỗ lũy kế của công ty đã vượt quá vốn chủ sở hữu, dẫn tới cổ phiếu bị hủy niêm yết và chuyển xuống giao dịch tại thị trường UPCoM.
Trong những báo cáo được công bố, ngoài lý do thị trường và nợ vay, một câu chuyện khác cũng được ban lãnh đạo công ty chia sẻ là những người lao động có tay nghề không an tâm công tác, tư tưởng không ổn định và dần rời bỏ công ty trong bối cảnh hoạt động kinh doanh đi xuống.
Đến cuối năm 2015, nợ phải trả của công ty còn hơn 400 tỷ. Trong đó vay ngắn hạn giảm từ 328 tỷ thời điểm đầu năm xuống còn gần 94 tỷ, tuy nhiên vay dài hạn tăng lên hơn 208 tỷ đồng. Mục tiêu được Hội đồng quản trị đề ra trong năm 2016 là không lỗ, nhưng cũng không lãi, đồng thời tiếp tục câu chuyện tái cơ cấu nguồn vốn.
Từ một thương hiệu Top 3 thị trường sản xuất phân bón NPK, đến nay Phân bón Hóa Sinh với thương hiệu Con Trâu đang phải vật lộn trong khó khăn với khoản lỗ nhiều năm liên tiếp. Việc tái cơ cấu nguồn vốn trở thành nhiệm vụ quan trọng để vực dậy một thương hiệu tuổi đời cả chục năm.
Tác giả bài viết: Minh Sơn
Nguồn tin: