Vì sao 2 đảng lớn "thâu tóm" chính trường Mỹ?
- 09:57 07-11-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Biểu tượng con voi của đảng Cộng hòa (trái) và biểu tượng con lừa của đảng Dân chủ (Ảnh: History)
Theo tờ Washington Post, kể từ năm 1852 đến nay, cuộc đua vào Nhà Trắng luôn chứng kiến một ứng viên của đảng Cộng hòa hoặc Dân chủ cán đích ở vị trí thứ nhất hoặc thứ hai. Ngoại lệ duy nhất đó là năm 1912, khi ông Theodore Roosevelt, một cựu tổng thống được yêu mến của đảng Cộng hòa, đã tranh cử với tư cách ứng viên của “đảng thứ ba”. Và ông đã về đích thứ nhì, sau khi thất bại trước ông Woodrow Wilson.
Trước khi đảng Cộng hòa và Dân chủ trở thành hai đảng lớn nhất nước Mỹ, ngôi vị dẫn đầu thuộc về đảng Dân chủ và đảng Uých (tiền thân của đảng Tự do tại Anh). Và trước đó nữa là đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa Quốc gia giữ vai trò chính trên chính trường Mỹ. Trước đó nữa? Đó là đảng Dân chủ - Cộng hòa và những người ủng hộ chế độ liên bang.
Đã một thời gian dài các đảng thứ ba chỉ giữ vai trò mờ nhạt trong các cuộc tranh cử tổng thống Mỹ, và thỉnh thoảng vẫn xuất hiện nhưng hầu như không bao giờ có cơ hội thực sự để làm chủ Nhà Trắng. Họ cũng hiếm khi cạnh tranh được một ghế tại Quốc hội, nơi kể từ Thế chiến II, hầu như không có quá 2 trong tổng số 535 nghị sỹ không phải đảng viên Cộng hòa hoặc Dân chủ.
Trong số những trường hợp ngoại lệ đó có thượng nghị sỹ Bernie Sanders đến từ Vermont, người được bầu vào Quốc hội Mỹ với tư cách ứng viên độc lập và đã tham gia giành quyền đề cử của đảng này.
Vì sao lại có chuyện này? Câu trả lời đó là hệ thống chính trị Mỹ được cấu trúc để cho chỉ có 2 đảng lớn thông qua thể thức “được ăn cả” trong bầu cử Quốc hội lẫn bầu tổng thống.
Các ứng viên chạy đua vào Quốc hội chỉ cần giành được đa số phiếu để chiến thắng. Tại 48/50 bang, một ứng viên tổng thống sẽ được nhận toàn bộ phiếu đại cử tri của bang đó khi giành đa số phiếu phổ thông. Và khi có được quá bán số phiếu đại cử tri trong một kỳ bầu cử, ứng viên đó sẽ trở thành chủ nhân Nhà Trắng.
Nhà xã hội học người Pháp Maurice Duverger trong những năm 1950 từng đưa ra lý thuyết rằng cách thức sắp đặt này trên thực tế đã tạo ra một hệ thống chỉ gồm 2 đảng. “Đạo luật Duverger” khẳng định rằng các đảng thứ ba không thể cạnh tranh bởi thật vô nghĩa khi giành được, ví dụ 15 hay thậm chí 20% số phiếu.
Điều này khiến các cử tri sẽ chọn các ứng viên có nhiều khả năng chiến thắng nhất, và kéo theo đó là các đảng sẽ cố gắng lôi kéo một nửa số cử tri, thậm chí nhiều hơn trong trường hợp lý tưởng.
Các đảng có nguy cơ chia rẽ sẽ làm tất cả những gì họ có thể để ngăn cản sự xuất hiện của các ứng viên đảng thứ ba. Khi các cử tri ủng hộ lý tưởng chính trị của một đảng, nhưng lại có sự lựa chọn giữa hai ứng viên đều ủng hộ các quyên tắc đó, đảng đó sẽ thất cử bởi các ứng viên sẽ khiến số lượng phiếu bầu bị chia sẻ, còn đảng khác giành đa số phiếu.
Có một vài trường hợp các thống đốc hoặc thượng nghị sỹ là người từ đảng thứ ba, nhưng thường những đảng đó nhìn chung có ảnh hưởng hạn chế, và sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc trở thành một phong trào chính trị rộng khắp cả nước. Một phần của vấn đề này trước hết đến từ sự khó khăn của đảng đó trong việc giành chiến thắng. Một lí do khác đó là hai đảng chính có thể gây khó khăn cho các ứng viên của đảng thứ ba trong việc hội đủ điều kiện để được nhận phiếu bầu trong một cuộc bầu cử.
Ví dụ tại Mỹ, luật pháp cho phép mỗi bang quyết định cách thức một ứng viên tổng thống sẽ xuất hiện trên lá phiếu bầu. Điều đó có nghĩa là các ứng viên đảng thứ ba nhìn chung phải là người giàu có, đủ khả năng tài trợ cho chiến dịch tranh cử của mình và đáp ứng những đòi hỏi đắt đỏ để được xuất hiện trên phiếu bầu tại toàn bộ 50 bang.
Trong khi nhiều ứng viên đảng thứ ba và độc lập trước đây có thể chạy đua trong kỳ bầu cử, ít người nhận được đủ sự ghi nhận của công chúng và còn ít người hơn trong số đó giành được phiếu đại cử tri của bang. Ross Perot, người từng chạy đua với tư cách ứng viên độc lập, đã nhận được 19% tổng số phiếu phổ thông năm 1992 nhưng lại không giành được một lá phiếu đại cử tri nào.
Và khi những ứng viên như vậy giành được phiếu đại cử tri nó thường gắn với những căng thẳng về sắc tộc. George Wallace người giành 46 phiếu đại cử tri năm 1968 và Strom Thurmond, người giành 39 phiếu đại cử tri năm 1948, đều là người đến từ miền Nam. Họ vận động tranh cử với tư tưởng hoàn toàn đối lập với quan điểm hòa hợp người Mỹ da màu và da trắng. Nhưng đến nay đây cũng là những ứng viên cuối cùng không thuộc đảng Dân chủ hay Cộng hòa giành được phiếu đại cử tri.
Ngoại trừ những trường hợp này, ứng viên duy nhất không tranh cử cho một trong hai đảng lớn nhưng có cơ hội thực sử để vào Nhà Trắng đó là ông Roosevelt. Đây là ứng viên có một không hai.
Dù vậy ngay cả khi đó, vị cựu tổng thống vẫn có kết cục xấu khi chia sẻ phiếu bầu với đảng cũ của mình, những người Cộng hòa. Ông và người Cộng hòa kế nhiệm William Howard Taft tổng cộng đã giành được đa số phiếu phổ thông trong cuộc bầu cử năm 1912. Dù vậy ứng viên Woodrow Wilson của đảng Dân chủ cuối cùng lại chiến thắng và giành ghế Tổng thống do có nhiều phiếu hơn.
Ví dụ này càng củng cố cho lí do vì sao các đảng lớn tại Mỹ luôn muốn duy trì một hệ thống chỉ gồm 2 đảng.
Tác giả bài viết: Thanh Tùng
Nguồn tin: