Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghệ An: Nữ công nhân “khát” kiến thức sức khỏe sinh sản

Những vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục được đông đảo nữ công nhân (CN) tại các khu công nghiệp (KCN) đặc biệt quan tâm. Thực sự, đang có một “khoảng trống” trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nữ CN cần được “lấp đầy”.
Cán bộ Chi Cục Dân số -KHHGĐ Nghệ An tư vấn cho nữ CN về SKSS.

Những mong mỏi thầm kín

Chị Trần Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch CĐ Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An chia sẻ: “Trong các buổi sinh hoạt, tư vấn cho CN tại các KCN; các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản (SKSS), sức khỏe tình dục được chị em đặc biệt quan tâm. Có rất nhiều ý kiến băn khoăn, thắc mắc, nhờ tư vấn chuyển đến chúng tôi, làm cho không khí sôi động hẳn lên”. 

Tuy nhiên, để nữ CN mở lòng không dễ, mà cán bộ CĐ cần có sự khơi gợi, có những câu hỏi, tình huống “mồi” để anh chị em thoải mái trao đổi.  Sau khi rào cản e dè được khơi thông, nữ CN thoải mái bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, băn khoăn để được tư vấn, giải đáp. “Thực sự, một bộ phận nữ CN chưa được trang bị đầy đủ về các kiến thức liên quan đến SKSS, giới tính. Vì vậy, việc tư vấn, tuyên truyền về lĩnh vực này có ý nghĩa thiết thực. Chúng tôi không sợ “vẽ đường cho hươu chạy” mà xác định cần “vẽ đường” cho hươu chạy đúng hướng, an toàn”, chị Nguyệt dí dỏm. CN Nguyễn Thị Hà (28 tuổi), Cty Minh Anh (KCN Bắc Vinh) cho hay: “Bọn em học xong phổ thông rồi đi làm. Kiến thức về xã hội, về sức khỏe giới tính chưa được đầy đủ. Vào đây, môi trường nhà trọ, xa nhà nên việc quan hệ yêu đương, thậm chí đi quá giới hạn là chuyện bình thường. Khi được tư vấn, bọn em cảm thấy sáng tỏ nhiều điều để tự bảo vệ mình”.



Một “món quà” mà các CN thường thích là bao caosu được phát miễn phí bởi các cán bộ CĐ hoặc tư vấn viên, y bác sỹ của Chi Cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình tỉnh trong các hoạt động thuộc dự án “Cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và phương tiện tránh thai cho CN tại các KCN”, trong 3 năm đã phát miễn phí khoảng 90.000 chiếc. “CN rất thiếu, cần các biện pháp, dụng cụ tránh thai, các phương tiện chăm sóc sức khỏe sinh sản”, một cán bộ dự án cho hay.

Khoảng trống trong chăm sóc SKSS

Hiện nay, các KCN ở Nghệ An chưa có khu nhà tập thể - xã hội, CN đi về nhà hoặc thuê trọ trong những căn phòng chật chội, ẩm thấp, một số nơi chưa bảo đảm về vệ sinh; tiềm ẩn khả năng nhiễm các bệnh liên quan đến SKSS.  Theo BS Nguyễn Thị Thương Huyền - Trưởng Phòng Dân số, Chi Cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Nghệ An, kết quả thăm khám của dự án, cho thấy tỷ lệ nữ CN mắc các bệnh liên quan đến viêm nhiễm đường sinh dục ở mức trên 60%. Đã xuất hiện một số ít CN bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục như sùi mào gà, lậu, herpes sinh dục… do quan hệ tình dục thiếu an toàn. 

Đối với các đơn vị hưởng lợi từ dự án “Cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và phương tiện tránh thai cho CN tại các KCN”, CN bị bệnh liên quan đến SKSS được tư vấn, điều trị tích cực, triệt để, bao gồm cả tư vấn, chăm sóc hậu kỳ. Tuy nhiên, số lượng CN được dự án chăm sóc chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng số nữ CN các KCN. Đây là một khó khăn lớn không thể giải quyết bằng dự án. Trong khi đó, việc khám sức khỏe định kỳ theo Luật Lao động chủ yếu khám sức khỏe tổng thể, hầu như ít có tác dụng đối với các bệnh liên quan đến SKSS.

Về giải pháp, theo BS Thương Huyền, cần đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, tư vấn, truyền thông, đào tạo các tư vấn viên cốt cán; lồng ghép với tổ chức các hoạt động câu lạc bộ, văn hóa, văn nghệ; hiệu quả nhất là phối hợp với việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS. “Mục tiêu của công tác tuyên truyền nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức cho CN để tự bảo vệ mình. Nữ CN cần thăm khám chuyên khoa về SKSS đúng định kỳ (6 tháng/lần); được cung cấp đầy đủ các dịch vụ và điều trị dứt điểm bệnh”. Bên cạnh đó, các chủ DN cần có ý thức, chung tay, tạo điều kiện để chăm sóc SKSS cho CN; tăng cường vệ sinh, an toàn, nâng cao điều kiện sống tại các khu nhà trọ CN.  

Tác giả bài viết: QUANG HIỂN

Nguồn tin: