Độc đáo vườn tượng vĩ nhân giữa làng ở xứ Nghệ
- 13:49 02-11-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Xuất phát từ niềm đam mê với công việc đúc tượng, sau khi về hưu, ông Nguyễn Trọng Hà vẫn quyết định bỏ công sức, tiền bạc bắt tay vào việc tạc tượng các vĩ nhân.
Ông Hà chia sẻ quá trình đúc tượng của mình
Từ tình yêu quê hương, đất nước, ông quyết định đúc nhiều vĩ nhân của Việt Nam và trên thế giới với mục đích giáo dục con cháu. Giờ đây, khu vườn rộng của gia đình ông là địa điểm tham quan, tìm hiểu lịch sử được nhiều người trong và ngoài tỉnh tìm đến.
“Nghệ nhân tay ngang” này bắt tay tạc tượng từ năm 2005, khi bắt đầu nghỉ hưu. Ông chia sẻ để có được quần thể các bức tượng như hiện nay, việc đầu tiên ông làm là dành không ít thời gian “làm công tác tư tưởng” với vợ.
Thú vui ngày nghỉ hưu
Ngôi nhà nằm đầu làng xóm Phan Đăng Lưu (xã Nam Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) của ông Nguyễn Trọng Hà (SN 1944) là một địa chỉ đặc biệt. Trong khuôn viên rộng trước nhà có đến 8 bức tượng các vĩ nhân Việt Nam và thế giới được gia chủ đặt trang trọng gồm:
Vua Hùng thứ 18, vua Lý Công Uẩn, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, Bác Hồ, Võ Nguyên Giáp, tượng Thích ca mâu ni… Xung quanh còn có nhiều cây cảnh được cắt tỉa chu đáo, bức tranh bản đồ Việt Nam được làm từ nhiều hòn đá, và hàng trăm con vật được ông Hà cẩn thận đúc nên.
Chia sẻ cơ duyên với việc tạc tượng, ông Hà cho biết, năm 2001, trong một chuyến tham quan Trung Quốc, ông có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những bức tượng mô phỏng 8 vị La Hán tại một gia đình. Ý tưởng đắp tượng vĩ nhân của ông manh nha từ đó.
Về nhà, với dụng cụ là chiếc bay nhỏ, ông đã tự mày mò tập đắp hình các con vật. Những tác phẩm ban đầu của ông khiến người thân, bạn bè ngạc nhiên tán thưởng.
Năm 2005, khi nghỉ hưu, ông Hà tìm đến thú chơi cây cảnh và đắp tượng. Để có được quần thể các bức tượng như hiện nay, ông đã dành không ít thời gian “làm công tác tư tưởng” với vợ bằng việc đưa bà đi tham quan một số mô hình của các hội viên trong Hội Sinh vật cảnh của huyện Yên Thành và tỉnh.
Vợ ông, bà Lương Thị Lan (SN 1952) là giáo viên về hưu, lúc đầu phản đối vì muốn ông toàn tâm nghĩ dưỡng sau thời gian dài làm việc căng thẳng. Tuy nhiên trước niềm đam mê quá lớn của chồng, người phụ nữ không nỡ ngăn cấm đành vui vẻ chấp nhận. Từ đó đến nay, bà Lan là người lo “hậu trường” cho chồng tạc tượng.
Ngắm nhìn thành quả của mình, ông Hà còn nhớ như in quá trình đúc từng pho tượng. Cụ ông cho hay bức tượng đầu tiên ông bắt tay làm là tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 2009. Sau 79 ngày quần quật làm việc với nhiều lần chỉnh sửa, bức tượng Bác với đài hoa sen hoàn thành.
Bên cạnh là tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp dưới chân tượng là mô hình đồi núi và cỗ pháo đang giương cao. “Chỉ cần nhìn vào mô hình này, người xem có thể hình dung đến chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Qua đó tôi muốn giáo dục con cháu nhớ tới công sức của cha ông, những người đã hy sinh để góp phần tạo nên độc lập, tự do cho dân tộc”, ông Hà giải thích.
Nói thêm về quá trình tạc tượng đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông tâm sự: “Mười ngày sau khi bác Giáp mất, tôi liền nảy sinh ý tưởng đó. Lúc đó tôi có chút băn khoăn vì tượng Bác Hồ, Vua Hùng…đều từng có người làm, còn tôi không biết đã có ai đúc tượng bác Giáp chưa.
Tuy nhiên, với tấm lòng thành kính, tôi đã thắp nén hương cho Người, quyết định bắt tay vào làm việc”. Hơn hai tháng sau, bức tượng hoàn thành bằng cát, xi măng, sắt, thạch cao… trước sự trầm trồ của người dân trong vùng.
Gần đây nhất, vào ngày 10/3, ông Hà đã hoàn thành tượng vua Hùng đắp nổi trên mặt ao có chiều cao 1,7m, chiều rộng 1,12m. Phía sau là hình trống đồng Đông Sơn và lời căn dặn của Bác Hồ khi về thăm đền Hùng: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Ngày khánh thành tượng, ông và gia đình đã tổ chức giỗ Tổ tại đây, thu hút sự tham dự của đông đảo người dân, các tăng ni phật tử. Đây là bức tượng thứ tám trong các bức tượng vĩ nhân mà ông lựa chọn để đắp.
“Nghệ nhân tay ngang” bên vườn tượng độc đáo
Vườn tượng độc đáo
Ông Hà chia sẻ, với mỗi bức tượng, cái khó nhất là việc làm đôi mắt sao cho có hồn. Đồng thời phải phân chia các tỷ lệ chi tiết trên người sao cho hợp lý. Tất cả điều này được ông tự mày mò, học hỏi qua các kênh thông tin.
“Có bức tượng tôi phải phá bỏ trong đêm khuya khi thấy không hợp lý. Phải làm gấp vì chúng được làm từ xi măng, nếu để lâu sẽ không thể sửa lại được”, ông nói.
Ông Hà chia sẻ, mỗi lần đúc tượng đều có ý đồ riêng. Bức tượng Trần Hưng Đạo với chiếc gươm trong tay và dòng sông Bạch Đằng uốn lượn giúp người xem nhớ lại trận đại thắng quân Nguyên Mông. Bức tượng Lý Công Uẩn với chiếu dời đô của đất nước Đại Cồ Việt từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra thành Đại La (Hà Nội)… Xung quanh những bức tượng là mô hình cảnh non nước hữu tình được ông bài trí hài hòa.
Trong khuôn viên ngôi nhà còn có bức tranh bản đồ Việt Nam được ông Hà làm tỉ mỉ bằng đá cuội. Bản đồ hoàn chỉnh sau hai ngày “nghệ nhân” lao động miệt mài, với sự trợ giúp của người thợ cắt gạch. Tổng chi phí hơn 6 triệu đồng. Ông Hà cho biết hình ảnh đất nước Việt Nam hình chữ S với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được đo đạc với tỷ lệ chính xác thể hiện chủ quyền lãnh thổ, biển đảo của người dân Việt.
Với ông, mỗi bức tượng không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật đơn thuần mà còn có ý nghĩa đặc biệt thiêng liêng. Vì vậy, với mỗi bức tượng, ông đều làm lễ khởi công và khánh thành, gửi gắm vào đó ý nguyện, lòng thành kính sâu sắc với các vĩ nhân.
Vào ngày giỗ các “vị”, ông đều làm cỗ xôi gà và ngũ quả. Bà con đến thắp hương, góp công đức thì ông lại ủng hộ cho quỹ khuyến học của xã. Hiện nay, số tiền ông ủng hộ cho xóm lên đến hàng chục triệu đồng. Đặc biệt vào năm 2015, ông đã bỏ tiền túi khoan giếng nước uống cho nhà trẻ trong xóm.
Đứng nhìn toàn bộ khu vườn, ông Nguyễn Trọng Hà tâm sự: “Bức tượng nào tôi cũng đắp ở độ cao vừa phải, để các cháu mỗi lần về quê có thể tự tay thắp hương cho các anh hùng dân tộc. Qua đó, giúp các cháu hiểu rõ, trân trọng lịch sử dân tộc. Tôi đổ công sức, tiền bạc vào làm công việc này cũng chỉ vì mục đích đó chứ chẳng mưu cầu danh lợi”.
Ông cũng chia sẻ dự định sắp tới sẽ đúc tượng Thánh Gióng để tiếp tục đam mê của mình và nối dài câu chuyện lịch sử cho những ai đến tham quan vườn tượng này.
Với những đóng góp của mình, năm 2015, ông Nguyễn Trọng Hà được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam tôn vinh và trao bằng công nhận “Nghệ nhân, chủ nhà vườn sinh vật cảnh Việt Nam tiêu biểu năm 2015”. Ông Hà chia sẻ: “Đắp phù điêu có sức hút kỳ lạ với tôi, càng làm càng say nên không dứt ra được”. Bởi vậy mỗi ngày ông vẫn say sưa bên khu vườn tượng với những ý tưởng mới. Với mong muốn góp phần giáo dục truyền thống của quê hương, đất nước cho các thế hệ trẻ, hiện nay ông Hà đang biến khu vườn tượng của gia đình mình thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn. |
Tác giả bài viết: Long Trần
Nguồn tin: