Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bộ trưởng Tài chính: 15 năm, nợ công tăng gần 15 lần

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng nhận xét "nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn" lúc này là hoàn toàn đúng.
Quan điểm nêu trên được vị Bộ trưởng có vai trò "tay hòm chìa khóa" quốc gia đưa ra khi Quốc hội thảo luận sáng nay về việc huy động, sử dụng vốn vay và nợ công giai đoạn 2016-2020, đánh giá lại kết quả 2011-2015. Nhận định áp lực trả nợ hiện rất lớn, ông Đinh Tiến Dũng cho rằng đây là vấn đề quan trọng, cần sự đồng thuận trong nhận thức của xã hội.

dinh ten dung cacluatthue 2426 1477975011
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Người đứng đầu ngành tài chính đưa số liệu cho thấy tỷ lệ tương đối về nợ công đã tăng từ mức 36,5% GDP năm 2001 lên hơn gấp rưỡi - 62,2% GDP vào năm 2015. Còn xét về quy mô, số liệu năm 2015 đạt 2,68 triệu tỷ đồng, gấp 2,3 lần năm 2010 và 14,8 lần năm 2001.

“Tốc độ tăng nợ công 5 năm qua khoảng 18,4%, gấp 3 lần tăng trưởng kinh tế là 5,91%”, Bộ trưởng Tài chính nói và cho rằng một phần nguyên nhân là tăng trưởng kinh tế những năm qua không đạt kế hoạch đề ra, dẫn đến tỷ số giữa nợ và GDP có xu hướng tăng. Nguyên nhân tiếp theo là tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước, ngân hàng không đạt yêu cầu, trong khi ngân sách giảm thu vì giá dầu và để phục vụ mục tiêu thúc đẩy sản xuất.



Theo ông Dũng, hằng năm, Chính phủ vẫn phải đảo nợ khối lượng lớn: 2014 là 106.000 tỷ, 2015 là 125.000 tỷ, hết tháng 10/2016 là khoảng 95.000 tỷ đồng. Trong khi đó, mức chi vẫn theo tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm đã được Quốc hội thông qua (chi đảm bảo chi an sinh xã hội, không kể tiền lương tăng 18% một năm, cao hơn tăng thu), làm cơ cấu chi thường xuyên trong ngân sách tăng nhanh, lên tới 67,8% tổng thu (tăng 8% so với giai đoạn trước).

Tỷ lệ bội chi cũng ở mức cao. Giai đoạn 2011-2015 có bội chi dự toán là 872.000 tỷ đồng, song thực tế thực hiện 1,02 triệu tỷ đồng. “Nợ công về tuyệt đối đã tăng lên 1,2 triệu tỷ đồng”, Bộ trưởng Tài chính nêu. 

Giải pháp hạn chế tốc độ tăng của nợ công được đại diện Chính phủ đưa ra là tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý nợ công, ngân sách, trình Quốc hội sửa đổi Luật quản lý nợ công... Cơ quan quản lý cũng thực hiện tái cơ cấu nợ công bằng cách đẩy mạnh cơ cấu lại tỷ lệ nợ (nợ trong nước hiện là 57% và nợ nước ngoài 43%); cơ cấu lại kỳ hạn, lãi suất nợ công.

Bộ trưởng Dũng cho hay hiện kỳ hạn nợ công tăng gần gấp đôi, còn lãi suất đã giảm gần một nửa, một phần do tình hình tài chính trong nước khó khăn. “Nhưng đạt được như vậy cũng là rất tốt”, ông nói.

 
201610201427530440 NDN 8729 2 4835 6641 1477975011
Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư - Nguyễn Chí Dũng.

Về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư - Nguyễn Chí Dũng cho biết có hai quan điểm, một mặt cho rằng nên tập trung đầu tư cho một số ngành, lĩnh vực, địa phương “đầu tàu” để tạo lan toả, đóng góp ngày càng lớn hơn cho nguồn thu; mặt khác cần quan tâm các địa phương khó khăn để thu hẹp khoảng cách phát triển. “Trong khi đó, nguồn lực ngân sách hạn hẹp”, ông Dũng nói.

"Nên đánh thuế nhà"

Đại biểu Phạm Phú Quốc cho rằng trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, nguồn thu của Việt Nam dựa phần nhiều vào tài nguyên, nhu cầu chi cao, Chính phủ không còn cách nào khác là phải nuôi dưỡng, tìm nguồn thu mới và giảm chi.

“Chính phủ phải tìm cách để khơi thông nguồn lực xã hội, để doanh nghiệp, người dân mạnh dạn tham gia đầu tư vốn, thay vì gửi tiết kiệm, giữ tiền trong két sắt”, đại biểu Phạm Phú Quốc nhấn mạnh.

Vị đại biểu TP HCM cũng cho rằng, bên cạnh chương trình khởi nghiệp đang được Chính phủ đẩy mạnh, cũng cần khuyến khích thành lập những tập đoàn mang thương hiệu quốc gia với doanh thu, lợi nhuận lớn hơn GDP quốc gia. Theo ông Quốc, chính số doanh nghiệp lớn này sẽ dẫn dắt cộng đồng doanh nghiệp trong nước phát triển, tạo ra nguồn thu cho ngân sách. 

Cải thiện nguồn thu cũng cần tính tới các sắc thuế mới, như đánh thuế nhà. Ông Quốc dẫn dụ, khi ngân sách bỏ tiền đầu tư vào hạ tầng, giá nhà tại các khu vực này tăng lên thì chủ đầu tư cũng phải có trách nhiệm chia sẻ lợi nhuận, nộp một phần lời thu được vào ngân sách để lấy tiền tái đầu tư cho các dự án hạ tầng khác… “Ngân sách phải là nguồn vốn mồi, tạo động lực, đòn bẩy để phát triển”, ông Quốc nói. 

Ngoài ra, ông lưu ý, thu hút vốn ODA cần tỉnh táo tránh rơi vào bẫy nợ nần, hay thu hút FDI cũng cần chọn lọc, tránh trả giá môi trường sau này. Chính quyền địa phương cũng cần siết chặt kỷ cương, tài chính ngân sách, xoá xin-cho…

Hiến kế tạo nguồn thu cho ngân sách, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính và ngân sách Trần Quang Chiểu cho rằng hiện cơ quan chức năng còn "để trống một số nguồn thu quan trọng", cần xem xét kỹ lưỡng trong thời gian tới, như: Thu từ bán khí của Tập đoàn dầu khí Việt Nam; việc hình thành các quỹ đặc thù trong doanh nghiệp nhà nước, việc sử dụng quỹ tích luỹ trả nợ...

Tác giả bài viết: Hoài Thu - Võ Hải

Nguồn tin: