Tổng thống Putin ký luật đình chỉ thỏa thuận hạt nhân với Mỹ
- 08:02 01-11-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Newstatesman)
Theo RT, đạo luật đình chỉ thỏa thuận về xử lý plutonium giữa Nga và Mỹ được đăng tải trên cơ sở dữ liệu trực tuyến của chính phủ Nga, và chỉ tổng thống Nga mới được quyền quyết định có khôi phục thỏa thuận này trong tương lai hay không. Trước đó vài tuần, Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh đình chỉ thỏa thuận được ký kết vào năm 2000 giữa Nga và Mỹ, trong đó cho phép hai cường quốc hạt nhân xử lý và tiêu hủy plutonium khỏi chương trình quốc phòng của hai nước. Quốc hội Nga cũng đã phê chuẩn đạo luật này.
“Nga đình chỉ thỏa thuận vì những thay đổi đáng kể về môi trường, mối đe dọa ngày càng tăng đối với sự ổn định chiến lược do những hành động thù địch từ phía Mỹ nhằm vào Nga, cũng như sự bất lực của Mỹ trong việc thực hiện nghĩa vụ loại bỏ plutonium ở cấp độ vũ khí phù hợp với thỏa thuận giữa hai nước”, RT trích một đoạn trong đạo luật mới được Tổng thống Putin thông qua.
Theo AFP, đạo luật trên còn đặt ra một loạt điều kiện chưa từng có tiền lệ nếu Mỹ muốn khôi phục thỏa thuận về nguyên trạng, bao gồm chấm dứt các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga và rút hết binh sĩ Mỹ khỏi các nước thành viên của khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO ở Đông Âu, khu vực sát biên giới Nga.
Quyết định đình chỉ thỏa thuận với Mỹ của Nga diễn ra giữa lúc quan hệ Nga - phương Tây đang rơi vào trạng thái căng thẳng từ sau chiến tranh Lạnh sau vụ Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, tình hình xung đột ở miền đông Syria và cuộc chiến chống khủng bố dai dẳng ở Syria.
Tuy nhiên, đây không phải là động thái bất ngờ từ phía Nga vì trước đó Moscow đã bày tỏ sự bất bình với cách thức mà Washington đã làm để kiểm soát việc tiêu hủy nguyên liệu hạt nhân plutonium. Theo đó, Mỹ đã quyết định trộn các nguyên liệu hạt nhân được chở tới từ Nga với các phụ gia đặc biệt và điều này bị Nga coi là vi phạm thỏa thuận giữa hai nước.
Moscow lập luận rằng, căn cứ theo các điều khoản của thỏa thuận đã ký, Mỹ phải sử dụng lò phản ứng hạt nhân để chuyển hóa plutonium. Không giống như công nghệ trộn phụ gia, phương pháp dùng lò phản ứng hạt nhân sẽ khiến plutonium hoàn toàn không thể tái sử dụng được.
Tác giả bài viết: Thành Đạt
Nguồn tin: