Hàng xách tay thật giả lẫn lộn: Nỗi lo người tiêu dùng
- 13:50 31-10-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thực tế tại các quầy bán hàng trên thị trường hiện nay, rất nhiều sản phẩm không có tem, phiếu, nơi xuất xứ ghi bằng tiếng Việt, nên người tiêu dùng mua hàng chỉ theo thói quen: thích là mua, thuận là dùng. Và điều này chính là kẻ hở rất lớn trong việc quản lý các sản phẩm trôi nổi trên thị trường.
Đối với mỹ phẩm nhập khẩu gắn dưới mác xách tay, cụ thể như các mặt hàng mỹ phẩm, để được phép lưu thông trên thị trường thì yếu tố bắt buộc phải có phiếu tiếp nhận và công bố chất lượng sản phẩm hàng hóa của Cục quản lý dược, thuộc Bộ y tế cấp. Bên cạnh đó, những mặt hàng xách tay nếu bày bán phải có đầy đủ hóa đơn chứng minh xuất xứ nguồn gốc, đặc biệt hơn là phải ghi nhãn hàng hóa, hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt theo đúng Nghị định số 89 của Chính phủ và Thông thư 06 của Bộ y tế quy định.
Rất nhiều mặt hàng mỹ phẩm nước ngoài không có tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt bày bán công khai trên thị trường
Tuy nhiên, thực tế tại các quầy bán hàng trên thị trường hiện nay, rất nhiều sản phẩm không có tem, phiếu, nơi xuất xứ ghi bằng tiếng Việt, nên người tiêu dùng mua hàng chỉ theo thói quen: thích là mua, thuận là dùng. Và điều này chính là kẻ hở rất lớn trong việc quản lý các sản phẩm trôi nổi trên thị trường. Chị Từ Ánh Ngọc- Cửa hàng Mini Mart, đường Hồ Tùng Mậu, TP Vinh lí giải: Thực ra, đợt vừa rồi có nhiều ngày lễ nên một số sản phẩm mới về chưa kịp các tem phụ.
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chánh Thanh tra Sở KH&CN cho biết: Tất cả các loại hàng mà không có ghi tiếng Việt Nam đều là hàng vi phạm, vì vậy, kiểm tra thì phải tạm giữ các loại hàng này. Nếu người bán xuất trình đủ các thủ tục theo quy định về chất lượng, hóa đơn chứng từ thì sẽ xử phạt về vi phạm hàng hóa, còn không bắt buộc tịch thu, tiêu hủy theo quy định của pháp luật.
Thực phẩm chức năng cũng là mặt hàng xách tay được kinh doanh nhiều
Chính vì hàng hóa xách tay theo dạng trôi nổi, nên không ít trường hợp người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm đã bị tác dụng phụ, bởi không hiểu được công dụng thực chất của các sản phẩm này. Trong đó, nguy cơ lớn nhất là đối với thuốc bổ và thực phẩm chức năng…đây là các mặt hàng được các tiểu thương kinh doanh nhiều, bởi họ đánh đúng thị hiếu, tâm lý của người tiêu dùng. Ông Lê Phi Hùng- Phó chánh TT Sở y tế khuyến cáo: Đối với thực phẩm chức năng, phải có giấy chứng nhận của Bộ y tế cấp thì mới được phép lưu thông trên thị trường. Còn đối với các mặt hàng không có tem, nhãn phụ… không nên dùng. Vì đây là những mặt hàng trôi nổi, nên không đánh giá được chất lượng của nó như thế nào.
Việc kiểm tra các hóa đơn chứng từ nhằm chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa đang được các cơ quan chức năng thực hiện. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là cần phải quản lý và siết chặt hơn thị trường hàng xách tay đã bị thả nổi như lâu nay, góp phần làm cho thị trường lành mạnh, an toàn hơn.
Tác giả bài viết: Nguyễn Nam - Hồng Phong
Nguồn tin: