Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chuyện tình như tiểu thuyết của anh hùng vận tải với cô gái xứ Nghệ

Anh hùng LLVTND Đoàn Minh Nguyệt được biết đến là người lập kỷ lục lái xe trên đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Ông đã vận chuyển được hơn 1.000 tấn vũ khí, lương thực và đưa hàng trăm chiến sĩ vào chiến trường. Hằng năm, Đoàn Minh Nguyệt phải đi hơn 300 ngày, có tháng ròng rã cả 30 ngày liên tục ngồi trên xe. Chiếc Gaz 63 đã cùng anh đi 95.000km an toàn, vận chuyển trên 600 chuyến.
Anh hùng vận tải

Đã trải qua hơn 80 mùa xuân của cuộc đời nhưng trông tướng mạo của anh hùng Đoàn Minh Nguyệt vẫn còn tinh anh lạ thường. Trong chiến tranh, ông là anh hùng trên trận tuyến; thời bình, ông là một cựu chiến binh miệt mài với mặt trận kinh tế, có nhiều đóng góp cho quê hương. Trong câu chuyện với hai vợ chồng ông tại nhà riêng ở xóm 22, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, chúng tôi hiểu thêm ở ông phẩm chất người lính Cụ Hồ trên cả hai trận tuyến. Anh hùng Đoàn Minh Nguyệt, SN 1932 ở xã Thọ Vinh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, là con thứ 5 trong một gia đình nghèo có 8 anh chị em.

Hai người anh em của ông (anh trai đầu và em trai thứ 6) đều đi bộ đội và hy sinh ở chiến trường. Chính điều đó cùng với hoàn cảnh lúc bấy giờ của đất nước nên mặc dù đã ngoài 30 tuổi, Đoàn Minh Nguyệt vẫn làm đơn tình nguyện nhập ngũ. Anh được biên chế vào Sư đoàn 308 và được cử đi đào tạo lái xe ở trường lái xe của quân đội. Một năm sau, anh được điều vào tuyến lửa, gắn bó mình với cái vôlăng trên các tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Tháng 1/1965, anh được biên chế vào Binh trạm 1, Cục Hậu cần Quân khu 4. Công việc của anh lúc bấy giờ là vận chuyển hàng hóa chi viện cho tiền tuyến. Nhận chiếc xe Gaz 63, anh bắt đầu những chuyến hàng đầu tiên, băng qua mưa bom, bão đạn để kịp thời phục vụ cho đồng đội nơi chiến trường.



Các cung đường ác liệt nhất như Truông Bồn, ngã ba Đồng Lộc, Khe Giao, Tân Lập đều có dấu xe anh qua. Ngày ấy, máy bay Mỹ giội bom ồ ạt lên các cung đường trọng điểm, nên mỗi lần đi qua, Đoàn Minh Nguyệt đều phải dồn hết sức bình sinh và trí thông minh của mình để tránh né làn đạn, tìm mọi cách để đến nơi an toàn. Bốn năm trời gắn bó với chiếc xe Gaz, không biết bao nhiêu chuyến hàng, bao nhiêu con người đã được chi viện cho tiền tuyến từ bàn tay của người “tài xế” Đoàn Minh Nguyệt. Anh đã vận chuyển được hơn 1.000 tấn vũ khí, lương thực và hàng trăm chiến sĩ vào chiến trường.

 
anh hung van tai dspl


Hằng năm, Đoàn Minh Nguyệt phải đi trên 300 ngày, có tháng ròng rã cả 30 ngày liên tục ngồi trên xe. Chiếc Gaz 63 đã cùng anh đi 95.000km an toàn, vận chuyển trên 600 chuyến để đưa người và hàng đến nơi đúng thời gian quy định. Sau Chiến dịch Mậu Thân 1968, địch đánh phá hủy diệt ngã ba Đồng Lộc, các tuyến đường luôn bị chia cắt, nhu cầu vận tải ngày càng tăng, chiếc Gaz 63 không còn đáp ứng được yêu cầu của thời thế. Nó được thay thế bằng chiếc Zil “khỏe” hơn, “hợp thời” hơn.

Cuối năm 1969, Đoàn Minh Nguyệt được cử làm Tiểu đội trưởng chỉ huy 3 chiếc Zil chở hàng và vũ khí chi viện cho chiến trường Lào. Với những thành tích xuất sắc đó, anh đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, vinh dự được Bác Hồ gắn Huy hiệu của Người tại Đại hội điển hình lái xe miền Bắc năm 1968 và ngày 25/8/1970, Đoàn Minh Nguyệt được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Phải lòng người con gái xứ Nghệ

Chiến tranh đưa Đoàn Minh Nguyệt về với Quân khu 4, về với mảnh đất miền Trung đầy nắng và gió. Để rồi cũng chính trên mảnh đất này, ông đã gặp được một nửa yêu thương của cuộc đời mình-bà Nguyễn Thị Tuất, vợ ông bây giờ. Trong câu chuyện với chúng tôi, cả ông Nguyệt và bà Tuất đều rất đỗi tự hào khi vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đến được với nhau, đặng xây đắp một tình yêu nồng ấm, ngọt ngào trên đất nghèo xứ Nghệ.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 4 chị em ở xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, bà Nguyễn Thị Tuất ngày ấy được coi là con chim đầu đàn của huyện trong các phong trào thi đua tăng gia sản xuất. Năng nổ, hoạt bát, thông minh và đầy nhiệt huyết, sớm tham gia vào cơ cấu tổ chức Đoàn, xã rồi lên huyện, trưởng thành từ các chức vụ khá chủ chốt lúc bấy giờ như Phó bí thư Đảng ủy xã Nghi Phong, Đội trưởng đội dân quân xã trong nhiều năm liền. Đoàn Minh Nguyệt nhớ lại, hai ông bà gặp nhau trong hoàn cảnh khá đặc biệt.

Ấy là vào năm 1968, Tỉnh đoàn Nghệ An tổ chức Đại hội đoàn viên, thanh niên ưu tú đang sống và làm việc trên quê hương Bác Hồ. Đoàn Minh Nguyệt được Cục Hậu cần cử đi dự đại hội. Chị Nguyễn Thị Tuất cũng có mặt trong đại hội và cái “thuở ban đầu lưu luyến” của họ bắt đầu từ ngày ấy. Kể từ đó, hai người liên lạc với nhau thường xuyên. Cứ mỗi lần đi công tác về, ông lại tranh thủ ghé qua nhà thăm bà. Họ chia sẻ với nhau những khó khăn trong công việc, trong cuộc sống.

Trong những câu chuyện ấy, tình yêu đã đơm nụ nảy chồi, hai trái tim dần tìm được nhịp đập chung. Năm 1970, họ chính thức dắt tay nhau về xây tổ ấm trên mảnh đất Nghi Lộc quê hương của bà. Đám cưới đơn giản nhưng ngập tràn hạnh phúc. Cưới nhau được một ngày, ông lại phải rời tổ ấm của mình để lên đơn vị. Do tính chất công việc không thể bỏ bê, lại cùng là người hoạt động chính trị nên hơn ai hết bà Tuất hiểu và thông cảm cho chồng mình. Để rồi chẳng ngại đường sá xa xôi và bao khó khăn vất vả của thời chiến, bà một mình lặn lội về quê chồng thăm gia đình và họ hàng bên nội.

Xa chồng, một mình bà vẫn chèo chống cả gia đình. Vừa lo toan việc nhà nhưng cũng chẳng lơ là việc nước. Bà vẫn là một cán bộ mẫu mực và luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Sớm đứng vào hàng ngũ của Đảng, nhận thức được nhiệm vụ của mình, bà Tuất dành trọn tâm huyết cho các phong trào, các hoạt động chính trị và luôn là một đảng viên xuất sắc, là hậu phương vững chắc cho chồng yên tâm công tác. Mình bà vẫn nuôi các con khôn lớn, trưởng thành và ăn học đến nơi đến chốn.

Năm 1976, bà đích thân ra miền Bắc đón mẹ chồng vào ở chung cho tiện chăm sóc, phụng dưỡng, làm tròn bổn phận của một người con dâu thảo. Thương vợ, ông luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ để mong ngày đoàn viên, sớm trở về phụ vợ gánh vác, chăm lo cho gia đình.

Anh hùng giữa đời thường

Năm 1983, anh hùng Đoàn Minh Nguyệt trở về hậu phương sau hơn 15 năm chinh chiến khắp các chiến trường Bắc-Nam. Hai vợ chồng cùng nhau bắt đầu gây dựng cuộc sống. Buông tay súng, chắc tay cày, ông đẩy mạnh việc phát triển kinh tế, kiếm sống với đủ thứ nghề. Sau 3 năm cật lực với nông nghiệp, với ruộng đồng, ông bắt đầu mạnh dạn chuyển đổi hình thức kinh doanh. Bán tất cả các sản phẩm nông nghiệp và sử dụng chút vốn liếng tích cóp, chắt chiu từ bấy lâu, ông mua một cửa hàng ở ngã ba Quán Bánh (TP.Vinh) để thu mua, kinh doanh lạc củ và song mây xuất khẩu.

Khi đã tích cóp được ít vốn liếng, ông Nguyệt mạnh dạn thử sức trong lĩnh vực bất động sản, kinh doanh khách sạn để nhanh chóng thoát nghèo, kiếm thêm thu nhập cho con cái ăn học và cải thiện đời sống gia đình. Với sự kiên trì, năng động, dám nghĩ dám làm, không ngại khó, ngại khổ nên trời cũng chẳng phụ công.

Năm 2000, khách sạn Nga Ngọc Ngà (đặt theo tên của ba người con của ông) được xây dựng ở thị xã Cửa Lò với 15 phòng khang trang, sạch sẽ và chỉ một năm sau thì chính thức đi vào hoạt động. Mùa hè, ngày nghỉ, ngày lễ khách khứa lúc nào cũng tấp nập. Ngoài ra, ông còn xây dựng hồ nuôi tôm, làm trang trại tổng hợp để nuôi cá và các loại gia súc, gia cầm. Kinh tế đã không còn là gánh nặng, là nỗi lo đối với gia đình ông nữa.

 
Mỗi năm, gia đình ông ủng hộ 30 triệu đồng cho các phong trào, hoạt động của địa phương trong đó có ủng hộ để xây dựng trường học, đài tưởng niệm, xây nhà tình nghĩa và giúp đỡ những gia đình nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Tác giả bài viết: HƯƠNG THẢO

Nguồn tin: