Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Vàng, bạc trong smartphone bị lãng phí như thế nào?

Mỗi smartphone đều chứa hàng loạt kim loại quý như vàng, bạc, đồng, bạch kim và paladi, tuy nhiên, nguồn tài nguyên này sẽ bị lãng quên khi chiếc smartphone đó trở nên lỗi thời.

Những kim loại quý này ngày càng khan hiếm, khi con người đang phải đối mặt với sự thật rằng chúng ta rồi sẽ không thể khai thác chúng từ dưới lòng đất nữa. Chính vì thế, chiếc smartphone trong tay đáng giá nhiều hơn chúng ta vẫn tưởng.
 

Những chiếc smartphone đáng giá nhiều hơn chúng ta vẫn tưởng. Ảnh: BBC.
 

Thực sự có gì trong một chiếc smartphone?

Smartphone là kho báu thu nhỏ của các kim loại quý và đất hiếm. Một iPhone được ước tính chứ khoảng 0,034g vàng, 0,34g bạc, 0,015g paladi và ít hơn 0,001g bạch kim. Ngoài ra, iPhone cũng chứa các kim loại khác với lượng lớn, như 25g nhôm và khoảng 15g đồng.

Không những thế, smartphone cũng chứa hàng loạt kim loại đất hiếm – những kim loại phong phú trong lòng Trái đất nhưng khó khai thác và chiết tách, chẳng hạn yttri, lantan, terbi, neodymi, gadolini và praseodymi. Ngoài ra, một danh sách dài các thành tố với chất dẻo, thủy tinh, ắc quy, vv...

Đây chỉ là những tính toán trong một số lượng nhỏ. Ngày nay, hơn hai tỷ người sở hữu smartphone và con số này dự tính không dừng lại ở đó. Mức tập trung vào một số thành tố như vàng và bạc trong điện thoại cao hơn so với mức độ tương đương khối lượng của chúng trong các mỏ khai thác. Một tấn iPhone chứa gần 300 lần lượng vàng, và 6,5 lần lượng bạc trong một tấn quặng.

Tại sao đây trở thành vấn đề đáng lo ngại?

Bởi hơn hai tỷ người dùng sẽ nâng cấp điện thoại mới 11 tháng một lần, cũng có nghĩa là những chiếc điện thoại cũ rồi sẽ nằm yên trong ngăn kéo và bị lãng quên, hoặc bị vứt đi đâu đó.

Chỉ khoảng 10% trong số này được tái chế, cũng như các thành phần quý được thu hồi và tái sử dụng. Đó là mỏ vàng thực sự đang nằm ngay trong tủ, hộp hay thậm chí bãi rác. Điều này có ý nghĩa về mặt kinh tế và môi trường nhằm hạn chế lãng phí những vật liệu quý như vậy.

Điều gì sẽ xảy ra với các tài nguyên khi một smartphone lỗi thời?


Một triệu điện thoại di động có thể mang gần 16 tấn đồng, 350kg bạc, 34kg vàng và 15kg paladi. Thách thức đặt ra là làm sao để thu hồi chúng một cách an toàn và tiết kiệm.

Theo báo cáo, một lượng lớn chất thải điện tử, kể cả điện thoại, được xuất khẩu từ các nước phương Tây và chất đống tại nhiều quốc gia như Trung Quốc – nơi trả lương cho công nhân và trẻ em với cái giá rẻ mạt - đã bị tách ra bằng cách sử dụng chất hóa học nguy hiểm, nhằm thu các thành phần có giá trị cao.

Thị trấn đông nam Trung Quốc, Quý Tự (Guiyu), được mệnh danh là bãi rác công nghiệp lớn nhất thế giới, đã gây ra nhiều vấn đề sức khỏe cho người dân cũng như ô nhiễm môi trường do thủy ngân, thạch tín, crom và chì từ phương pháp này.

 

Từ điện thoại đến máy tính, thị trấn Quý Tự, Trung Quốc đã xử lý phần lớn rác thải công nghiệp trên thế giới - năm 2008, 80% vật liệu được chế biến ở đây có nguồn gốc nước ngoài. Ảnh: BBC.
 

Thậm chí việc chất thải công nghiệp được tái chế tại quốc gia sản xuất cũng dấy lên nhiều tranh cãi. Một ví dụ điển hình là tại Australia, tái chế những chất thải này liên quan đến công nghiệp luyện kim, một ngành đắt đỏ và không thân thiện với môi trường.

Cách tốt nhất để giải quyết vấn đề là gì?

Về lý thuyết, chúng ta nên dừng lại việc nâng cấp điện thoại mới, tuy nhiên, thay đổi hành vi tiêu dùng có lẽ là phương án ít khả thi nhất.

Nhà khoa học vật liệu Veena Sahajwalla từ Đại học New South Wales, Australia đang tiến hành giải quyết trong phạm vi nhỏ trước một vấn đề toàn cầu. Sahajwalla nhìn thấy hy vọng ở các nhà máy cỡ nhỏ (micro-factories), tồn tại trong mỗi cộng đồng, có thể chiết tách kim loại quý từ những điện thoại lỗi thời và bỏ phần còn lại.

Bằng dòng điện cao thế, điện thoại bị đập vỡ, sau đó bảng mạch in được mang trở lại bằng cánh tay robot. Điện thoại tiếp tục được đưa vào một lò nhỏ sử dụng phản ứng nhiệt độ cao và điều chỉnh chính xác để đưa hợp kim kim loại quý ra ngoài. Ở đây, bất kỳ chất độc hại nào cũng sẽ được thiêu đốt một cách an toàn.

Toàn bộ máy móc quy trình này có kích thước cỡ một container vận chuyển, điều này có thể khiến nó trở thành ngành thủ công cuối cùng cho những người vẫn hằng tìm vàng trong các núi rác công nghiệp.

Tác giả bài viết: Xinh Hồ

Nguồn tin: