Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Áp dụng mô hình trường học mới: Nóng vội, máy móc

Việc nóng vội và máy móc áp dụng mô hình trường học mới tại Việt Nam khiến hiệu quả chưa được như mong muốn, dư luận băn khoăn.

Dự án mô hình trường học mới tại Việt Nam được triển khai tại 1.447 trường tiểu học. Ảnh: tieuhoc.moet.gov.vn.
 

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa gửi tới các đại biểu Quốc hội báo cáo về Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020 và Dự án mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN).

Lộ trình chưa phù hợp

Mục tiêu của VNEN được Bộ GD&ĐT đưa ra là tạo điều kiện cho trẻ em thuộc các nhóm trẻ khó khăn hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học có chất lượng thông qua việc đổi mới cách tổ chức hoạt động giáo dục, hoạt động dạy học. Dự án được triển khai tại 1.447 trường tiểu học. Tổng vốn dự án được phê duyệt là 87,6 triệu USD, chủ yếu là vốn viện trợ không hoàn lại. Dự án đã kết thúc hoạt động sử dụng vốn viện trợ vào tháng 5/2016 với kết quả giải ngân hơn 84 triệu USD, đạt 99,63%.

Sau ba năm triển khai, Bộ GD&ĐT nhận thấy, đây là một mô hình đổi mới giáo dục đồng bộ về phương pháp dạy và học, đánh giá, cách thức tổ chức lớp học, phối hợp cha mẹ và cộng đồng với giáo dục, đổi mới sinh hoạt chuyên môn và công tác quản lý. Mô hình tạo ra những tiền đề trong đổi mới phương pháp dạy học, tổ chức hoạt động dạy học, đánh giá học sinh nhằm chuẩn bị thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Tuy nhiên, theo Bộ GD&ĐT, lộ trình, các bước triển khai mô hình chưa phù hợp, cán bộ quản lý và giáo viên chưa được chuẩn bị chu đáo, một bộ phận ngại đổi mới hoặc áp dụng mô hình một cách máy móc. Việc triển khai nóng vội, áp dụng ngay cả ở những trường còn khó khăn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, lớp học đông... dẫn đến việc tổ chức hoạt động giáo dục chưa đạt được hiệu quả mong muốn, gây ra những băn khoăn trong dư luận.

Sau một thời gian triển khai đề án, nhiều địa phương đã quyết định tạm dừng triển khai mô hình trường học mới này. Trước thực tế đó, Bộ GD&ĐT “khuyến khích các cơ sở giáo dục đang triển khai mô hình trường học mới tiếp tục duy trì trên cơ sở tự nguyện, đảm bảo đạt hiệu quả thiết thực bảo đảm quyền lợi suốt cấp học cho học sinh”.

Sẽ có trung tâm khảo thí ngoại ngữ độc lập

Về Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020, Bộ GD&ĐT cho biết, kinh phí thực hiện đề án được bố trí thông qua chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015. Tổng kinh phí dự kiến giai đoạn này là 4.386 tỷ đồng, tuy nhiên, do ngân sách khó khăn nên vốn Trung ương phân bổ chỉ là 2.198 tỷ đồng. Đến hết năm 2015, kinh phí đề án mới được bố trí đạt 70,3% kinh phí dự toán giai đoạn 2008 - 2015 và đạt 40,83% tổng kinh phí của đề án.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, một trong những khó khăn gặp phải là mục tiêu của đề án đặt ra quá cao so với khả năng thực hiện, chưa phù hợp với xuất phát điểm về năng lực ngoại ngữ của người dạy, người học cũng như thực trạng dạy và học ngoại ngữ của cả nước. Tới đây, Bộ tiếp tục triển khai đề án, trong đó tập trung vào tiếng Anh. Bộ sẽ xây dựng hệ thống kiểm tra, đánh giá trong dạy và học ngoại ngữ theo hướng hội nhập với chuẩn quốc tế, dựa vào nguồn lực chuyên môn trong nước và phối hợp các chuyên gia, tổ chức tư vấn quốc tế. Đồng thời xây dựng trung tâm khảo thí ngoại ngữ độc lập cấp quốc gia để đảm bảo sự minh bạch, chính xác và thống nhất.

Tác giả bài viết: Dũng Nguyễn

Nguồn tin: