Thủ đoạn đường dây buôn thịt hổ từ Lào về Việt Nam
- 15:53 28-10-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Để che mắt lực lượng chức năng, sau khi vận chuyển hổ đã bị giết thịt từ Lào về Việt Nam, Lê Văn Đức đem gửi nhờ tủ đông lạnh của nhà hàng xóm có nhân thân tốt chờ thời điểm đưa đi tiêu thụ.
Tang vật vụ án là hai cá thể hổ đông lạnh - Ảnh: PC49 Nghệ An cung cấp
Sáng 28-10, nguồn tin từ phòng cảnh sát môi trường (PC49) Công an tỉnh Nghệ An cho biết đơn vị này đã bàn giao hai nghi can Lê Văn Đức (26 tuổi) và Nguyễn Thị Quế (48 tuổi) - cùng ngụ xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu cùng tang vật gồm hai con hổ cho Công an huyện Diễn Châu xử lý.
Nghi can Đức bị tạm giữ để điều tra về hành vi mua bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm.
Đầu tháng 8-2016, PC49 Nghệ An nhận được nguồn tin có một đường dây vận chuyển hổ từ Lào về Việt Nam tiêu thụ nên xác lập chuyên án 106H để điều tra.
Sau khi thu thập các tài liệu, chứng cứ, chiều tối 27-10 PC49 Nghệ An đã bất ngờ kiểm tra nhà bà Nguyễn Thị Quế thì phát hiện trong tủ đông lạnh của nhà bà Quế chứa một con hổ còn nguyên nặng 37kg, một phần thịt hổ nặng 21kg cùng một đầu hổ khoảng 6kg.
Nghi can Đức (phải) và tang vật - Ảnh: PC49 Nghệ An cung cấp
Số thịt hổ ướp lạnh tại nhà bà Quế được xác định là của Lê Văn Đức nhờ cất giấu hộ. Ông Đức cũng không xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
Một điều tra viên đội 2 phòng PC49 Nghệ An cho hay bước đầu Đức khai nhận sau khi mua hổ đã được làm thịt ở Lào thì cất giấu vào trong xe khách chạy tuyến Lào - Việt Nam để đưa về Nghệ An tiêu thụ.
Đức được xác định là một “mắt xích” quan trọng trong đường dây mua bán, vận chuyển hổ từ Lào về Việt Nam.
“Để tránh cơ quan điều tra phát hiện, Đức đem gửi hổ đã được làm thịt sang nhà hàng xóm để chờ đưa đi tiêu thụ”, điều tra viên nói.
Hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục mở rộng điều tra nguồn gốc của hai con hổ ướp lạnh mà Đức cất giấu.
Theo Trung tâm giáo dục thiên nhiên Việt Nam (ENV), hổ Đông Dương được bảo vệ theo nghị định 160/2013/NĐ-CP, nghị định 32/2006/NĐ-CP và Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm (CITES).
Theo đó, việc săn bắn, bẫy, nuôi nhốt, giết mổ, vận chuyển, buôn bán hay quảng cáo hổ và các sản phẩm từ hổ là vi phạm pháp luật.
Tác giả bài viết: DOÃN HÒA
Nguồn tin: