Bỏ làm công chức để lập trại bò lai sinh sản
- 16:08 27-10-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nghỉ việc ở bưu điện tỉnh, Nguyễn Thành Long ở Ninh Thuận chuyển sang một lĩnh vực hoàn toàn trái ngành là nuôi bò lai sinh sản.
Sinh ra ở miền quê nghèo khó, đất đai khô cằn nên Nguyễn Thanh Long ở Ninh Thuận luôn khát khao làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Tốt nghiệp cao đẳng công nghệ thông tin, sau đó công tác tại Bưu Điện tỉnh Ninh Thuận từ năm 2008, nhưng đến 2013 anh Long đã quyết tâm bỏ nghề để theo đuổi đam mê làm chủ.
Lúc bấy giờ, Long thấy đất đai ở quê hương ngày càng khô cằn, thiếu nước nên hoạt động chăn nuôi bò thả rông tại đây ngày càng yếu đi. Cũng chính từ khó khăn này, anh nảy ra ý tưởng nuôi bò lai sinh sản nhốt chuồng.
Lúc bấy giờ, Long thấy đất đai ở quê hương ngày càng khô cằn, thiếu nước nên hoạt động chăn nuôi bò thả rông tại đây ngày càng yếu đi. Cũng chính từ khó khăn này, anh nảy ra ý tưởng nuôi bò lai sinh sản nhốt chuồng.
Ngoài nhốt chuồng thỉnh thoảng anh Long vẫn cho bò đi ăn cỏ ở quanh vườn.
“Ngay từ lúc bắt tay vào kế hoạch mới, tôi bị gia đình phản ứng gay gắt vì 'học xong phải đi làm cán bộ, chứ ai lại đi về làm nông, chăn nuôi thế này'. Thế nhưng, tôi vẫn quyết tâm dùng tiền dành dụm mua bò và xây chuồng trại để nuôi”, anh Long kể và cho biết, thời kỳ đầu khá chật vật, thay vì quần áo bóng bẩy như khi còn làm bưu điện thì giờ cả ngày cặm cụi chăm nuôi bò. Nhiều người trong xóm dè bỉu anh, cho rằng sung sướng không muốn lại muốn khổ. Lúc đó, anh khá chán chường nhưng vẫn quyết tâm cho mọi người thấy được nỗ lực của mình.
Sau 4 tháng nuôi, con bò tơ đầu tiên của Long đã thụ tinh và sinh ra được nghé con, cứ thế anh nuôi lớn và bán, sau đó quay vòng, vay thêm tiền ngân hàng để đầu tư tiếp con thứ 2, rồi thứ 3.
Cựu công chức ngành bưu điện chia sẻ, dù bò là vật nuôi dễ chăm sóc, giá cả con giống bán ra ổn định, tuy nhiên, vì mới bắt tay vào làm nên còn gặp nhiều khó khăn.
"Thời gian đầu nuôi bò, tôi phát hiện ra chúng hay mắc bệnh tiêu chảy, tụ huyết trùng, trong khi muốn chăn nuôi thành công cần đặc biệt chú ý khâu phòng bệnh. Nhờ học hỏi từ sách báo và được cán bộ thú y tư vấn, tôi tiêm phòng đầy đủ cho đàn bò và vệ sinh chuồng nuôi luôn sạch sẽ nên hạn chế được dịch bệnh”, anh Long cho biết.
Để chủ động nguồn thức ăn cho đàn bò, Long tận dụng 2 sào ruộng để trồng cỏ nên luôn cung cấp đủ thức ăn. Cứ mỗi buổi chiều, anh cho bò uống thêm cám gạo để tăng sức đề kháng, bổ sung chất dinh dưỡng, giảm bệnh tật, đồng thời, tận dụng các phụ phẩm như ngô, mía làm thức ăn. Cũng nhờ chăm chỉ và nỗ lực hết mình, tới nay đàn bò lai sinh sản của anh Long đã lên tới 8 con.
Đàn bò được nuôi trong chuồng trại sạch sẽ nên ít bệnh tật.
“Đối với bò lai, thời gian sinh sản thường 18-22 tháng. Do vậy, 3 năm một con bò có thể đẻ được 2 bò con, nuôi khoảng 6-8 tháng là có thể bán với giá 20-25 triệu đồng một con, sau khi trừ chi phí có thể thu lời được 8,1 triệu đồng mỗi con một năm. Trong khi đó, trồng 1 ha lúa, vất vả cả năm cũng chỉ lãi khoảng 20 triệu đồng”, anh Long tính toán.
Tuy nhiên, thay vì chốt lời, anh Long chọn cách nếu bò đẻ bê cái anh để lại nhân giống, còn bê đực anh bán đi đầu tư thêm con giống. Anh cho biết, tương lai sẽ nâng số lượng đàn bò lên 30-50 con. Hiện gia đình anh có 1,7ha đất nông nghiệp, khá lý tưởng cho việc hình thành khuôn viên nuôi bò với số lượng lớn. Hiện, anh cũng đang chủ động liên kết với các hộ nuôi bò lai sinh sản nhốt chuồng thành lập nhóm nuôi bò lai để chia sẻ kinh nghiệm với nhau; lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, mua bán tập trung giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận.
Dẫu vậy, trăn trở mà anh Long đang gặp phải là đường nước dùng cho nông nghiệp không có, mỗi ngày phải vận chuyển 20 bình loại 20 lít từ nhà đến rẫy cho bò uống rất vất vả. Để cải thiện tình hình, anh đang có kế hoạch đầu tư đường nước, nhưng chi phí khá cao.
Tác giả bài viết: Hồng Châu
Nguồn tin: