Một tháng trải nghiệm iPhone 7
- 07:37 27-10-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chiếc smartphone đầu tiên của tôi - iPhone 3GS - gặp nạn ở hồ bơi năm 2012. Thời điểm đó, iPhone 5 vừa ra mắt, nhưng quá đắt.
Bên cạnh lý do về giá, điều khiến iPhone 5 không tỏ ra hấp dẫn là màn hình 4 inch quá nhỏ. Do đó, tôi đành hài lòng với một chiếc Android màn hình 6 inch, và chờ đợi.
Trong 4 năm vừa qua, thị trường chứng kiến một Apple bắt đầu chậm chạp. Với một người làm việc trong lĩnh vực công nghệ, được tiếp xúc thiết bị của nhiều hãng, đó càng là một nỗi thất vọng lớn.
Tuy vậy, sau nhiều lời chê bai, bạn không khỏi lấn cấn vì số lượng bạn bè dùng iPhone ngày càng nhiều.
Khi chiếc Android 4 năm tuổi bắt đầu già cỗi, tôi bắt đầu tìm một thiết bị khác trong nhóm cao cấp. Tháng 9, thị trường có hai lựa chọn là iPhone 7 và Galaxy S7, ngoài ra không có nhiều cái tên thực sự ấn tượng.
Tôi quyết định "đổi gió" sang iOS và tìm mua một chiếc iPhone 7. Bên cạnh mức giá, 4 năm với một “viên gạch thẻ” gần 6 inch trong túi quần khiến tôi không dám nghĩ đến 7 Plus.
Cảm giác hoàn hảo nhưng đầy hồi hộp
Khi cầm chiếc iPhone 7 đầu tiên tại Việt Nam, tôi đã nghĩ đó là thiết bị đầy phấn khích. Tuy nhiên, cảm giác sở hữu chiếc iPhone 7 không thực sự “bùng nổ” như vậy.
Không có nghĩa iPhone 7 là một sản phẩm tồi, bàn đến độ hoàn thiện của iPhone có vẻ quá thừa, mọi chi tiết đều không có điểm để chê.
Cảm giác cầm nắm, xoay trở iPhone 7 hoàn toàn khác biệt, cân bằng đến mức tối ưu và dường như tách ra khỏi thế giới Android, kể cả những đối thủ cao cấp.
iPhone 7 cho cảm giác đầy thích thú, nhưng đi kèm là sự hồi hộp khi sử dụng.
Nhưng chính sự hoàn hảo của iPhone lại là điểm yếu của nó. Không dùng kính như các thiết bị đối thủ, lớp sơn trên iPhone cho cảm giác chúng chỉ chực chờ bong tróc, hoặc một vết động nhẹ cũng khiến nó xước đi.
Còn việc dùng bất kỳ vỏ bảo vệ nào, dù là lớp kính cường lực, ốp lưng hay dán vỏ, chiếc iPhone lập tức trở nên mất cân bằng, lập tức mất cảm giác thích thú kia.
Tôi quyết định không dùng ốp lưng trong thời gian đầu, và ngay lập tức chiếc iPhone 7 bị trầy ở góc. Một cách khó chịu và xót xa, ốp lưng được lắp vào. iPhone 7 trao cho người dùng cảm giác sử dụng tuyệt vời, nhưng không phải ai cũng đủ dũng cảm (và tiền bạc) để trải nghiệm cảm giác đó.
Còn nếu bạn thích chứng tỏ đẳng cấp, iPhone 7 khó là lựa chọn phù hợp. Hơn ⅔ số bạn bè của tôi thậm chí không để ý tôi đang dùng iPhone 7 ở lần đầu tiên. Nhìn lướt qua, 6, 6S hay 7 chẳng khác gì nhau, nhất là khi tôi không dùng hai màu đen mới. Camera mới và đường viền ăng-ten, một cách bất ngờ, không được mọi người chú ý nhiều.
Màn hình Retina, tốt và khác biệt
Khá bất ngờ, dù màn hình ít hơn 1,3 inch so với thiết bị Android trước, tôi có thể đọc, nhắn tin, thậm chí viết bài không mấy khó khăn. Khả năng khai thác màn hình của iPhone 7 cho lượng nội dung được hiển thị tương đương chiếc Android màn hình lớn cũ.
Hình ảnh trên iPhone 7 sắc nét, dễ nhìn và đặc biệt là độ mịn rất cao, đủ so sánh với bất kỳ màn hình QuadHD nào trên các sản phẩm đối thủ, không cảm giác được độ khác biệt so với những màn hình độ phân giải cao hơn.
Tất nhiên, màn hình này có những điểm yếu nhất định, khi xem trong bóng tối, màn hình sẽ bị chạy sọc, tương tự các màn hình có tần số làm mới thấp. Thêm vào đó, độ sáng màn hình iPhone 7 rất cao, đôi khi bị lóa, với những người cận nặng hoặc dễ mỏi mắt, độ sáng này là một thảm họa, trong suốt 1 tháng sử dụng, màn hình của tôi chỉ để ở 70% mức sáng.
Còn lại, màn hình này nhìn tốt ở hầu hết các điều kiện môi trường, iOS 10 cũng trang bị chế độ nhìn trong đêm, cho hiệu quả rõ rệt.
Khi smartphone phục vụ bạn
Không thay đổi nhiều về ngoại hình, các tính năng là điều còn lại để người dùng chờ đợi.
Nút Home mới, thay đổi lớn nhất, không cho cảm giác bùng nổ như mong đợi. Sau 1 buổi ấn thử nhiều tư thế để chắc chắn đây là nút Home mới, tôi không thấy gì nút Home kiểu cũ. Điều này cho thấy Apple đã làm tốt thế nào với Haptic Engine.
Điều tuyệt vời của là giờ bạn có thể bấm thoải mái hơn, không còn nỗi lo hỏng nút như trước.
Cổng cắm tai nghe 3,5mm biến mất mang đến hàng loạt lời than phiền. Sau 1 tháng sử dụng, tôi có thể khẳng định không cần quan tâm điều đấy, vì bạn hoàn toàn có thể nghe nhạc hơn 1h với chỉ trên dưới 20% pin.
Mọi thứ trên iOS 10 đều mượt mà, nhưng nhiều điểm đã có thể làm tốt hơn.
Một phần, tôi không phải tín đồ tai nghe, phần khác, chất lượng âm thanh của iPhone đã được nâng cấp rất mạnh. Lần đầu tiên mở nhạc bằng iPhone 7, tôi thực sự choáng ngợp bởi chất lượng loa ngoài trên thiết bị, ngoài âm lượng tăng đáng kể, iPhone 7 cho âm thanh rõ nét, các lớp âm phân cách rõ ràng, âm bass ổn, tiếng trong rất mượt tai.
Điều này khiến tôi hình thành thói quen nghe nhạc trên điện thoại, và cả việc dùng tai nghe. Cổng lightning mới không làm giảm chất lượng âm đi, ngược lại, vẫn cho chất lượng không thua kém loại tai nghe kèm máy nào.
Trải nghiệm với lượng dùng lớn, bao gồm Wi-Fi, 3G liên tục, lướt 5-7 mặt báo, check email thường xuyên, Instagram, Facebook, Zalo…, iPhone 7 có thể trụ từ khoảng 8h sáng đến khoảng 14h.
iOS 10 nhiều thay đổi, nhưng trải nghiệm không thực sự hoàn hảo. Cảm biến vân tay nhanh và nhạy, bạn ấn nút Home và thiết bị đã mở khóa sẵn sàng. Nhưng đôi khi, bạn phải ấn 2-3 lần để mở khóa, nhất là khi lấy điện thoại từ túi ra và nó không nằm trong tư thế “hoàn hảo”.
Mặt khác, màn hình để nhập mật khẩu trên iOS 10 bị khóa cứng, để thoát ra, bạn phải lùi ngón tay vào nút Cancel. Thao tác mở nhanh camera vì thế gặp khó khăn, bạn phải ấn nút nguồn, hoặc cố ý để lệch ngón tay khi ấn Home sao cho máy không mở khóa màn hình, sau đó (nếu may mắn), bạn lướt từ phải sang để mở camera. Còn đa số các trường hợp, bạn đành chấp nhận mở khóa, chọn ứng dụng camera.
Force Touch vẫn không có tác dụng gì đặc biệt, hầu như tôi không chạm tới. Apple vẫn còn nhiều thứ phải làm với tính năng này.
Còn lại, việc sử dụng iPhone 7 là vô cùng thích thú. Các ứng dụng đóng, mở nhanh, hầu như không gặp vấn đề bao giờ. Chuyển từ Android với 2 phím ảo sang iPhone 7, bạn sẽ cảm thấy bất ngờ về độ “thông minh” của thiết bị iOS. Dường như máy “đoán” được bạn làm gì, và mọi thao tác đều cho ra kết quả như mong đợi. Lời đồn về sự “thần thánh” của iOS là không bàn cãi.
Ngoài ra, các ứng dụng cũng là điểm mạnh của iOS, cho trải nghiệm tốt hơn hẳn phiên bản Android, mọi thứ được tối ưu cả về giao diện, cách sắp xếp hay vận hành. Khi tắt mạng và kết nối lại, các thông báo trong thời gian mất mạng không "bắn" liên tục, đây là điểm gây hài lòng nhất mà thiết bị Android chưa khắc phục.
Sau hai tuần, tôi trở lại dùng Android vài ngày, và nhận ra mọi thói quen sử dụng trong 4 năm qua đã hoàn toàn bị xóa bỏ.
Lần đầu tiên sau nhiều năm, tôi có cảm giác smartphone đang thực sự “phục vụ” mình, chứ không phải ngược lại.
Camera tốt nhưng đang dần thua kém đối thủ
Vlad Savod từ The Verge từng tuyên bố: “Muốn đánh bại iPhone, hãy đánh bại camera của nó”. Điều này trong quá khứ khẳng định sức mạnh của camera iPhone, giờ đây, có vẻ sức mạnh ấy đã phai nhạt.
Nói điều này không phải để chê bai camera của iPhone, nó vẫn sở hữu một trong những camera smartphone tốt nhất hiện tại, cả về tốc độ chụp, khả năng tự lấy nét, xử lý hình ảnh.
Dù là bức ảnh hoa cần xóa phông, cảnh chụp nhóm kỷ niệm, bữa trưa ăn vội hay những khung cảnh “sống deep”, người dùng có thể hài lòng.
Điểm mạnh vượt trội là độ trung thực của hình ảnh và khả năng xử lý tốt, đôi khi camera hiển thị noise mạnh trong điều kiện thiếu sáng, nhưng hình ảnh cuối cùng lại mượt mà.
Điều này cho phép chỉnh sửa, chọn bộ lọc dễ dàng khi đăng trên mạng xã hội, vốn là mục đích chính của tôi khi chụp ảnh.
Camera trên iPhone 7 không thực sự vượt trội so với các đối thủ Android.
Nhưng để so sánh, tốc độ mở camera trên iPhone 7 không còn quá nhanh, đôi khi phức tạp, nhiều thiết bị Samsung có thao tác ấn đúp nút Home để mở camera, cảm giác đơn giản hơn hẳn.
Khi so sánh ảnh chụp đêm, iPhone 7 thua thiệt khá rõ so với nhiều, hình ảnh xốp, noise và màu sắc nhạt nhòa. Có thể khẳng định, camera trên iPhone 7 không còn giữ ngôi vương.
iPhone 7 vẫn là một siêu phẩm, một siêu sao được nhiều người ngưỡng vọng. Với tư cách siêu sao, iPhone 7 không thất vọng nhưng cũng chẳng gây phấn khích. Dẫu sao, chúng ta có quyền tự an ủi rằng thứ mình đang sở hữu cũng đã là mơ ước của biết bao người.
Tác giả bài viết: Lê Phát
Nguồn tin: