45% trẻ phạm tội có hoàn cảnh bố mẹ chỉ biết kiếm tiền
- 16:57 26-10-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa (Nghệ An) cho rằng trẻ phạm tội có phần do trách nhiệm ở gia đình, nhà trường trong việc giáo dục trẻ.
Sáng 26-10, phát biểu tại hội trường Quốc hội (QH) về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự, liên quan tới quy định xử lý hình sự trẻ em độ tuổi 14-16 tuổi, Đại biểu (ĐB) QH Nguyễn Thị Mai Hoa (Nghệ An) cho rằng ở độ tuổi này trẻ chưa đủ chín, chưa đủ khôn để quyết định hành vi của mình.
“Nguyên nhân nào đẩy trẻ đến phạm tội? Môi trường sống xung quanh trẻ đã an toàn chưa? Chúng ta có cả một đề án về xây dựng môi trường sống, nơi sống an toàn cho trẻ, nhà trường an toàn cho trẻ nhưng trong thực tế trẻ đã an toàn chưa?”- vị ĐBQH đến từ Nghệ An đặt vấn đề.
“Nguyên nhân nào đẩy trẻ đến phạm tội? Môi trường sống xung quanh trẻ đã an toàn chưa? Chúng ta có cả một đề án về xây dựng môi trường sống, nơi sống an toàn cho trẻ, nhà trường an toàn cho trẻ nhưng trong thực tế trẻ đã an toàn chưa?”- vị ĐBQH đến từ Nghệ An đặt vấn đề.
Đại biểu QH Nguyễn Thị Mai Hoa: 45% trường hợp trẻ phạm tội có hoàn cảnh bố mẹ chỉ lo kiếm tiền - Ảnh chụp qua màn hình
Bà Hoa chỉ ra trong khi thực tế hiện nay có rất nhiều những văn hoá phẩm độc hại, có rất nhiều nội dung kích động bạo lực mà chúng ta theo dõi trên phương tiện thông tin đại chúng đã biết. “Thậm chí có bé gái chỉ vì câu like trên Facebook mà đã sẵn sàng mang xăng vào trường để đốt. Không phải bản thân trẻ có thể làm chủ được hành vi của mình. Mạng xã hội kích động trẻ phạm tội mà không ý thức được hành vi của mình. Tôi còn muốn nhấn mạnh đến trách nhiệm ở gia đình, nhà trường trong việc giáo dục trẻ”- bà Nguyễn Thị Mai Hoa đúc kết.
Bà Hoa dẫn ra, một nghiên cứu của Học viện cảnh sát nhân dân về hoàn cảnh gia đình phạm tội đưa ra các số liệu: Đối với trẻ tội phạm vị thành niên, 11% do bố mẹ ly hôn; 29% do bố mẹ không đáp ứng nhu cầu; 5 % là do bố mẹ từ chối nuôi dưỡng và đến 45% là do bố mẹ chỉ biết kiếm tiền mà không quan tâm đến con. “Con số này đủ để nói lên trẻ phạm tội bao nhiêu do bố mẹ, bao nhiêu do Nhà nước. Chúng ta nói trẻ phạm tội đã đến mức báo động nhưng khi nói đến vấn đề nhân văn, tôi không ủng hộ việc răn đe trẻ bằng cách đẩy trẻ vào con đường chịu trách nhiệm hình sự”- ĐBQH nêu ý kiến.
Tương tự, đồng tình với quan điểm này, ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) cũng đồng ý về phạm vi chịu trách nhiệm của người dưới 16 tuổi, với tình hình vi phạm pháp luật của người chưa thành niên hiện nay làm cho dư luận bức xúc, có hành vi rất nguy hiểm gây thương tích, bạo lực học đường, hiếp dâm, trộm cắp tài sản… làm cử tri rất bức xúc. Cử tri cũng đề nghị xử lý nghiêm bằng luật hình sự để đảm bảo tính răn đe.
Tuy nhiên, quan điểm nhân đạo với người chưa thành niên là quan điểm xuyên suốt của Đảng ta và đã xuyên suốt Bộ Luật Hình sự từ trước tới nay, phù hợp với công ước quốc tế về trẻ em mà nước ta là thành viên.
Quy định này từ trước tới nay đều tương thích với công ước quốc tế. Do đó, nhất trí không xử lý hình sự với người dưới 14-16 tuổi, chỉ trừ một số tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Biện pháp quan trọng nhất là cần tăng cường giáo dục cho người chưa thành niên trong quá trình các em hoàn thiện thể chất và tinh thần.
Tác giả bài viết: N.Quyết-V.Duẩn
Nguồn tin: