5 học sinh Hải Dương đánh đập, tiểu tiện lên đầu bạn
- 08:58 26-10-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
►Nam sinh lớp 8 tự tử sau khi bị đánh, làm nhục trước bạn bè
Đánh đập, làm nhục bạn bè trước đám đông, quay clip tung lên mạng... giờ là chuyện không hiếm gặp trong giới trẻ.
Điều đáng báo động là độ tuổi phát sinh tình trạng bạo lực học đường ngày càng "trẻ hóa". Những cô, cậu học trò còn lập hội ẩu đả với nhiều cách hành xử dã man, thô bạo.
Mới đây, clip ghi lại cảnh 5 học sinh xông vào đánh, chửi bới một bạn nam, thậm chí tiểu tiện vào đầu cậu bé này khiến dân mạng bức xúc, phẫn nộ.
Hành xử thô bạo
Trong đoạn video dài 5 phút, nhóm này liên tục đánh, dùng đầu gối thụi vào mặt và lưng cho đến khi nam sinh bật khóc. Một người còn lên tiếng hỏi: "Bao giờ mày trả tiền?" rồi bất ngờ tiểu tiện vào đầu bạn.
Điều khiến nhiều người lên án là các em còn nhỏ nhưng liên tục chửi bậy và đánh bạn với một thái độ thản nhiên. Người quay clip cũng cười đùa vui vẻ, mặc cho nam sinh khóc lóc van xin.
Nhóm học sinh đánh, tiểu tiện lên đầu bạn ở Hải Dương. Ảnh cắt từ clip.
Đoạn video được quay lúc 21h35 ngày 23/10 ở làng Hạ Chiểu, cách trường học khoảng 2km. Nạn nhân bị đánh hội đồng là học sinh trường THCS Minh Tân, Kinh Môn, Hải Dương.
Trao đổi với Zing.vn, đại diện trường THCS Minh Tân xác nhận 5 người đánh em L. cùng học lớp 7 tại trường. Thầy Nguyễn Văn Khoa - hiệu trưởng trường THCS Minh Tân - đang lên công an thị trấn để làm rõ vụ việc với cơ quan điều tra.
Phía đại diện nhà trường cho hay sẽ sớm triệu tập phụ huynh các em tham gia vụ xô xát. Nhà trường sẽ cùng gia đình giải quyết, tìm ra biện pháp hạn chế tối đa những vụ bạo lực học đường.
Sau khi xem đoạn video này, phần lớn mọi người đều tỏ ra thất vọng và xót xa cho L.
Tài khoản Hoài Phạm bày tỏ: "Đề nghị nhà trường, chính quyền vào cuộc, bắt 4 em đánh bạn dã man và một em quay video. Học sinh ít tuổi mà tàn ác quá, đánh con người ta, còn cười thích thú, làm nhục em.
Hải Dương đây sao? Ở Yên Bái vừa xảy ra vụ học sinh bị đánh tự tử. Phải xử nghiêm hành động dã man này, công khai lên mạng để làm bài học nghiêm khắc cho những bạn khác".
Nickname Hường Vũ nhận định bạo lực học đường là vấn đề nhức nhối, nhà trường và pháp luật cần vào cuộc Các em còn quá non nớt, ít tuổi, thiếu nhận thức.
Vì thế, vai trò của nhà trường, phụ huynh trong việc giáo dục, định hướng thái độ và hành động cho các em khi giải quyết mâu thuẫn trong môi trường học tập rất quan trọng.
Trách nhiệm từ người lớn
Tình trạng bạo lực xuất hiện ngày càng nhiều ở lứa tuổi học sinh khiến không ít bậc phụ huynh lo ngại khi cho con em mình đến trường.
Chị Nguyễn Thị Minh Hiếu - phụ huynh một học sinh cho rằng - việc đánh nhau lúc bực tức, mất kiểm soát khá nguy hiểm. Trẻ con giờ ít tuổi đã thích làm nhục người khác để thể hiện mình.
Vị phụ huynh này bày thái độ lo lắng vì nếu con quá lanh lợi có thể sẽ đánh bạn, còn con quá hiền lành lại sợ bị bắt nạt.
"Bậc cha mẹ giờ không biết dạy con thế nào cho phải. Bảo con thấy đánh nhau né ra, không có ngày chết oan là sai chuẩn, nhưng bảo con nghĩa hiệp giúp đỡ bạn bè cũng lo lắng", chị Hiếu tâm sự.
Nam sinh Yên Bái bị nhóm bạn đánh và bắt quỳ gối trước sự chứng kiến của nhiều bạn bè sau đó đã có hành động dại dột. Ảnh cắt từ clip.
Cô Nguyễn Thị Thanh - chuyên viên nghiên cứu tâm lý, Học viện Giáo dục Việt Nam - cho hay mỗi ngày đọc tin về bạo lực trường học là thêm một sự sợ hãi, bi quan và lo lắng. Không biết nếu là con cháu mình thì sẽ thế nào?
"Gần đây, những vụ ẩu đả ngày càng gia tăng. Các em muốn giải quyết mâu thuẫn bằng nắm đấm nhiều hơn là ngồi lại nói chuyện với nhau.
Tính kiềm chế, nhường nhịn của các em thiếu rất nhiều, thậm chí là không có. Cái tôi ở giới trẻ lại quá cao, thích thể hiện bản thân", chuyên gia Thanh nói.
Đưa ra lời khuyên để giảm thiểu tối đa tình trạng bạo lực ở độ tuổi vị thành niên, nữ chuyên gia cho rằng gia đình là phía có trách nhiệm lớn nhất trong việc giáo dục con cái.
Cha mẹ là người hiểu con nhất. Khi con bước vào trường học nghĩa là con đi từ một xã hội nhỏ là gia đình đến một xã hội rộng lớn hơn là trường học, với các mối quan hệ thầy cô, bạn bè.
Mỗi khi xảy ra vụ đánh nhau nghiêm trọng không nên đùn đẩy trách nhiệm, vội trách móc con cái hành động nông nổi, thiếu suy nghĩ. Đưa ra hình thức phạt chưa phải phương án hay.
Thay vào đó, các bậc phụ huynh, thầy cô giáo nên cùng phối hợp để giáo dục các em cách ứng xử từ trong gia đình đến ra ngoài xã hội.
Cô Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh đừng nghĩ con đến trường là an toàn, là ngoan, rằng chỉ biết học.
Cha mẹ phải theo sát con, biết được khi nào con đang gặp ức chế với bạn này, con đang bị bắt nạt... Nếu gần gũi, đưa ra định hướng tốt, ắt con sẽ không dùng đến nắm đấm với bạn.
Bộ Giáo dục và đào tạo đưa ra số liệu trong một năm gần đây, toàn quốc xảy ra khoảng 1.600 vụ học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cũng theo thống kê này, trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau, cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì ẩu đả, cứ 9 trường thì có một trường có học sinh xô xát. |
Tác giả bài viết: Kiều Trang
Nguồn tin: