Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Ngân hàng đua đẩy tín dụng cuối năm

Hàng loạt gói cho vay với lãi suất ưu đãi dành cho cá nhân và doanh nghiệp được nhiều nhà băng đưa ra, được xem là động thái chạy nước rút để hoàn thành kế hoạch cuối năm.
Mới đây, Ngân hàng Phát triển TP HCM (HDBank) đồng loạt giảm lãi suất đối với khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp. Theo đó, các cá nhân vay mới, ngân hàng này giảm lãi suất tối đa từ 11,5% một năm (lãi suất hiện hành) xuống 10,5% một năm. Ngoài ra, nhà băng này còn đưa ra gói tín dụng 18.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay chỉ 6,5-9,69% dành cho doanh nghiệp.

Hôm 10/10, VietinBank cũng ký kết hợp đồng hỗ trợ tín dụng với 104 khách hàng doanh nghiệp trên địa bàn TP HCM, với tổng giá trị các hợp đồng gần 33.000 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm nay, doanh số giải ngân của ngân hàng cho các hợp đồng ký kết thuộc Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp TP HCM sẽ đạt hơn 100.000 tỷ đồng.

 
tiennganhang69 5677 1476162197 8997 1477387800
Ngân hàng đang tìm cách đẩy tín dụng cuối năm.

Trong khi đó, từ 15/10 Vietcombank tiến hành giảm lãi suất cho vay ngắn hạn với 5 lĩnh vực ưu tiên và các doanh nghiệp khởi nghiệp. Tất cả các khoản vay ngắn hạn sẽ được ngân hàng này điều chỉnh giảm về mức lãi suất tối đa 6% một năm, tức giảm 1% một năm so với hiện nay.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng cổ phần khác thì chú trọng đến doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, với mức lãi suất từ 6% đến 8% một năm.

Giải thích động thái này, đại diện HDBank chia sẻ, ngân hàng luôn tích cực triển khai những gói ưu đãi lãi suất dành cho mọi đối tượng khách hàng với kỳ vọng đây là giải pháp  để người dân và doanh nghiệp có thêm động lực trong phương án sản xuất, kinh doanh trong những tháng cao điểm cuối năm.

Trong khi đó, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần có trụ sở phía Nam cho rằng, nếu như trước đây, các nhà băng giảm lãi suất được coi là động thái để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, nền kinh tế..., thì các đợt giảm lãi suất gần đây còn nhằm mục đích để ngân hàng tự cứu mình khi chỉ còn hai tháng nữa là hết năm tài chính", ông nói và cho biết khá áp lực với mục tiêu lợi nhuận trước cổ đông.

Thực tế, tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng hiện nay còn thấp, chẳng hạn như ACB, đến cuối tháng 9 dư nợ cho vay mới tăng khoảng 9%, nhiều ngân hàng khác dưới 8%... Còn tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tính đến 22/9 mới đạt 10,46%, hoàn thành hơn 52% kế hoạch (mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2016 từ 18% đến 20%).

Như vậy, để đạt được mục tiêu cả năm, tốc độ tăng bình quân các tháng cuối năm cần phải ở mức 2,7% mỗi tháng. Do vậy, đây là thời điểm các ngân hàng tích cực tung ra hàng loạt chương trình ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhằm tăng tốc cuộc đua tín dụng cuối năm.

Trong báo cáo tuần 10-14/10, Ngân hàng Nhà nước cho biết lãi suất cho vay phổ biến ở mức thấp 6-7% một năm ngắn hạn, trung dài hạn dao động 9-10%.

Đối với lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác cũng chỉ dao động 6,8-9% một năm ngắn hạn; trong đó, một số doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả đã được các nhà băng thậm chí cho vay với mức lãi suất chỉ 4-5% một năm.

Lãnh đạo một ngân hàng thẳng thắn chia sẻ, thật ra thì lãi suất hiện nay không còn là vấn đề với doanh nghiệp nữa, mà mấu chốt nằm ở đầu ra. Theo ông, nhiều khi lãi suất 6% một năm nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng vay vì các doanh nghiệp tốt thì họ đã vay hết rồi hoặc là tự cân đối nguồn vốn tự có để sản xuất.

"Trong khi đó, những khách hàng có nhu cầu cao thì phần lớn không đáp ứng được yêu cầu vay vốn. Nếu muốn đẩy tín dụng chỉ có cách hạ chuẩn tín dụng, mà đây là điều không thể", ông nói và cho biết, trong bối cảnh này ngân hàng có thể cân nhắc để giảm lãi suất nhằm hút khách, nhưng điều kiện thì vẫn phải xét duyệt kỹ để tránh vòng luẩn quẩn nợ xấu.

Tác giả bài viết: Lệ Chi

Nguồn tin: