Mẹ bốc gạch thuê nuôi 3 con vào đại học
- 14:18 24-10-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chồng mất sớm, bản thân lại mắc bệnh và nghèo túng nhưng một mình bà Hồ Thị Trâm, ở xóm 6, xã Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) vẫn tần tảo để nuôi 3 đứa con (2 gái, 1 trai) đỗ vào những trường đại học có tiếng ở Hà Nội.
Chồng mất sớm, nhưng bà Trâm vẫn ở vậy thờ chồng, nuôi 3 đứa con nên người. Ảnh: Thạch Quỳnh
Cuộc đời bất hạnh
Bà Trâm có dáng người dong dỏng cao, mặt hao gầy và đôi mắt đượm buồn, nhưng khi nói về các con mình, đôi mắt ấy lại sáng lên niềm hạnh phúc khó diễn tả bằng lời. Trong căn nhà hai gian của bà Trâm bao năm qua vắng bóng người đàn ông, trông ảm đạm, vắng ngắt đến lạ thường và không có cái gì đáng giá ngoài những chiếc giường ngủ xiêu vẹo, một bộ bàn ghế, chiếc ti vi cũ cùng chiếc bàn thờ người chồng quá cố. Khi tròn 20 tuổi, cô gái Hồ Thị Trâm kết hôn với chàng trai tên Nguyễn Văn Mậu ở cùng xóm. Chồng bà là sỹ quan quân đội, từng công tác ở Trường Sa, thường xuyên phải vắng nhà, mọi công việc trong gia đình do một mình bà gánh vác.
Cuộc sống đang êm đềm trôi thì tai họa giáng xuống gia đình người phụ nữ nghèo. Chồng bà chẳng may qua đời trong một tai nạn giao thông ở gần quân cảng Cam Ranh, Khánh Hòa (đó là một ngày đầu tháng 5 Âm lịch, năm 1994). Nghe hung tin, bà Trâm ngất lên, ngất xuống và phải mất một thời gian dài mới lấy lại được thăng bằng. Vì ở xa nên lúc gia đình vào đến nơi chồng bà chỉ còn là nấm mồ. Ba năm sau, bà cùng gia đình bên nội mới quay lại Khánh Hòa để nhận hài cốt của người chồng quá cố. Lúc chồng bà bị tai nạn qua đời là ngoài giờ làm việc nên chỉ được nhận tiền tử tuất, ngoài ra không có chế độ gì.
Ngày chồng mất, cô con gái đầu lòng của bà Trâm mới được 4 tuổi, đứa thứ hai chưa đầy 2 tuổi và đứa con út đang nằm trong bụng mẹ. Đau khổ tột cùng trước mất mát quá lớn, bà Trâm quỵ ngã. “Nhưng mình không đứng dậy thì con mình ai nuôi cho?” Nghĩ vậy, bà đành nuốt nước mắt vào trong và nhìn các con để tiếp tục sống.
Từ đó, không quản ngại vất vả, đầu tắt mặt tối làm lụng để nuôi con. Sinh cậu con trai út chưa đầy tháng tuổi, bà Trâm đành để đứa con thơ còn khát sữa cho cô con gái đầu lòng trông coi rồi bươn bả kiếm đồng tiền, bát gạo nuôi con. Bốn miệng ăn của gia đình bà chỉ trông chờ vào bốn sào ruộng khoán “mùa được mùa mất”. Ngoài mấy sào ruộng khoán, bà còn nuôi thêm con lợn, con gà, từ sáng sớm đã quang gánh mớ rau, mớ cá đem lên chợ Vân bán kiếm lời. Chiều về, bà lúc đi làm phu đá, lúc đi bốc gạch thuê. Công việc nặng nhọc nhưng chẳng bao giờ bà cho phép mình nghỉ ngơi.
Nhưng ông trời đâu cho bà có sức khỏe để làm lụng nuôi con. Lúc con trai bà mới tròn 2 tuổi thì bà Trâm bị bệnh thận phải vào bệnh viện điều trị. Cả tháng trời nằm viện, ba đứa con của bà đành phải nhờ anh em họ hàng và bà con lối xóm cưu mang. Không lâu sau, bệnh của bà tái phát và nặng hơn trước. Không còn cách nào khác, bà lại phải rời xa mấy đứa con thơ dại để ra Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội chạy thận.
Gia sản khánh kiệt, nợ nần chất chồng theo hai lần bà đi viện khiến cuộc sống của mẹ con bà càng thêm khó khăn, túng quẫn. Trở về quê sau cơn bạo bệnh, bà Trâm lại tất tả ngược xuôi kiếm tiền. Người ta làm một, bà làm mười để có thể vừa nuôi con ăn học, vừa lo trả đống nợ nần. Bao đêm dài, bà khóc thầm tủi thương cho số phận hẩm hiu, đơn chiếc của mình.
Tài sản lớn nhất là các con
Con học xa, bà Trâm nhớ con mà chỉ biết ngắm con qua những bức hình. Ảnh: Thạch Quỳnh
Giữa năm 2012, vì gánh nặng cơm áo gạo tiền gây áp lực quá lớn, bà Trâm phát bệnh tâm thần. Lại thêm một lần bà phải vào Vinh chữa trị ở Bệnh viện Tâm thần Nghệ An một thời gian dài. Lúc này, Nguyễn Thị Oanh, con đầu của bà Trâm đang học đại học năm cuối và con trai út của bà đang chuẩn bị thi đại học. Vừa ôn thi tốt nghiệp, Oanh vừa phải về Vinh chăm mẹ.
Trải qua bao gian nan vất vả, đến nay cả ba người con của bà Trâm đều đã vào đại học. Hai con gái đầu và thứ hai đã ra trường đi làm ở những công ty có tiếng tại Hà Nội. Gia tài lớn nhất của bà Trâm không có gì đáng giá hơn những tấm bằng khen, giấy khen của 3 đứa con. Cô con gái đầu là Nguyễn Thị Oanh (SN 1990), hiện có việc ổn định ở một Cty của Nhật. Cô con gái thứ 2 là Nguyễn Thị Huyền (SN 1992), tốt nghiệp Học viện Tài chính và đang làm việc tại Thủ đô.
Con trai út của bà là Nguyễn Văn Trọng (sinh năm 1994) thi vào Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội được 26 điểm. Dù sinh ra không biết mặt cha và lúc chuẩn bị thi tốt nghiệp lớp 12, mẹ em đổ bệnh nhưng Trọng là thí sinh có tổng điểm thi đại học 3 môn cao nhất của xã Quỳnh Văn kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2012. Nhập trường, Trọng thi vào Khoa Kỹ sư tài năng (ngành Điện tử viễn thông) và tiếp tục đỗ.
Từ ngày con trai út nhập học, chỉ còn mình bà Trâm trong căn nhà vắng teo. Dù sức khỏe yếu nhưng hàng ngày bà vẫn cố chạy chợ, vẫn làm bốn sào ruộng khoán và lúc nào cũng có đàn gà ba, bốn chục con trong chuồng. Đưa tôi đi “thăm quan” khu chăn nuôi, bà biện bạch: “Ngày trước chuồng này lúc nào cũng có đôi lợn nhưng giờ sức tôi yếu rồi chỉ nuôi được ngần ấy gà thôi”.
Học và làm việc xa nhà, gia cảnh khó khăn nên cả ba đứa con của bà ít khi về. Chỉ ngày giỗ bố (5/5 Âm lịch hàng năm) và mấy ngày Tết, mẹ con bà mới được đoàn tụ. Quanh năm, suốt tháng lam lũ nhưng đến ngày Tết bà vẫn dậy đi chợ từ 1h sáng tới khi trời nhá nhem tối mới về. Nhắc đến chuyện học của các con, bà Trâm nhớ lại: “Ngày Oanh đi học đại học về khuyên hai đứa em cố gắng học rồi ra Hà Nội với chị, không ngờ hai đứa em của nó đỗ thật, tôi vừa mừng, lại vừa lo không biết lấy gì nuôi các con ăn học giữa Thủ đô”.
Nhưng với bà Trâm, đó là điều đáng tự hào: “Dù lúc nào các con gọi về xin tiền là mẹ lo nhưng đi đâu tôi cũng có thể mở mày, mở mặt với bà con lối xóm. Người ta thường khen bà Trâm có ba đứa con như ba cục vàng”.
Rồi bà nói tiếp: “May mà ba đứa đều chăm ngoan, chịu khó, biết thương yêu và bảo ban nhau học hành. Hiểu rõ hoàn cảnh gia đình nên các con tôi luôn tích cực phụ giúp mẹ mọi việc ngoài giờ lên lớp và chi tiêu tiết kiệm. Tôi cũng chỉ động viên tinh thần là chính chứ không giúp được gì trong việc học của các con…”.
“Ngày trước thấy tôi cực khổ, vất vả, mọi người cũng khuyên nhủ nên tìm một chỗ dựa nhưng tôi vẫn bỏ ngoài tai. Lúc chồng tôi qua đời, thương con thơ dại, tôi đã tự nhủ với lòng mình dù khó khăn, cực khổ thế nào vẫn ở vậy thờ chồng, nuôi con”, bà Hồ Thị Trâm nói. |
Tác giả bài viết: Thạch Quỳnh