Ác mộng của người phụ nữ mất chồng trong cuộc chiến ma túy Philippines
- 13:50 24-10-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Harra Kazuo ngồi bên con trai mới sinh. Ảnh: SCMP
Tiếng khóc của em bé sơ sinh phá vỡ sự im lặng của căn nhà ọp ẹp ở vùng đô thị Manila. Đã ba tháng kể từ khi cha và ông nội của cậu bé bị bắn chết khi đang bị cảnh sát giam giữ - một cơn ác mộng mà người mẹ góa bụa, Harra Kazuo, 26 tuổi, nhớ lại hàng ngày, theo SCMP.
Ngày 6/7, khi Harra còn đang mang thai, ngay trước nửa đêm, ba cảnh sát mặc đồng phục, một người mang theo một khẩu súng trường, xông vào nhà của họ ở thành phố Pasay và túm lấy chồng cô, Jaypee Bertes, 28 tuổi.
"Ma túy đâu? Mang ra đây!", những cảnh sát giận dữ la hét. "Anh có muốn chúng tôi giết anh không?".
Họ kéo Jaypee đến đồn cảnh sát cùng với bố anh này là Renato Bertes, 49 tuổi. Chiều hôm sau, cả hai người đàn ông đã chết - Jaypee bị bắn vào quai hàm, cánh tay và bụng, Renato bị bắn vào đầu, ngực và vai.
Họ là hai trong số khoảng 3.000 người chết vì có liên quan đến ma túy kể từ khi ông Rodrigo Duterte nhậm chức tổng thống Philippines vào tháng 6. Cảnh sát Quốc gia Philippines hồi tháng 9 cho biết gần 1.500 "nghi phạm ma túy" bị giết chết trong các hoạt động của cảnh sát, còn số còn lại bị kết liễu bởi các nhóm tự cho mình là "thực thi công lý". Các nhóm này thường bịt mặt, đi xe máy, tiếp cận nạn nhân rồi bắn chết họ trên đường phố. Không có bằng chứng chứng minh chính phủ có liên quan đến những cái chết dạng này.
Nhân viên pháp y kiểm tra thi thể của một nghi phạm ma túy bị bắn chết trên đường bởi một người không rõ danh tính. Ảnh: AFP
Đối với Harra Kazuo, chỉ có nỗi đau và cảm giác bất công khi chồng cô chưa bao giờ được nhìn thấy mặt con. "Tôi tin vào nghiệp chướng. Tôi biết rằng một ngày nào đó họ sẽ phải trả giá cho những gì họ đã làm", Harra nói về hai sĩ quan, Alipio Balo và Michael Tomas, được cho là đã giết chồng cô.
Gia đình Berte không xa lạ gì với cảnh sát địa phương. Jaypee từng bị bắt vì cờ bạc bất hợp pháp và sở hữu ma túy. Trong cả hai lần này, Jaypee được trả tự do trong vòng vài giờ, sau khi hối lộ cảnh sát khoảng 20.000 peso (hơn 1.000 USD)
Harra thừa nhận chồng mình là một kẻ buôn ma túy vặt vãnh, nhưng kiên quyết khẳng định bố chồng không làm việc đó. Cô nói rằng Jaypee đã lên kế hoạch đầu thú vào ngày anh này bị giết.
Hai con gái hai tuổi và 6 tuổi của cô cũng ở nhà khi cảnh sát xông vào. "Con gái tôi rất sợ hãi. Cảnh sát nghĩ rằng chúng tôi giấu ma túy trong mông nó", Harra nhớ lại. "Cảnh sát lột hết quần áo của con bé và kiểm tra".
Các cảnh sát sau đó đấm Jaypee, trong khi Harra ôm bụng bầu van xin họ dừng tay. Cảnh sát chĩa súng vào cô và hỏi: "Cô có muốn tôi kết liễu cô ngay bây giờ không?".
Sau đó, họ chuyển sự chú ý đến bố chồng cô, Renato, người yêu cầu họ cho xem lệnh bắt. Cảnh sát không xuất trình lệnh bắt và bắt thêm cả Renato vì tội gây rối. Họ không tìm thấy bất kỳ loại ma túy nào trong nhà, Harra nói.
Cô yêu cầu được đi cùng người thân đến đồn cảnh sát nhưng bị từ chối, vì vậy, cô đã đạp xe đến đồn và chờ đợi bên ngoài qua đêm.
Đến lúc cô được gặp Jaypee và Renato vào sáng hôm sau, cả hai người đều thâm tím mặt mày. "Bố chồng tôi có vết bầm tím trên mặt còn chồng tôi kể rằng anh ấy bị đấm. Chồng tôi còn không thể đứng vững", Harra nhớ lại.
Cuộc gặp chỉ kéo dài 20 phút, Jaypee và Renato chết vài giờ sau đó. Cảnh sát nói rằng Renato và Jaypee bị bắn vì cố gắng giằng súng của một cảnh sát.
Cảnh sát cũng có cách lý giải tương tự cho những cái chết trong nhà giam tại một phiên điều trần của thượng viện Philippines vào tháng 8, liên quan đến các vụ giết người không qua xét xử. Người đứng đầu cảnh sát quốc gia Philippines Ronald Dela Rosa giải thích về cái chết của 756 "cá nhân dính líu đến ma túy" rằng: "Nếu họ không chống đối thì họ đã sống rồi".
Nhưng cách giải thích như vậy là chưa đủ để thuyết phục Ủy ban Nhân quyền Philippines, tổ chức hỗ trợ các thành viên gia đình của những người thiệt mạng.
"Chúng tôi đã xem xét một số trường hợp, một số người tố cáo rằng các nạn nhân bị giết dù họ không hề chống cự", nhà điều tra chính của ủy ban Diana de Leon nói. "Những người này cần phải được ra tòa để biện hộ cho chính mình. Hãy để tòa án phân xử xem họ có tội hay không".
Cô nói rằng có bằng chứng cho thấy một số cảnh sát cũng tham gia vào việc buôn bán ma túy. "Một số người cáo buộc rằng khi cảnh sát bắt giữ con nghiện, họ sẽ tịch thu ma túy rồi bán lại chúng".
Nhìn lại vài tháng qua, Harra có một ước nguyện: "Tôi muốn con tôi sau này tự hào vì tôi đã chiến đấu vì công lý cho bố nó. Tôi phải đấu tranh để tìm công lý".
Tác giả bài viết: Phương Vũ