Từ trận 'thư hùng' trong mơ giữa Công Phượng và Tuấn Anh
- 09:07 19-10-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trận “so găng”, “thư hùng”, “derby Việt Nam trên đất Nhật Bản”… của Tuấn Anh và Công Phượng cuối cùng đã không có thật như thông tin rầm rộ được tung ra trước đó. Cái kết của câu chuyện này là: Tuấn Anh không có tên trong danh sách thi đấu, Công Phượng dự bị và chỉ ra sân trong 8 phút cuối nhưng không một lần chạm bóng.
Trận đối đầu giữa Mito Hollyhock và Yokohama ở giải J-League 2 Nhật Bản kết thúc với tỷ số hòa 1-1. Trận đấu của hai đội đang nằm ở giữa và nửa cuối bảng xếp hạng này không có tính chất đặc biệt lắm bởi cả hai đều có số điểm khá an toàn. Tuy nhiên, nó đã được làm cho đặc biệt khi có sự góp mặt (dự kiến) của hai cầu thủ Việt Nam được nhiều người yêu thích.
Chỉ có Công Phượng được ra sân thi đấu vào cuối tuần vừa qua
Chính bởi sự yêu thích này mà hai câu lạc bộ trên thông qua các kênh của mình đã cho ra một chiến dịch truyền thông khá thành công. Tại Nhật Bản, chính Công Phượng luôn được sử dụng để thực hiện các kế hoạch quảng bá cho chính tên tuổi của mình. Ở Việt Nam, ngoài thông tin dày đặc trên báo, một siêu thị Nhật Bản cũng đưa hình ảnh hai cầu thủ và trận đấu này xuất hiện như là một chiến dịch quảng bá.
Đây là một cách thức tổ chức thành công trong bóng đá nhà nghề. Tên tuổi cầu thủ sẽ là một kênh quảng bá cho đội bóng, và ngược lại đội bóng sẽ giúp cầu thủ được biết đến rộng rãi hơn. Sự gặp nhau giữa mục đích thương mại và tài năng sẽ đưa cầu thủ lên một tầm cao hơn, và đội bóng sẽ gặt hái thành công ngày càng lớn hơn. Nhưng ngược lại, cũng khá nhiều câu lạc bộ thất bại bởi yêu tố thương mại và tài năng chưa gặp nhau.
Từ khi Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường sang Nhật Bản và Hàn Quốc thi đấu, truyền thông Nhật Bản đã có sự quan tâm nhiều hơn với các cầu thủ này. Ở trong nước, hiệu ứng U19 vẫn còn theo cho đến hôm nay nên mỗi động thái của ba cầu thủ trên đều được ghi nhận và thông tin mở rộng. Thực tế, họ đã hết sức cố gắng tập luyện, nâng thể lực, rèn chiến thuật để có thể hòa nhập vào lối đá toàn đội và khẳng định vị trí. Nhưng đến nay, điều đó vẫn chưa chắc chắn.
Việc các cầu thủ này trở về tập trung đội tuyển và có trận đấu khá tốt trước CHDCND Triều Tiên càng làm cho dư luận chú ý. Có thông tin còn cho rằng họ đã thật sự lột xác sau quá trình thi đấu ở nước ngoài. Điều này thật đáng quý nếu đó là thực tế, bởi nó cũng nằm trong mục tiêu mà câu lạc bộ chủ quản mong muốn. Thế nhưng, có vẻ như có được điều đó là còn khá khó khăn bởi họ gần như chưa thể chen chân vào đội hình chính của câu lạc bộ, một trong những yếu tố chính xác nhất khẳng định tài năng và phong độ cầu thủ.
Một tờ báo trong nước đưa tin đến cả gia đình Công Phượng và Tuấn Anh cũng hụt hẫng khi chờ đợi trận “so găng” diễn ra nhưng cuối cùng phải chứng kiến một sự thật khác. Lý giải ra sao về khả năng và phong độ của các cầu thủ đang “du học” này? Có thể xem rằng họ thật sự có tiềm năng, nhưng tiềm năng đó cần phải được rèn bài bản và đúng lộ trình thì sẽ thành công. Trong khi đó, có vẻ như lứa U19 năm nào đã được thổi lên quá mức, là một trong những nguyên nhân đẩy họ vào chỗ bế tắc.
Mong sao các câu lạc bộ chủ quản và dư luận hãy để cho những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường phát triển một cách vững chãi, không bị áp lực hay đòi hỏi quá mức. Thương mại là phải có nhưng đừng để yếu tố thương mại vùi lấp đi cả một lứa cầu thủ nhiều tiềm năng.