Rớt nước mắt cảnh cụ bà run rẩy cầm bát cơm chờ tin con trai mất tích
- 10:57 18-10-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhìn cảnh cụ bà trong vùng “rốn lũ" của tỉnh Quảng Bình run rẩy xúc từng thìa cơm trắng để ăn sau những ngày mưa lũ, ánh mắt thất thần chờ tin con trai mất tích khiến nhiều người rớt nước mắt.
Cụ bà mà chúng tôi nói đến là cụ Trương Thị Long (84 tuổi, trú thôn 4, xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình). Cụ Long là mẹ của ông Thái Xuân Năng (63 tuổi) – người bị nước cuốn mất tích khi dắt bò đi tránh lụt mà thi thể vừa được tìm thấy vào trưa 17/10.
Con trai mất tích khi mang bò đi tránh lũ
Ngày 17/10, chúng tôi tìm về xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) – địa phương được coi là vùng “rốn lũ" của tỉnh Quảng Bình. Khi những ký ức kinh hoàng về trận lũ lịch sử năm 2010 còn chưa phai thì 6 năm sau, một trận lũ lớn không kém lại kéo đến khiến xóm làng Tân Hóa một lần nữa tan hoang.
Thời điểm chúng tôi đến, khi hầu hết các địa phương bị ngập lụt ở Quảng Bình nước đã rút thì tại vùng “rốn lũ" này vẫn bị cô lập.
Con trai mất tích khi mang bò đi tránh lũ
Ngày 17/10, chúng tôi tìm về xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) – địa phương được coi là vùng “rốn lũ" của tỉnh Quảng Bình. Khi những ký ức kinh hoàng về trận lũ lịch sử năm 2010 còn chưa phai thì 6 năm sau, một trận lũ lớn không kém lại kéo đến khiến xóm làng Tân Hóa một lần nữa tan hoang.
Thời điểm chúng tôi đến, khi hầu hết các địa phương bị ngập lụt ở Quảng Bình nước đã rút thì tại vùng “rốn lũ" này vẫn bị cô lập.
Ngày 16/10 khi hầu hết các vùng bị ngập lụt ở Quảng Bình nước đều đã rút thì duy có xã Tân Hóa - địa phương được xem như "rốn lũ" của tỉnh Quảng Bình vẫn chìm trong nước - Ảnh: Quang Thành.
Ông Hồ Thanh Đá - Chủ tịch UBND xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa) cho biết, nước lũ bắt đầu tràn về Tân Hóa từ ngày 13/10, đến ngày 15/10 nước lũ dâng cao nhấn chìm gần như toàn bộ các hộ gia đình trong xã. Còn duy nhất một hộ là không bị nhấn chìm do nằm ở vị trí cao.
“Chỉ trong thời gian ngắn, toàn bộ 7 thôn trên địa bàn xã bị nước lũ nhấn chìm. Trong đó, hai thôn bị ngập sâu nhất là thôn 3 và thôn 4 với mực nước ngập là 3 – 6m. Một người trong quá trình di chuyển tài sản lên chỗ cao tránh lũ đã bị nước cuốn trôi mất tích”, ông Đá thông tin.
Ngày 17/10 nước đã rút khỏi nhà dân nhưng xã Tân Hóa vẫn bị cô lập bởi đoạn đường khoảng 500 mét trên tuyến đường duy nhất vào xã vẫn bị ngập sâu quá đầu người - (Ảnh: Nguyễn Vương).
Nạn nhân mất tích sau đó được xác định là ông Thái Xuân Năng (63 tuổi, trú thôn 4, xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa) và là con trai của cụ Trương Thị Long (84 tuổi, trú cùng thôn).
Ngày 14/10, ông Năng cùng 5 người khác dắt bò lên vùng cao để tránh lũ thì ông Năng cùng những người trên bị nước lũ cuốn trôi. Tuy nhiên, do còn khỏe nên 5 người kể trên bơi được vào bờ, còn ông Năng do tuổi cao, sức yếu không bơi nổi nên đã bị nước cuốn mất tích.
Sau khi ông Năng bị nước lũ cuốn trôi, gia đình đã cử 5 người cùng cơ quan chức năng tìm tung tích ông Năng nhưng không thấy.
Thời điểm chúng tôi đến, ông Thái Xuân Năng vẫn mất tích và người thân đã lập bàn thờ, thắp nhang khấn vái với hi vọng sớm tìm thấy thi thể ông - Ảnh: Nguyễn Vương.
Nước mắt hòa nước lũ, thẫn thờ chờ tin con
Sau khi con trai mất tích, cụ Trương Thị Long mất ăn, mất ngủ vì ngóng tin con. Dù mọi người trong gia đình đã lập bàn thờ khi ông Năng mất tích, nhưng trong tâm của người mẹ già vẫn le lói một tia hi vọng con còn sống và sẽ trở về. Đêm nào nước mắt cũng tuôn rơi trên đôi mắt của người mẹ già vì thương nhớ con.
Người mẹ già tay run run xúc từng thìa cơm trắng đưa lên miệng nhưng chẳng thể nào nuốt nổi vì nhớ thương con - Ảnh: Nguyễn Vương.
Thời điểm chúng tôi tìm đến nhà cụ Trương Thị Long thì nước lũ vừa rút, mọi người trong nhà vừa mới tất bật dọn dẹp nhà cửa xong. Ngôi nhà trống không, mọi tài sản và vật nuôi trong nhà đều đã bị nước lũ cuốn trôi hết cả.
Cụ Long kể, nước lũ dâng rất nhanh và nhấn chìm mọi thứ nhưng rất may, nhà cụ có căn nhà nổi (nhà được thiết kế cho mùa lụt sau trận lụt lịch sử năm 2010 – PV) nên khi nước lũ dâng cao, các con kịp đưa hai vợ chồng cụ (chồng cụ Long là cụ Thái Xuân Tằng, 88 tuổi) lên nhà nổi ở nên hai cụ có thể sống sót sau trận lụt kinh hoàng.
Theo lời cụ Long, những ngày lũ ăn uống rất khổ cực, mọi tài sản gần như bị nước lũ cuốn trôi hết cả. Chút lương thực giữ được cũng cạn kiệt dần do những ngày dài bị cô lập trong nước lũ.
Trong ánh mắt thất thần của người mẹ ấy vẫn le lói tia hi vọng con trai vẫn còn sống và sẽ quay trở về - Ảnh: Nguyễn Vương.
“Những ngày dài sống trong cảnh nước lũ mênh mông, con cái cho ăn gì thì ăn nấy, món ăn chủ yếu hàng ngày là mì tôm”, cụ Thái Xuân Tằng (chồng cụ Trương Thị Long) chia sẻ.
Khi nước rút, các con nấu cơm cho hai cụ ăn, cơm ngày nước rút cũng chẳng có gì ngoài cơm trắng, canh và một ít thịt lợn mỡ xào mặn. Thế nhưng, so với những bữa mì tôm thay cơm thì như vậy cũng quý lắm rồi. Ngỡ tưởng sau những ngày thiếu cơm, hai vợ chồng già sẽ ăn ngon lành nhưng hai cụ chẳng ai nuốt nổi khi con trai các cụ sẽ chẳng bao giờ trở về nữa.
Video: Bữa cơm sau lũ của gia đình người đàn ông bị lũ cuốn trôi ở Quảng Bình
Ở nhà cụ Long, nhìn cảnh cụ run rẩy xúc tùng thìa cơm trắng để ăn sau những ngày “nước mắt hòa nước lũ” cùng ánh mắt thất thần chờ tin con trai mất tích khiến chúng tôi chẳng thể nào cầm được nước mắt.
“Mấy ngày nay tôi rất đau buồn, hầu như đêm nào tôi cũng khóc vì mong tin con. Cả nhà ai cũng đi ra đi vào không yên. Tôi luôn hy vọng con may mắn thoát nạn, cả nhà thức cả đêm để đợi con quay về”, cụ Long chia sẻ.
Cụ Thái Xuân Tằng ngồi bên chiếc chõng tre để ngoài hiên nhà, nhìn xa xăm nhìn vào dòng nước đang chảy xiết trước sông. Có lẽ cụ cũng đang ngóng chờ tin con trai mất tích.
Khi chúng tôi rời nhà cụ Trương Thị Long không lâu thì nhận được tin, khoảng 11h30 trưa 17/10 cơ quan chức năng đã tìm thấy thi thể của ông Thái Xuân Năng ở khúc sông thuộc địa phận thôn Cổ Liêm (xã Tân Hóa, huyện Hướng Hóa) cách nơi ông Năng bị nước lũ cuốn trôi khoảng 3km.
Vậy là tia hi vọng con vẫn còn sống của hai vợ chồng cụ Trương Thị Long cũng đã đi theo dòng nước lũ.
Khi nhận được tin báo trên, chúng tôi muốn quay lại để chia buồn với cụ Long và gia đình nhưng con đường duy nhất vào xã Tân Hóa vẫn bị cô lập và đi lại vô cùng khó khăn nên đành bỏ cuộc. Hình ảnh người mẹ già run rẩy cầm bát cơm sau những ngày nước mắt hòa nước lũ có lẽ sẽ ám ảnh tâm trí chúng tôi suốt những ngày về sau.
Tác giả bài viết: Nguyễn Vương
Nguồn tin: