Vẫn sốt luyện trắc nghiệm toán
- 16:26 17-10-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bộ GD-ĐT khẳng định thí sinh vẫn ôn tập bình thường khi phương án thi THPT quốc gia được công bố, nhưng nhiều học sinh lớp 12 tại Hà Nội vẫn đi tìm sự yên tâm bằng việc học thêm.
Một trung tâm ôn luyện thi đại học trên đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Một số trung tâm luyện thi ở khu vực Bách Khoa (Cầu Giấy, Hà Nội) bắt đầu chiêu sinh ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố phương án thi.
Thông báo luyện thi trắc nghiệm nổi trội trên tất cả các bảng thông báo lớp luyện thi. Trong đó có luyện các bài thi tổ hợp và luyện trắc nghiệm môn toán.
Lò luyện lại “lên đời”
Một người ghi danh thí sinh đăng ký luyện thi ở ngõ Tạ Quang Bửu (Bách Khoa, Hà Nội) cho biết: “Muốn luyện riêng môn toán cũng có vì năm nay thí sinh có nhu cầu luyện toán khá đông, đủ để xếp lớp riêng”.
Giá từ 1,8 triệu đến 2,2 triệu đồng/người/tháng, mỗi tuần học 2 buổi, theo người ghi danh luyện thi thì đã có vài lớp khai giảng học, ngay sau khi có tin thi trắc nghiệm môn toán.
“Ở trường mình cũng được các thầy dành thời gian để ôn tập trắc nghiệm nhưng vì không yên tâm nên mình vẫn đăng ký học thêm” - một học sinh Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho biết.
Theo em học sinh này, kể cả những học sinh giỏi toán cũng không dám lơ là “vì thi trắc nghiệm sẽ có nhiều câu hỏi, nếu không có kinh nghiệm làm nhanh, kết hợp phán đoán, biết cách loại trừ phương án sai thì sẽ không kịp làm hết hoặc sai sót”.
Một trung tâm khác trong ngõ đối diện với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thông báo mở lớp luyện thi trắc nghiệm toán với các chú giải “giúp học sinh khoanh vùng kiến thức trọng tâm trong phạm vi ra đề thi và làm quen với bộ đề thi toán trắc nghiệm”.
Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy môn toán tại Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho biết: “Học sinh lo lắng tìm tới các lớp luyện thi vì kỳ thi không còn xa, trong khi đó có nhiều thay đổi. Việc thi trắc nghiệm hay tự luận chỉ là giải pháp kỹ thuật.
Nếu thí sinh nắm vững kiến thức và có khả năng thích ứng cao thì dù đề thi tự luận hay trắc nghiệm cũng đều có thể đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, do công bố quá gần kỳ thi nên thí sinh lo lắng.
Tận dụng cơ hội này, các lò luyện nở rộ với nhiều hình thức lôi kéo sự quan tâm của thí sinh” - thầy Tùng nhận xét.
Đề đạt nguyện vọng tăng tiết toán
Thầy Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), cho biết nhà trường đã yêu cầu các tổ bộ môn điều chỉnh kế hoạch dạy học, trong đó dành thời gian để luyện kỹ năng thi trắc nghiệm cho học sinh ở một số môn, nhất là toán, nhưng vẫn có nhiều phụ huynh điện thoại trực tiếp cho hiệu trưởng đề nghị cho phép mở lớp ôn tập, tăng ca học, tăng tiết, trong đó nhu cầu học thêm nhiều nhất là môn toán.
Tình trạng lo lắng của phụ huynh cũng diễn ra ở nhiều trường khác tại Hà Nội.
Thầy Hà Xuân Nhâm, hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), cho biết nhiều phụ huynh có con học lớp 12 cũng lo lắng và lan truyền sự lo lắng sang học sinh. Vì thế, ngoài việc điều chỉnh kế hoạch dạy học, ôn luyện, nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm trao đổi với phụ huynh để cùng thống nhất giải pháp giúp đỡ học sinh.
“Chúng tôi đang thực hiện tự chủ trong xây dựng kế hoạch dạy học, vì thế ngoài các môn học bắt buộc, chúng tôi tổ chức các buổi học tự chọn, học theo chủ đề khác nhau. Môn toán cũng vậy, ngoài số tiết học trong phần bắt buộc, trường thiết kế thời khóa biểu các tiết học tự chọn theo chuyên đề. Học sinh đăng ký học theo nhu cầu và được xếp theo trình độ khác nhau” - thầy Nhâm cho biết.
Theo thầy Nhâm, dù ở trình độ nào thì tại các lớp tự chọn toán, các thầy cô vẫn phải dành thời gian cho việc để học sinh làm quen nhiều hơn với thi trắc nghiệm.
Trong đó, tuân thủ nguyên tắc không bỏ sót kiến thức, không dạy “trọng tâm” mà phải bao quát toàn bộ chương trình, ngoài ra rèn luyện các kỹ năng phù hợp với việc thi trắc nghiệm như giải nhanh, phương pháp loại trừ...
Luyện thi trên mạng: đủ mọi chiêu thu hút
Các địa chỉ luyện thi online cũng nở rộ, chủ yếu tập trung vào các điểm mới của kỳ thi năm nay, đáp ứng nhu cầu người học. Đại diện một trung tâm luyện thi ở khu Trung Hòa (Hà Nội) cho biết trung tâm có các lớp “ảo” luyện thi trên mạng, chia theo nhóm điểm mà thí sinh muốn nhắm tới.
Cách luyện giải toán nhanh trên mạng đang thu hút thí sinh - Ảnh: V.H
Với môn toán, nếu chỉ cần đạt điểm 6-7 thì thầy hướng dẫn trên mạng sẽ giúp học sinh có định hướng ôn tập kiến thức cơ bản nhất.
Nếu thí sinh muốn có mức điểm cao hơn sẽ đặt trọng tâm vào một số kiến thức nâng cao.
Ngoài ra, trung tâm này cũng thông báo các buổi học riêng để “luyện mẹo làm bài thi trắc nghiệm” hoặc “kỹ thuật giải toán bằng máy tính cầm tay”...
Có rất nhiều hình thức luyện thi môn toán qua mạng. Đáng chú ý là khá nhiều trang luyện thi thu hút người đăng ký bằng các thông tin chào mời “Luyện các phương pháp làm trắc nghiệm nhanh; Thủ thuật và mẹo bấm máy Casio”.
Có các trang trích dẫn lời các thầy giáo chuyên luyện thi: “Các em cần một lộ trình khác với học tự luận truyền thống, nhất là đối với các bạn đang có học lực trung bình”.
Trên một trang luyện thi toán thông báo luyện thi live stream với giá 100.000 đồng/tháng (8 buổi). Các lớp luyện theo hình thức này thường vào ban đêm, chỉ khoảng 30-40 phút/ca.
Nhiều học sinh lựa chọn vì xem đây là sự “thêm nếm” cho lộ trình ôn tập, khi ban ngày các em đã có lịch học dày đặc.
Học sinh đăng ký trọn gói các lớp này được thông báo các lợi ích: sử dụng miễn phí kho đề thi thử, được tham gia group bí mật để trao đổi, hỏi bài thầy cô, cung cấp tài liệu miễn phí, được tham gia thi thử trên mạng…
Nhiều trang luyện thi tranh thủ quảng bá sách luyện thi trắc nghiệm, nhiều nhất là sách luyện toán. Điều mà nhiều thầy cô giáo dạy toán lo ngại đang có dấu hiệu xảy ra khi tràn lan trên các trang luyện thi là những thông tin “dạy mẹo trắc nghiệm”.
Thậm chí có những lớp luyện thi chỉ “luyện thao tác bấm máy tính Casio”.
“Trường không thể cắt tiết môn khác để bù cho các môn sẽ thi, nhưng để có thêm thời gian ôn tập cho học sinh, những nội dung kiến thức có thể lướt nhanh hơn hoặc yêu cầu học sinh tự học trước tại nhà, để giáo viên dành thêm tiết cho việc ôn tập theo đúng cấu trúc đề thi đã công bố. Thầy Nguyễn Tùng Lâm |
Tác giả bài viết: Vĩnh Hà