230.000 tỷ đồng làm cao tốc Bắc - Nam: Nguồn lực quá lớn cho giao thông?
- 15:14 17-10-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách của Quốc hội yêu cầu báo cáo riêng về dự đường cao tốc Bắc - Nam. Dự án, theo đệ trình, có kinh phí xấp xỉ 230.000 tỷ đồng.
Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải yêu cầu Chính phủ gửi báo cáo riêng về dự án đường cao tốc Bắc - Nam (có kinh phí đầu tư dự kiến tới 230.000 tỷ đồng).
Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam (tuyến phía Đông), đoạn Hà Nội-TPHCM đến năm 2020 được Bộ Giao thông Vận tải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình đầu tư với kinh phí cần khoảng 230.000 tỷ đồng, trong đó nhà đầu tư huy động 136.000 tỷ đồng và Nhà nước hỗ trợ gần 94.000 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 40,7%).
Đây là một trong những dự án nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, UB Tài chính - Ngân sách nhấn mạnh, đây là dự án có quy mô rất lớn, tác động mang tính vùng miền, cần tách riêng trình Quốc hội xem xét.
Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải khái quát, có ý kiến đề nghị trong bối cảnh nguồn lực hạn hẹp, việc đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam (tuyến phía Đông) cần tính toán trên cơ sở nguồn lực thực tế, phân kỳ và ưu tiên đầu tư các đoạn, tuyến bức thiết trước.
Đặt trong bối cảnh chung, qua giám sát, cơ quan thẩm tra nêu rõ, nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực giao thông giai đoạn 2011-2015, đặc biệt là vốn trái phiếu Chính phủ chiếm tỷ trọng tương đối lớn và phần vốn dự kiến phân bổ giai đoạn 2016 - 2020 cho lĩnh vực này cũng khá cao so với các lĩnh vực khác trong khi vốn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp chưa đạt mục tiêu đề ra, vốn đầu tư cho lĩnh vực y tế còn hạn chế.
Cơ quan thẩm tra cho rằng, đầu tư cho hạ tầng giao thông là cần thiết song việc dành một tỷ lệ quá lớn nguồn lực đầu tư cho giao thông đã dẫn đến thu hẹp nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực khác, làm mất cân đối trong phát triển kinh tế - xã hội.
Do đó, UB Tài chính – Ngân sách đề nghị Chính phủ cân đối nguồn lực đầu tư giữa phát triển hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội, bảo đảm hài hòa giữa các lĩnh vực, vùng, miền, địa phương.
Cơ quan này cũng đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương phối hợp chặt chẽ trong quá trình xây dựng, đề xuất kế hoạch bố trí, sử dụng vốn đối với các công trình, dự án có tính kết nối vùng, lãnh thổ, tránh việc manh mún, thiếu liên kết trong đề xuất, xây dựng kế hoạch đầu tư.
Tác giả bài viết: P.Thảo
Nguồn tin: