Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Những lão nông “gàn” ném cả trăm triệu trồng dừa xiêm lùn ven biển

Thấy ông Bá và ông Dậu “ném” hàng trăm triệu đồng đầu tư trồng dừa ven biển, nhiều người không khỏi thắc mắc, có người còn bảo hai ông này bị “khùng”. Thế nhưng, hai ông đã chứng minh sự thành công với vườn dừa xiêm lùn da xanh bát ngát, nặng trĩu quả…
Hai lão nông dân “khùng” đó là ông Lê Xuân Bá (59 tuổi) và ông Nguyễn Văn Dậu (60 tuổi, cùng trú thôn Tăng Long 2, xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định). Đây cũng được xem là mô hình vườn dừa mới, lạ nhất tại xứ dừa Tam Quan - Bình Định cho thu nhập cao.


Nhiều người nói ông Dậu bị điên, khùng khi bỏ cả 100 triệu đồng để trồng dừa xiêm lùn ven biển, nhưng ông Dậu đã và đang thành công với mô hình này.

Về huyện huyện Hoài Nhơn (Bình Định) hẳn ai cũng biết đến xứ dừa Tam Quan với những vườn dừa xanh bạt ngàn, từ đó, cho ra những sản phẩm đặc trưng từ dừa như: bánh tráng nước dừa Tam Quan nổi tiếng khắp cả nước. Thế nhưng, giờ đây tại địa phương này đang manh nha mô hình trồng dừa xiêm lùn da xanh có nguồn gốc từ Bến Tre. Ưu điểm của giống dừa này là dễ trồng, đầu tư thấp, không tốn công chăm sóc nhưng cho thu nhập cao bởi thời gian trồng chỉ 2-3 năm là cho thu hoạch.

Người tiên phong đem giống dừa xiêm lùn da xanh Bến Tre về Bình Định trồng thử nghiệm là ông Lê Xuân Bá (thôn Tăng Long 2, xã Tam Quan). Nói về ý tưởng trồng dừa xiêm lùn da xanh cho hiệu quả cao này, ông Ba kể: “Trong dịp đi tham quan học hỏi, mô hình trồng dừa xiêm lùn tại tỉnh Bến Tre. Tận mắt nhìn thấy giống dừa xiêm cây lùn cho trái rất sai, hiệu quả kinh tế cao lại thích nghi với nhiều loại đất nhiễm mặn, phèn, thậm chí ở những vùng cát trắng bạc màu. Mê quá tôi quyết định mua 200 cây với giá 30.000 đồng/cây giống về trồng thử nghiệm tại vùng cát ven biển lâu nay bỏ hoang”.

Để chuẩn bị xuống giống, ông Bá tiến hành khoan 4 giếng nước ngọt đảm bảo nước tưới cho dừa. Đồng thời, thuê người san ủi và đổ thêm một lớp đất sỏi tạo mặt bằng ổn định trên cát và xung quanh hố trồng nhằm hạn chế cát sụt lỡ lấp vào đọt dừa khi mưa gió. Theo ông Bá, thường mỗi hố trồng cách nhau 6m, đường kính hố 1m và sâu 80cm. Khi trồng dừa phải đóng cọc giữ cho cây dừa phát triển thẳng, dùng rơm, tàu dừa khô che chắn dưới gốc để giữ ẩm được lâu và hạn chế xói mòn thời kỳ đầu. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất để dừa nhanh phát triển thì phải chú ý tới nguồn dinh dưỡng chính là phân và nước.


Trồng dừa xiêm lùn trên cát đang là hướng đi mới tạo thu nhập cho người dân xã biển Tam Quang Nam (huyện Hoài Nhơn, Bình Định).

Sau 5 năm, bỏ công chăm sóc trên diện tích trên 1ha cát trắng nằm sát biển, giờ đây ông Bá đã tạo ra vườn dừa xiêm lùn da xanh bát ngát, trĩu quả.

Theo ông Bá, trung bình mỗi tháng, gia đình ông bán cho thương lái 1 lần, mỗi lần thu hoạch khoảng 300 trái với giá bán sỉ tại gốc là 8.000 đồng- 15.000 đồng/trái. Dự kiến, năm thứ 6 trở lên, ước tính mỗi tháng bán ra ít nhất cũng 1.000 trái. Với giá dừa hiện tại, thì mỗi năm gia đình ông bỏ túi gần trăm triệu đồng. Trồng dừa xiêm lùn da xanh vừa nhàn nhã lại cho hiệu quả kinh tế cao.

“Khác với dừa thông thường mà địa phương đang trồng phải 4-5 năm và cây cao 3-5 mét mới cho quả thì vườn dừa xiêm của gia đình tôi chỉ 0,5 -1m nhưng cho quả chi chít, nên khi thu hoạch không tốn công thuê người leo trèo. Đặc biệt, nước dừa có vị ngọt hơn một số giống truyền thống hiện có tại địa phương nên người tiêu dùng ưa chuộng. Mới năm thứ 2 bán dừa này ra thị trường trong huyện mà thương lái tìm đến tận vườn mua, nhưng nhiều khi không có hàng để bán” - ông Bá chia sẻ.

Thấy vườn dừa của ông Bá cho hiệu quả kinh tế cao, sau khi tham khảo, ông Nguyễn Văn Dậu, người cùng thôn cũng làm liều “ném” 100 triệu đồng để trồng dừa xiêm lùn da xanh. Dù xuống giống muộn hơn 1 năm, nhưng hiện nay trong số 130 cây dừa đã có 70% số cây trong vườn cho trái.

“Ở quê nghe nói bỏ lúc 100 triệu đồng ra trồng dừa ven biển chẳng khác nào ném tiền xuống biển. Nhiều người nói tôi có bị điên, khùng hay không, nhưng đến giờ tôi đã thành công. Hiện nay, do dừa mới bắt đầu cho ra trái nên trái còn ít, nhưng khoảng 1-2 tới khi dừa phát triển sung mãn thì mỗi cây có thể cho từ 150-200 trái/cây/năm. Hiện tôi đang tự ươm giống để tiếp tục nhân rộng trên diện tích 0,5ha còn lại”, ông Dậu nói.

 

Dừa xiêm lùn da xanh có vị ngọt thanh đậm được khách hàng ưa chuộng.


Dù mới cho lứa đầu nhưng vườn dừa xiêm lùn của gia đình ông Dậu cho quả chi chít.



Trồng dừa xiêm lùn ven biển còn có tác dụng hạn chế nạn cát bay rất tốt.

Ông Nguyễn Thanh Hải - Chủ tịch UBND xã Tam Quan Nam cho biết: “Tam Quan Nam là một trong những xã ven biển có diện tích dừa các loại nhiều nhất huyện với trên 200 ha. Thành công của ông Bá và ông Dậu với mô hình trồng dừa xiêm lùn da xanh trên cát ven biển đã mở ra một hướng đi mới, có thêm cơ hội phát triển kinh tế gia đình cho người dân vùng biển tại địa phương; đồng thời cải thiện cảnh quan môi trường biển, chống nạn cát bay…”.

Tác giả bài viết: Doãn Công

Nguồn tin: