Ở nhà trường, có giáo viên cũng đang phải “đứng nhầm lớp”
- 14:21 16-10-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
LTS: Không chỉ với hiện tượng học sinh “ngồi nhầm lớp”, thầy giáo Bùi Minh Tuấn (một giáo viên Trung học Phổ thông Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An) đã có bài viết chỉ ra rằng tình trạng giáo viên “đứng nhầm lớp” cũng đang diễn ra ở các đơn vị trường học.
Đó là câu chuyện diễn ra tại trường Trung học Cơ sở Diễn Lợi (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An), giáo viên dạy môn Ngữ văn, Lịch sử phải trực trực tiếp đứng lớp dạy các môn Hóa và Sinh học.
Tình trạng bất cập nêu trên kéo dài từ học kỳ 2 của năm học trước tới nay và gây ra nhiều hệ lụy về chất lượng giáo dục, trong đó, đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất là các em học sinh.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Câu chuyện có thật mà ngỡ như đùa khi giáo viên miễn cưỡng phải lên lớp để “dạy” học sinh những môn học hoàn toán trái với chuyên ngành đã được đào tạo diễn ra tại trường Trung học Cơ sở Diễn Lâm, huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An).
Theo đó, dưới sự phân công, sắp xếp của Ban Giám hiệu nhà trường, các giáo viên giảng dạy các môn Ngữ văn, Lịch sử phải trực tiếp tham gia lên lớp các môn Hóa học, Sinh học.
Tình trạng trên diễn ra ngay cả với các lớp học sinh khối 9, là lớp cuối cấp học, đang chuẩn bị xét tốt nghiệp Trung học Cơ sở và thi chuyển cấp lên Trung học Phổ thông.
Biếm họa về bệnh thành tích trong giáo dục trên giaoduc.net.vn.
Qua tìm hiểu được biết, trường Trung học Cơ sở Diễn Lợi có 23 giáo viên đứng lớp, tuy nhiên, chỉ có một giáo viên dạy môn Sinh, Hóa.
Do thiếu giáo viên, Ban Giám hiệu nhà trường đã “linh động” bằng cách điều giáo viên dạy Ngữ văn, Lịch sử lên trực tiếp đứng lớp các tiết dạy của các môn học này.
Vì chưa từng được đào tạo đúng với chuyên môn giảng dạy, các giáo viên lên lớp chỉ để “lấp chỗ trống”.
Ở các tiết học do các giáo viên dạy trái môn đứng lớp, giáo viên chỉ ghi tên bài dạy lên bảng sau đó giữ trật tự mà không giảng dạy.
Trong khi đó, học sinh cũng chỉ mở Sách giáo khoa ghi tên bài và các đề mục có sẵn trong sách mà không hề được giáo viên hướng dẫn hay chỉ dạy bất cứ nội dung nào.
Đáng nói là, tình trạng “dạy chay, học chay” tại trường Trung học Cơ sở Diễn Lợi đã diễn ra từ học kỳ 2, năm học 2015-2016. Đến nay, năm học mới đã tiến hành được gần 2 tháng nhưng tình trạng trên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Khi giáo viên “đứng nhầm lớp”, lên lớp chỉ để làm nhiệm vụ quản lý lớp mà không giảng dạy, đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất không ai khác chính là các em học sinh.
Với các học sinh lớp 7, 8, việc không được học những kiến thức mới một cách có hệ thống, liên tục sẽ khiến các em bị hổng kiến thức.
Với những học sinh đang học lớp 9, tình hình sẽ nghiêm trọng hơn khi các em không được trang bị đầy đủ kiến thức để xét tốt nghiệp Trung học Cơ sở và chuẩn bị cho việc thi chuyển cấp lên bậc Trung học Phổ thông.
Về lâu dài, những học sinh bị hổng kiến thức do không được học đến nơi đến chốn các môn, sẽ khó có thể có đủ lực học để theo kịp bạn bè cùng trang lứa khi bước vào môi trường học tập mới.
Để xảy ra tình trạng giáo viên dạy trái môn trong một thời gian dài, gây ảnh hưởng tới chất lượng, tiến độ học tập của học sinh, lỗi trước hết thuộc về các cấp quản lý giáo dục, từ Ban Giám hiệu trường Trung học Cơ sở Diễn Lợi đến Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Diễn Châu.
Do không dự báo trước được tình trạng thiếu hụt giáo viên các môn Sinh học, Hóa học khiến cho nhiều học sinh phải “học chay” trong một thời gian dài.
Thay vì tiếp nhận, tuyển dụng đủ số lượng giáo viên giảng dạy đều ở tất cả các môn, quan tâm tuyển dụng những môn còn thiếu, đảm bảo số tiết theo quy định thì lại chấp nhận việc bố trí giáo viên môn Lịch Sử, Ngữ văn lên lớp giảng dạy các môn Hóa học, Sinh học gây phản ứng, bức xúc trong phụ huynh học sinh.
Được biết, nguồn tuyển giáo viên giảng dạy các môn Hóa học, Sinh học không phải là thiếu khi hàng năm có hàng trăm sinh viên Cao đẳng, Đại học Sư phạm chuyên ngành đào tạo các môn học này trên địa bàn tốt nghiệp ra trường những không xin được việc làm.
Vẫn biết, việc tuyển dụng giáo viên hàng năm còn phụ thuộc vào định mức biên chế theo quy định dựa trên số lớp, sĩ số học sinh của mỗi đơn vị trường học nhưng không thể vì lý do đó mà để xảy ra tình trạng có môn thì thừa, có môn lại quá thiếu giáo viên để rồi lại phải bố trí dạy trái môn.
Với những gì đã diễn ra, việc cần làm ngay là Phòng Giáo dục và Đào tạo Diễn Châu với tư cách là cấp quản lý trực tiếp cần căn cứ vào tình hình thực tế của nhà trường, khẩn trương sắp xếp, bố trí đủ số giáo viên giảng dạy đúng chuyên môn đảm bảo quyền lợi học tập chính đáng của học sinh.
Nhìn rộng ra, cũng nên xem đây là bài học chung trong công tác tiếp nhận, tuyển dụng giáo viên ở nhiều đơn vị trường học khác, không để xảy ra tình trạng đáng buồn tương tự.
Tác giả bài viết: Bùi Minh Tuấn