Phát hiện hàng loạt hành vi vi phạm an toàn thực phẩm
- 10:26 16-10-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(Ảnh minh hoạ).
Theo bản tổng hợp kiến nghị trả lời cử tri kỳ 11, Quốc hội XIII, cử tri một loạt tỉnh tiếp tục phản ánh tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là các loại nông sản, thực phẩm có nhiều hóa chất độc hại, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng và thị trường hàng hóa trong nước;
Bên cạnh đó, cử tri cũng cho rằng, việc kiểm soát, quản lý chất lượng và nguồn gốc thuốc bảo vệ thực vật ở nhiều nơi đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu còn buông lỏng, việc xử lý vi phạm chưa nghiêm dẫn đến tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng gây nhiều thiệt hại cho người nông dân.
Cử tri đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tăng cường hơn nữa công tác quản lý thị trường, thanh tra, kiểm tra, có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm và thông báo công khai cho nhân dân biết về kết quả xử lý đối với các cá nhân, cơ sở kinh doanh vi phạm.
Trả lời về vấn đề này, Bộ Công Thương cho biết, tình hình vi phạm về an toàn thực phẩm, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm trong thời gian gần đây diễn biến phức tạp, hàng hóa vi phạm với nhiều chủng loại, mẫu mã, sử dụng nhãn mác, bao bì của các nhãn hiệu có uy tín để đưa ra thị trường tiêu thụ. Nhiều loại thực phẩm, thực phẩm chức năng giả, không có nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng được bày bán trên thị trường.
Tình trạng hàng hóa hết hạn sử dụng, cận hạn sử dụng được các đối tượng sửa hạn sử dụng tiếp tục diễn ra, đáng chú ý là việc tẩy xóa, sửa lại hạn sử dụng trong kinh doanh mặt hàng thực phẩm chức năng đã bị phát hiện, xử lý trong thời gian gần đây. Việc sử dụng hoá chất để chế biến thực phẩm không đảm bảo an toàn, dùng kháng sinh cấm, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y trong trồng trọt, nuôi trồng thuỷ sản đã đến mức báo động, ảnh hưởng đến sức khoẻ và niềm tin của người tiêu dùng.
"Trước thực trạng trên, ngay trong những tháng đầu năm 2016, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành, riêng lĩnh vực liên quan đến an toàn thực phẩm đã ban hành trên 50 văn bản chỉ đạo, trong đó có 10 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, kinh doanh hàng kém chất lượng và vi phạm về an toàn thực phẩm", Bộ Công Thương cho biết.
Kết quả cho thấy, từ đầu năm đến nay, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 5.034 vụ, thu nộp 12,4 tỷ đồng. Tịch thu 10.869 chai rượu, 28.758 lon bia, 7.322 kg bột ngọt, 418 gói gia vị, 4.381 tấn nông sản, 1.562 tấn trái cây, 150.110 kg đường kính, 22.801 chai nước giải khát, 185 chai nước mắm, 217.879 đơn vị bánh kẹo các loại, 4.297 lon sữa, 5.593 kg gia cầm, 208.511 kg gia súc và phụ phẩm, 33.396 kg thủy sản, 109.720 đơn vị thực phẩm khác.
Các hành vi vi phạm chủ yếu là vận chuyển, kinh doanh thực phẩm nhập lậu, sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm quá hạn sử dụng, thực phẩm sử dụng chất cấm, phụ gia thực phẩm, thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định, thực phẩm vi phạm quy định về vệ sinh thú y, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm...
Các vi phạm còn tập trung ở việc sử dụng lao động không qua tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, không khám sức khỏe theo quy định, vi phạm về ghi nhãn hàng hóa, sử dụng vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm thuộc diện phải công bố hợp quy nhưng không có giấy xác nhận công bố hợp quy.
Tuy đã đạt được một số kết quả nêu trên nhưng Bộ Công Thương thừa nhận, do lực lượng mỏng, phương tiện kiểm tra, kiểm soát thiếu thốn, lạc hậu trong khi phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng làm ăn phi pháp luôn thay đổi và ngày càng tinh vi nên kết quả đạt được còn hạn chế, chưa đáp ứng được như mong muốn của nhân dân.
Tác giả bài viết: Phương Dung
Nguồn tin: