Khi cha mẹ nuôi con "tính tháng, tính ngày"…
- 07:21 16-10-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong bất cứ một cuộc ly hôn nào, con trẻ luôn là những đối tượng bị tổn thương và thiệt thòi nhiều nhất. Chúng không chỉ mất đi mái ấm yên bình, phải sống trong sự thiếu thốn tình thương của bố hoặc mẹ, mà còn chịu đựng nỗi đau như những vết sẹo tinh thần dai dẳng suốt cả thuở ấu thơ.
Vậy mà, vẫn còn đó không ít những bậc cha mẹ vô tâm, toan tính, đôi khi chỉ vì đồng tiền và lợi ích bản thân, lại nhẫn tâm làm chính đứa con đứt ruột đẻ ra của mình càng thêm ám ảnh, khổ đau sau mỗi phiên tòa.
Từ năm 2009, chị Hoa và anh Thắng (Minh Hóa, Quảng Bình) đã ly hôn với nhau. Theo quyết định của Tòa án, chị Hoa được trực tiếp nuôi con gái An An, sinh năm 2002, còn anh Thắng phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 200 nghìn đồng.
Đến đầu năm 2015, chị Hoa làm đơn yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con vì lý do giá cả thị trường tăng cao và bé An An đang trong độ tuổi phát triển, cần được quan tâm nhiều hơn đến việc ăn học cũng như cuộc sống của cháu. Chị Hoa đề nghị anh Thắng có trách nhiệm tăng mức cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng từ 200 nghìn đồng lên 2 triệu đồng.
Tuy nhiên, anh Thắng cho rằng, yêu cầu trên của chị Hoa là không có căn cứ, cho nên, không chấp nhận và vẫn khăng khăng giữ nguyên mức cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng là 200 nghìn đồng như quyết định thuận tình ly hôn trước đây.
Tòa án nhân dân huyện đã quyết định áp dụng khoản 2 Điều 82, khoản 1 Điều 83 Luật Hôn nhân và Gia đình xử anh Thắng có nghĩa vụ thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng từ 200 nghìn đồng lên 1 triệu đồng. Thời gian đóng góp cấp dưỡng nuôi con theo mức mới là từ đầu năm 2016 đến khi cháu An An tròn 18 tuổi.
Vậy nhưng, mọi chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó. Anh Thắng kháng cáo bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện về mức cấp dưỡng và một số nội dung khác liên quan. Anh không chấp nhận mức cấp dưỡng 1 triệu đồng/tháng, bởi còn phải có nghĩa vụ nuôi cha mẹ. Tòa phúc thẩm xét thấy, theo khoản 2 Điều 116 Luật Hôn nhân và Gia đình, mức cấp dưỡng có thể thay đổi khi có lý do chính đáng. Cháu An An năm nay đã 14 tuổi, các nhu cầu sinh hoạt hàng ngày cũng như phục vụ việc học hành của cháu đã tăng lên, nên rất cần phải được bảo đảm cho cháu.
Thực tế cho thấy, giá cả thị trường hiện nay so với năm 2009 đã có những mức tăng đáng kể. Mức lương cơ bản tối thiểu của công chức, viên chức Nhà nước hiện đã là 1,15 triệu đồng. Đây là mức tối thiểu phục vụ cho nhu cầu thiết yếu nhất của một cá nhân chưa kể đến các nhu cầu khác. Mức cấp dưỡng cũ 200 nghìn đồng/tháng làm sao có thể bảo đảm cho cháu những nhu cầu tối thiểu nhất?
Mặt khác, anh Thắng là một cán bộ y tế, có thu nhập ổn định và mức cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 1 triệu đồng không hề vượt quá khả năng của anh. Tòa quyết định không chấp nhận kháng cáo của anh Thắng và giữ nguyên án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện, buộc anh Thắng có nghĩa vụ thay đổi mức cấp dưỡng nuôi cháu An An từ 200 nghìn đồng lên 1 triệu đồng/tháng.
Bất kỳ người cha, người mẹ nào khi sinh con ra trên đời đều mong muốn con có cuộc sống đủ đầy và hạnh phúc nhất. Cha ông ta cũng từng đúc kết “cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể...”.
Vậy mà chỉ vì hơn kém nhau mấy trăm nghìn tiền cấp dưỡng nuôi con, số tiền quá nhỏ nhoi trong cuộc sống hiện đại đắt đỏ, người chồng, người cha cũng “không quản ngại” đưa ra tòa để tranh cãi, “tính tháng, tính ngày” từng công sức nuôi con. Bé An An đã 14 tuổi, điều này đồng nghĩa với việc bé đã hiểu mọi chuyện đang xảy ra và chắc hẳn cũng sẽ đau lòng lắm khi bậc sinh thành cân đo từng cắc bạc để nuôi dưỡng cháu nên người.
Vốn dĩ đã lớn lên trong một gia đình không trọn vẹn, giờ lại phải chịu thêm những tổn thương tinh thần, rồi bé An An có đủ sức để vượt qua và chín chắn trưởng thành? Chỉ một lần thôi mong rằng những bậc làm cha làm mẹ hãy có những suy nghĩ thật thấu đáo trước khi có bất kỳ một quyết định nào làm tổn thương đến con trẻ, bởi có những nỗi đau sẽ day dứt, ám ảnh mãi không thôi...
--------------------------------------------
(*)Tên nhân vật đã được thay đổi
Tác giả bài viết: Quảng Hạ