Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bồ Đào Nha: Miền đất để nhớ, để thương

Đi qua chiếc cầu nối liền biên giới hai quốc gia Tây Ban Nha-Bồ Đào Nha, chúng tôi nhận thấy hệ thảm thực vật, phong cảnh đã có sự thay đổi, đất đai ở Bồ Đào Nha trông có vẻ màu mỡ hơn so với Tây Ban Nha.

Sáng sớm, cả đoàn chúng tôi di chuyển đường bộ 460km, từ thành phố Sevilla, Tây Ban Nha vào lãnh thổ Bồ Đào Nha. Khung cảnh thiên nhiên hai bên đường với môi trường xanh lý tưởng đã thu hút những du khách đến từ Việt Nam. 

Bồ Đào Nha chưa được giới thiệu nhiều trong các tour du lịch, nhất là ở thị trường châu Á, vì lẽ đó, không phải mọi người đều biết đến một cách tường tận.

 

Quảng trường Marques de Pombal
 

Bồ Đào Nha từng được xem là "đế chế đường biển".
 

Bến đậu của du thuyền tại thành phố Lisbon.
 

Diện tích Bồ Đào Nha gần 94.000km2, chỉ bằng khoảng 1/6 so với nước láng giềng Tây Ban Nha. Vào thế kỷ 15 và 16, Bồ Đào Nha có tiềm lực lớn về thám hiểm hàng hải, từng được xem là “đế chế về đường biển”. Ngày nay, người dân Bồ Đào Nha có mức sống cao, đứng hạng thứ 19 trên thế giới.

Thành phố Lisbon, thủ đô của Bồ Đào Nha mang vẻ đẹp ấn tượng bởi những cung điện cổ kính, những tòa lâu đài tráng lệ. Lisbon chạy dọc theo bờ sông Tagus gần Đại Tây Dương, trở thành một trong các địa điểm tham quan nổi tiếng ở châu Âu.

Cả đoàn chúng tôi dừng chân cạnh một công viên gần biển. Ở đó, nhiều du thuyền đậu san sát tạo nên một hình ảnh sung túc về đời sống. Giữa biển, một chiếc thuyền buồm đang nhẹ nhàng xuôi dòng, phía ngược lại có chiếc du thuyền chầm chậm đưa khách tham quan. 

Trước không gian thanh bình, chúng tôi như khao khát được ngồi trên thuyền giương buồm ra biển, tìm chút cảm giác lắc lư và bồng bềnh giữa Đại Tây Dương.

 

 

Bồ Đào Nha, quốc gia luôn gắn liền với biển.
 

Tiếp tục đi về phía Tây của thành phố, chúng tôi ghé tham quan tháp Belém, biểu tượng của Lisbon, xây dựng từ năm 1515 đến năm 1521 trên một hòn đảo nhỏ bên bờ sông Tagus. Tháp Belém từng nắm giữ một giai đoạn lịch sử hoàng kim của Bồ Đào Nha. 

Đi qua nhiều quốc gia ở châu Âu và nay là Bồ Đào Nha, nhìn thấy các công trình kiến trúc tiêu biểu, trong lòng chúng tôi không khỏi không thán phục về gía trị lịch sử trên thế giới.

 

Tháp, Bele'm là biểu tượng của Lisbon
 

Vài năm nay, du khách đến Bồ Đào Nha được giới thiệu về một địa danh mới lạ, hấp dẫn, đó là Cabo da Roca, mũi biển cực Tây của Bồ Đào Nha, đồng thời là điểm cực Tây của lục địa châu Âu. 

Điểm tham quan này chưa được nhiều người biết đến, nhất là du khách châu Á. Theo Công ty Go Eu Go, chúng tôi là đoàn khách đến từ Việt Nam đầu tiên tham quan, khám phá Cabo da Roca.

 

Cabo da Roca là điểm tham quan mới lạ ở Bồ Đào Nha.
 

Đoàn du khách đến từ Việt Nam đầu tiên tham quan Cabo da Roca.
 

Bia cột mốc Cabo da Roca
 

Cách đây khá lâu, riêng tôi có may mắn đặt chân đến Mũi Hảo Vọng (Cape Tow) cực Nam châu Phi, là con đường lưu thông duy nhất trên biển giữa châu Âu và châu Á, nên lần này có mặt ở cực Tây của lục địa châu Âu, cột mốc địa lý thế giới này như giúp tôi tiếp thêm năng lượng, thêm niềm hào hứng trong hành trình du lịch phương xa.

Cabo da Roaca, thuộc quận Lisbol, cách Lisbon 40km về phía Tây, trong công viên tự nhiên Serra de Sintra và chỉ mới đưa vào khai thác du lịch gần đây. Tấm bia đá khắc làm mốc, tọa độ: 38°47′ Bắc 9°30′ Tây, như khẳng định vị trí đặc biệt của điểm du lịch độc đáo này. 

Gần 30 cây số đường vào Cabo da Roca khá vắng vẻ, dân cư thưa thớt, cảnh quan hoang sơ, như tăng thêm sự tò mò khám phá của tất cả du khách.

 


Trên bãi đất rộng, có khoảng 10 chiếc xe bus, ước chừng hơn 400 khách đang tham quan. Khu du lịch chỉ duy nhất một ngọn hải đăng, vài cột đá làm mốc, không hoành tráng, không đồ sộ, nhưng vẫn mang đến niềm thích thú cho mọi du khách. Tiếp sát bờ, bao quanh nơi chúng tôi đứng toàn là biển, mọi người thấy mình bé nhỏ trước đại dương mênh mông, vô tận.

Sóng biển xô bờ trắng xóa, cảnh đẹp khiến du khách nao lòng, nhiều người men theo bờ đá, tìm cho mình một vị trí đẹp để sáng tác và lưu giữ kỷ niệm. Một vài du khách trẻ chạy sát biển, giang rộng đôi tay, sung sướng hét to như hòa cùng âm thanh cùng biển. Gió liên tục thổi mạnh, không ít du khách phải giữ chặt như nón, áo khoác, chỉ lo gió cuốn bay xa.

Trước khi rời quê hương của danh thủ Cristiano Rolado, chúng tôi có hơn hai giờ dạo chơi trên quảng trường Marques de Pombal. Quảng trường tấp nập, đông vui dòng người qua lại. Ở vài góc phố, các nghệ sĩ đường phố say sưa biểu diễn,  xen lẫn âm nhạc du dương có cả những tiết tấu sôi động, trẻ trung.

 

 

Công viên và tượng đài trên quảng trường
 

Gần đấy, tại một cửa hàng bán bánh trứng thơm ngon, cho dù phải xếp hàng dài chờ tới lượt, rất đông thực khách vẫn vui vẻ. Chiếc bánh chỉ với gía 1 euro đủ làm thương hiệu, đặc sản của Bồ Đào Nha, nhiều du khách quốc tế ghé qua đây đều muốn một lần thưởng thức. 

Nghệ thuật và kinh nghiệm khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch, cho dù là một sản phẩm nhỏ bé ở Bồ Đào Nha đều đáng là bài học quý cho ngành du lịch chúng ta.

Đứng cạnh tượng đài công viên sát biển tìm bóng mát giữa trưa hè, chúng tôi vui đùa cùng đàn bồ câu tíu tít bay lượn. Chiếc bánh mì bẻ vụn của chúng tôi đủ sức thu hút ngay đàn chim câu háu ăn, mấy chú chim dạn dĩ đậu hẳn trên bàn tay du khách, dùng mỏ gặm mẩu bánh vụn ngon lành.

 

Đàn chim bồ câu bên công viên
 

Du khách xếp hàng thưởng thức món bánh trứng đặc sản Bồ Đào Nha.
 

Nữ tài xế Bồ Đào Nha
 

Giữa quảng trường rộng lớn, vài cặp đôi tình nhân hôn nhau tình tứ, tạo nên bức tranh thơ mộng và hiền hòa. 

Với du khách phương Tây, hình ảnh nữ tài xế xe du lịch là việc hết sức bình thường, nhưng có thành viên trong đoàn chúng tôi nhìn thấy cô gái Bồ Đào Nha duyên dáng tay cầm lái xe du lịch đã cảm thấy thú vị và đề nghị chụp bức ảnh kỷ niệm. Lisbon, trong tôi một lần để nhớ, để thương.

Tác giả bài viết: Đức Liên