Vì sao Quốc vương Thái Lan được người dân yêu quý hết mực?
- 14:30 14-10-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Quốc vương Bhumibol Adulyadej năm 1950. Ảnh: CNN
Người dân Thái Lan vừa mất đi một biểu tượng được họ tôn trọng và yêu mến nhất, Quốc vương Bhumibol Adulyadej, vị vua trị vì lâu nhất trên thế giới, người vừa qua đời hôm 13/10 ở tuổi 88.
Tờ Bangkok Post gọi giây phút Quốc vương Bhumibol trút hơi thở cuối cùng là "khoảng khắc đáng sợ nhất" với tất cả người dân Thái Lan, thời khắc họ không hề mong muốn nhưng cuối cùng cũng phải đối mặt.
Hàng triệu người dân Thái Lan đã khóc như mưa khi được tin Quốc vương qua đời, bởi với họ, nhà vua đáng kính này được xem là biểu tượng cho sự đoàn kết, thống nhất của dân tộc, là trụ cột cho sự ổn định của đất nước trong suốt 70 năm trị vì.
Người dân Thái Lan xúc động nghẹn ngào khi nói về đức vua vừa băng hà
Trong 7 thập kỷ đó, dân chúng mọi tầng lớp Thái Lan đã chứng kiến ông cống hiến không biết mệt mỏi thời gian, công sức và tiền bạc để giúp đỡ mọi người trên cả nước. Họ cảm thấy biết ơn bởi mỗi khi đất nước lâm vào hoàn cảnh khó khăn, Quốc vương đều ra tay để tháo gỡ những bất đồng tưởng chừng như không thể hóa giải, dẫn dắt mọi người thoát khỏi bế tắc, và gắn kết họ thành một khối.
Trải qua những thời kỳ biến động và thay đổi nhanh chóng của lịch sử, Quốc vương Bhumibol trở thành tấm gương cho sự công chính, minh chứng cho lòng yêu thương giữa những xung khắc xã hội, suy thoái đạo đức của con người. Các tờ báo ở Thái Lan trong ngày hôm qua và hôm nay đều đồng loạt đổi sang màu đen trắng để tưởng niệm nhà vua, và nhớ về một thời kỳ quan trọng, nơi hình ảnh của Quốc vương Bhumibol luôn ngự trị trong trái tim người dân nước này.
Nhà vua của nhân dân
Tờ StraitsTimes của Singapore gọi Quốc vương Bhumibol là "nhà vua của nhân dân" trong một bài viết nhắc lại quá trình trị vì của ông. Theo bài báo này, chính những nỗ lực, cống hiến không ngừng nghỉ của Quốc vương Bhumibol đã giúp ông có được danh hiệu đó.
Khi mới từ Mỹ trở về Thái Lan năm 1946 để tiếp quản ngai vàng, ông đã dành rất nhiều thời gian đi khắp đất nước, tiếp xúc gần gũi với mọi tầng lớp nhân dân. Trên chiếc xe Land Rover của mình, ông cùng các kỹ sư, bác sĩ, nhà khoa học nông nghiệp đi hơn 50.000 km mỗi năm, đến tận những vùng xa xôi hẻo lánh nhất của đất nước. Mỗi chuyến đi như vậy, ông và Hoàng hậu đã phân phát hàng chục nghìn tấm chăn, quần áo, đồng phục học sinh cho những khu vực khó khăn.
Nhà vua trẻ tuổi lúc đó luôn quan tâm đến các vấn đề khoa học, kỹ thuật và môi trường, thậm chí là công nghệ gieo mây để làm mưa nhân tạo phục vụ nông dân. Ông thường xuất hiện trong các bức ảnh với dáng vẻ tất bật, cùng một chiếc máy ảnh bỏ túi đeo lủng lẳng quanh cổ.
Trong văn phòng của mình ở Bangkok, nhà vua thường xuyên cặm cụi trên những bản vẽ, thiết kế hệ thống thủy lợi, tưới tiêu, và liên lạc với các quan chức chính phủ thông qua một thiết bị vô tuyến.
Với những nỗ lực không biết mệt mỏi của mình, Quốc vương Bhumibol nhanh chóng chiếm được cảm tình của đông đảo nhân dân và tạo dựng ảnh hưởng lớn đến các tầng lớp chính trị khác trong xã hội, dù ngai vàng của ông chỉ mang tính biểu tượng, không nắm giữ quyền lực thực sự ở Thái Lan.
Quốc vương Bhumibol trong một chuyến thăm người dân. Ảnh: People
Trong cuốn sách "Nhà vua không bao giờ cười" xuất bản năm 2006, Paul Handley cho rằng Quốc vương Bhumibol đã khôi phục danh tiếng của Hoàng gia Thái Lan đến một mức độ họ được coi là "lực lượng chính trị hùng hậu nhất" ở đất nước này.
Và với "quyền lực lòng dân" đó, Quốc vương Bhumibol đã nhiều lần ra tay cứu vớt dân tộc Thái Lan thoát khỏi tình cảnh hỗn loạn, đổ máu, đặc biệt là trong các cuộc đảo chính do giới quân sự tiến hành.
Năm 1973, khi các sinh viên xuống đường phản đối chế độ của nhà độc tài quân sự Thanom Kittikachorn, Quốc vương đã ra lệnh mở cửa cung điện Chitralada ở Bangkok để các sinh viên bị đàn áp vào lánh nạn. Sau đó, ông xuất hiện trên truyền hình, thông báo rằng nhà độc tài đã từ chức, chế độ Thanom kết thúc.
Đến năm 1992, quân đội Thái Lan dưới sự chỉ huy của tướng đảo chính Suchinda Kraprayoon, tiếp tục đàn áp, bắn giết người biểu tình do tướng về hưu Chamlong Srimuang dẫn dắt. Vua Bhumibol đã triệu tập cả hai người tới cung điện. Hình ảnh phát sóng trên truyền hình cho thấy hai viên tướng quỳ mọp dưới chân nhà vua đã khiến cả Thái Lan chấn động, và tình trạng bạo lực kết thúc với lời răn của Quốc vương: "Đất nước không thuộc về một hoặc hai người nào cả, nó thuộc về nhân dân. Những kẻ đối đầu nhau sẽ thất bại, và người thất bại cuối cùng chính là đất nước".
Hình ảnh đó càng củng cố "quyền lực đạo đức" của nhà vua trong lòng dân chúng, và hình tượng Quốc vương càng thêm ngời sáng như một người chồng, người cha mẫu mực, không hề có bất cứ điều tiếng, bê bối nào.
Quốc vương Bhumibol được người dân Thái Lan vô cùng yêu mến. Ảnh: People
"Hoàng gia là linh hồn của dân tộc Thái Lan", cựu thủ tướng Kukrit Pramoj từng tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với BBC năm 1979.
"Người Thái có tính đoàn kết rất cao, và Quốc vương được coi như thủ lĩnh của cả dân tộc, người cha của một đại gia đình dân tộc Thái Lan. Mọi điều tốt đẹp trong văn hóa Thái Lan đều xuất phát từ nhà vua. Tư cách, lối sống, cách nghĩ và tư tưởng của nhà vua được coi là tinh hoa của dân tộc. Ngay cả đạo Phật cũng được chúng tôi coi là phát ra từ Quốc vương và Hoàng gia", ông Kukrit nói.
Tác giả bài viết: Trí Dũng