Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Hãy tìm lối đi riêng - Kỳ 1: Làm việc như nhau, đừng hi vọng kết quả khác nhau

Có những người không vào ĐH, không đi theo những con đường mà gia đình mong muốn, chấp nhận thử thách, tự vạch ra cho mình lối đi riêng. Và điều đó đưa họ đến thành công.

Jesse Peterson dạy tiếng Anh nhiều năm nay tại TP.HCM - Ảnh: NVCC

Jesse Peterson – người Canada, một giáo viên giảng dạy tiếng Anh ở TP.HCM – chia sẻ những câu chuyện thành công từ cuộc sống, và quan điểm của mình về việc thay đổi tư duy. 

Tuổi Trẻ xin giới thiệu bài viết của anh về vấn đề trên, với nhiều câu chuyện và lập luận đáng suy ngẫm.

Nghèo - giàu, do đâu?

Có những người khi họ biết tôi dạy học cho người mẫu Ngọc Trinh, họ đặt câu hỏi: “Bạn biết tại sao cô ấy giàu có chứ?”. Nhưng tôi cho rằng họ không biết lý do thật sự đâu. Có rất nhiều cô gái như Trinh, khi có được một khoản tiền lớn, đa số nhanh chóng đốt hết sạch khoản tiền đó trong một thời gian ngắn, vào những thứ phù phiếm như tiệc tùng và những bộ cánh xa xỉ...

Nhưng Trinh thì không như thế, cô ấy biết rằng cần phải tính toán đến chuyện lâu dài và chọn cách đầu tư. Với spa và chuỗi cửa hàng hiện tại thì cô ấy và gia đình có tương lai ổn định, chẳng còn cần phải lo lắng nữa.

Và nếu bạn nghĩ: “Vì Trinh đẹp nên mới như thế!” thì hết sức sai lầm. Xin hãy nhớ là Việt Nam còn có rất nhiều cô gái đẹp bằng, thậm chí đẹp hơn Trinh, nhưng họ vẫn rất nghèo.

Trinh là học viên của tôi, so với những học viên tôi đã dạy đến bây giờ, tôi thấy cô ấy có khả năng tập trung tốt và rất lâu. Cô ấy thường học ba tiếng liên tục, không nghỉ, không mệt, không nhìn điện thoại đến một lần. Với bài tập về nhà, phần ngữ pháp tiếng Anh thì Trinh lúc nào cũng đúng 100%. Đó là vì Trinh sẽ cố làm, tự học và nghiên cứu đến khi biết cách làm bài, không bao giờ đoán mò hay làm bừa.

Tại sao Trinh có thể giỏi thế mà chỉ học đến lớp 9, trong khi rất nhiều người học đại học bốn năm hơn không thành công bằng cô ấy? Thực sự, trên đời có rất nhiều người có xuất phát điểm từ nghèo khó và cuối cùng trở nên giàu hơn; và cũng có rất nhiều người sinh ra trong nhung lụa, nhưng khi lớn lên lại mất hết sạch số tiền mình đã có.

"Thay đổi tư duy" - thay đổi trong cách tiếp cận cơ bản, hay giả thuyết nền tảng. Nghĩa đơn giản của nó là trong khi mọi người đi theo lối mòn nguyên tắc một cách ngoan ngoãn, thì bạn tự vạch ra cách đi riêng của mình và thực hiện nó.

Như là câu chuyện nhỏ mà tôi vừa đọc được hôm nay. Chuyện kể rằng có hai hãng sản xuất giày nọ đang cạnh tranh với nhau. Họ cử các nhân viên của mình đến châu Phi để khảo sát thị trường và tìm kiếm cơ hội mở rộng kinh doanh của mình ở đây.

Một nhân viên sau khi xem xét kỹ tình hình thì báo lại về công ty mình rằng: “Người dân ở đây chỉ đi chân đất. Vì thế, nếu chúng ta phát triển kinh doanh ở đây sẽ không hiệu quả, không phát triển được”.

Trong khi đó, anh nhân viên công ty còn lại thì báo tin về xưởng sản xuất của mình rằng: “Chúng ta cần nhanh chóng phát triển kinh doanh tại đây. Nơi này thật lý tưởng để kinh doanh giày, bởi người dân ở đây chưa ai có giày dép để mang”.

Cuối cùng, sau khi công ty thứ hai thiết lập toàn bộ kế hoạch phát triển thị trường ở châu Phi thì gặt hái được rất nhiều thành công.

Tự tìm lối đi riêng

Câu chuyện nói trên tuy chỉ là chuyện phiếm, nhưng thực tế trong cuộc sống lại đúng như vậy. Người biết nắm bắt đổi mới tư duy sẽ gặt hái được thành công, người bước theo lối mòn khuôn mẫu có thể sẽ chẳng thu hoạch được gì.

Chúng ta có thể thấy rõ, tuy có cùng một sự kiện xảy ra nhưng chính cách nhìn nhận khác nhau của hai người mà kết quả có sự khác biệt rõ rệt. Trong khi đất nước còn nhiều lạc hậu, kinh tế khó khăn thì việc đi chân đất của người dân như một thói quen hằng ngày.

Nếu ta xem đó là điều hiển nhiên và không thể nào thay đổi thì cách nhìn của chúng ta cũng tiêu cực như chính anh nhân viên đầu tiên. Ngược lại, nếu ta có thêm cái nhìn đổi mới toàn diện và tầm nhìn xa hơn thì vấn đề khó khăn trước mắt thực ra chỉ là một thử thách dẫn ta đến với thành công.

Ngày nay, đa số mọi người luôn đi theo lối mòn đã được vạch sẵn: đi học, học nghề, đi làm. Và tất cả mọi người đều hi vọng họ sẽ thành công. Sự cạnh tranh trở nên vô cùng khốc liệt. Tất cả mọi người đang làm những việc y hệt nhau, nhưng lại hi vọng sẽ cho ra những kết quả khác nhau.

Có thể nói đây không phải là cách tốt nhất. Xã hội luôn tồn tại những “kẻ yếu thế”, những người sinh ra với xuất phát điểm bất lợi hơn những người khác, nhưng họ dám thay đổi thoát ra khỏi lối mòn thông thường để rồi gặt hái được thành công.

Như trường hợp cô Trần Khánh Ly là một ví dụ rất hay. Cô kể: “Tôi học hết lớp 5 sau đó tôi bỏ học. Tôi ở quê Hải Dương, đến năm tôi 14 tuổi mới bắt đầu theo bố mẹ vào Sài Gòn làm việc. Bố tôi làm thợ hồ, mẹ tôi bán hàng rau ở chợ. Công việc đầu tiên của tôi là đi giúp việc nhà, phải ở lại nhà người ta, với mức lương bao ăn ở là 300.000 đồng/tháng.

Thời gian đầu, đêm nào tôi cũng khóc vì nhớ bố mẹ. Nhưng từ từ cũng quen. Tôi làm không được bao lâu thì nghỉ, vì không quen ở xa bố mẹ. Sau đó tôi xin bố mẹ đi học nghề tóc. Nhưng bố mẹ không cho, bởi bố mẹ nói nghề tóc không tốt".

Rồi có lần bố cô hỏi: “Mai mốt người ta hỏi con làm gì, không lẽ lại nói con làm nghề tóc?”. Cô trả lời: “Người ta đi làm tóc đầy mà. Con đi ra tiệm người ta cũng cắt tóc cho con bình thường thôi”. Cô cho biết bố mẹ vẫn không đồng ý. Mà bố mẹ không đồng ý cũng đồng nghĩa với việc sẽ không cho tiền cô đi học.

Trần Khánh Ly nói rằng: “Con sẽ đi làm, tự kiếm tiền để học. Bố mẹ cho con ít thời gian để con đi kiếm tiền và học nghề”. Dù Khánh Ly đã nói rất nhiều nhưng bố mẹ vẫn tỏ vẻ không hài lòng khi cô xin như vậy. "Nhưng tôi rất kiên quyết, và đã chọn công việc đi bán vé số", Trần Khánh Ly nói.

 
"Xã hội luôn tồn tại những “kẻ yếu thế”, những người sinh ra với xuất phát điểm bất lợi hơn những người khác. Nhưng họ dám thay đổi, thoát ra khỏi lối mòn thông thường, để rồi gặt hái được thành công.
 
Jesse Peterson

Tác giả bài viết: JESSE PETERSON