Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cầu Chôm Lôm: Dệt thêm những ước mơ

Học sinh thoát nạn trên chuyến đò Chôm Lôm định mệnh năm xưa, giờ trưởng thành và đang góp sức xây dựng bản làng, nhiều người vẫn chợt nghĩ: Giá như cây cầu được xây dựng sớm hơn. Và mong ước này vẫn đang được rất nhiều người dân Lạng Khê hy vọng trở thành hiện thực đối với bến đò còn lại trên địa bàn, cũng là bến đò duy nhất còn lại ở huyện Con Cuông.
Cách đây đúng 10 năm, vụ chìm đò tại Chôm Lôm đã khiến 19 học sinh tử nạn. Sau sự ra đi của các em, một cây cầu tình thương đã được bắc qua sông, chấm dứt hoàn toàn những chuyến đò ngang oan ức. Theo thời gian, nỗi đau cũng đã dần nguôi ngoai, cuộc sống nhân dân bản Chôm Lôm cũng đã có nhiều đổi thay nhờ cây cầu đó.
 

Học sinh của hai bản Chôm Lôm và Đồng Tiến thuộc xã Lạng Khê qua cầu treo Chôm Lôm hớn hở trở về nhà sau giờ học.

Giờ tan trường, từng tốp học sinh của hai bản Chôm Lôm và Đồng Tiến thuộc xã Lạng Khê cùng hớn hở trở về nhà qua cầu treo Chôm Lôm. Có cây cầu treo, xã Lạng Khê đã xóa hẳn được hai trong tổng số 3 bến đò ngang trên địa bàn xã. Phấn khởi nhất là các em học sinh, vì các em không còn phải đối mặt với tử thần mỗi lần qua sông và phụ huynh các em cũng yên lòng mỗi khi con rời nhà đến trường.


Bản làng Chôm Lôm nay đã nhiều đổi khác.

Không chỉ góp phần xoa dịu nỗi đau sau vụ đắm đò thương tâm, cây cầu Chôm Lôm còn làm đổi thay cuộc sống của người dân Lạng Khê nói chung, bản Chôm Lôm nói riêng. Cư dân hai bờ thuận tiện hơn khi đi lại, giao thông ổn định, dịch vụ thương mại phát triển, cuộc sống của người dân nơi đây đang khởi sắc từng ngày. Từ cầu Chôm Lôm, một con đường nối liền 3 bản Chôm Lôm, Đồng Tiến, Yên Hoà được hình thành, chấm dứt cảnh thôn bản bị chia cắt, cô lập khi lũ tràn về. Ông Lương Văn Cương vẫn còn nguyên nỗi Chôm Lôm 10 năm trước, và nay, ông phấn khởi vì câu cầu đã chở con chữ cho các em tròn trịa hơn và bản làng ông đã có nhiều thay đổi.
 

Điều mơ ước nhất của người dân Con Cuông là những bến đò tạm đã dần được thay thế bằng những cây cầu dân sinh kiên cố.

Sau vụ việc xảy ra tại Chôm Lôm, việc quan tâm, đầu tư xây dựng cầu treo dân sinh để người dân đi lại dễ dàng hơn, an toàn hơn, nhất là vào mùa mưa lũ được huyện Con Cuông đặc biệt quan tâm. Bắt đầu từ cầu Chôm Lôm, đến nay, đã có 10 cây cầu treo dân sinh trên địa bàn huyện được hoàn thành đưa vào sử dụng. Riêng năm 2015, huyện đã đầu tư 7 cây cầu. Ông Vi Đình Tuyển - Chủ tịch UBND xã Lạng Khê, Con Cuông mong muốn sớm bỏ xóa bến đò bản Yên hòa, bến đò duy nhất còn lại của xã và cũng là của huyện Con Cuông.


Đến nay, 10 cây cầu treo dân sinh trên địa bàn huyện được hoàn thành đưa vào sử dụng.

Những học sinh thoát nạn trong vụ chìm đò cách đây tròn 10 năm ở bản Chôm Lôm nay có người đã lập gia đình, người thì đang là sinh viên. Nhìn những học sinh thoát nạn năm xưa lớn lên, trưởng thành và đang góp sức xây dựng bản làng nhiều người vẫn chợt nghĩ: giá như cây cầu được xây dựng sớm hơn. Và mong ước này vẫn đang được rất nhiều người dân Lạng Khê hy vọng trở thành hiện thực đối với bến đò còn lại trên địa bàn, cũng là bến đò duy nhất còn lại ở huyện Con Cuông.

Tác giả bài viết: Xuân Hướng – Trường Ca