Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Tuyển Việt Nam và sứ mệnh của thần tượng

Không chỉ mỗi Hoa hậu mới phải đưa ra cương lĩnh hành động vì cộng đồng hay bảo vệ thiên nhiên - động vật hoang dã, dù chỉ làm đẹp cái vương miện trên đầu, mà tự chúng ta, mỗi người đều nên mang trong mình lòng trắc ẩn. Hàng ngày, thậm chí hàng giờ, bao việc tử tế, bao sự chia sẻ vẫn âm thầm diễn ra.

Đáng lẽ, phải từ rất lâu rồi, đội tuyển Việt Nam - tập hợp những tinh tuý nhất của nền bóng đá, có thể nói là những thần tượng, phải được thực hiện trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng. Nhưng vì nhiều lý do, sứ mệnh này bị lãng quên, thay cho những mục tiêu, những tấm huy chương, những chiếc Cúp và cả núi tiền thưởng hứa hẹn.

Nói thế cũng có phần oan, nhưng sự thật là, những tiêu biểu điển hình như Công Vinh, Tài Em, Minh Phương hay Quang Hải, Tấn Tài, Tấn Trường... với các hoạt động thiện nguyện nhỏ lẻ, là quá ít ỏi, chẳng thấm vào đâu.

Trong rất nhiều các bài viết, chuyên đề trước đây, Thể thao & Văn hoá đã từng đề cập nhiều lần: Có quá ít những thần-tượng-bóng-đá Việt tìm đến các mái ấm tình thương, cô nhi viện, các viện dưỡng lão, bệnh viện hoặc ít nhất là các trường học. Và thường, họ chỉ làm điều này khi đã giải nghệ, hoặc được khơi gợi bởi những nhân vật ngoài bóng đá, như giới truyền thông hoặc nghệ sỹ.


Bên cạnh nhiệm vụ nâng cao năng lực chuyên môn, HLV Nguyễn Hữu Thắng hướng đội tuyển Việt Nam tới các hoạt động vì cộng đồng.Ảnh: Quang Liêm

Phải, so với giới văn nghệ sỹ, ý thức chia sẻ và các hành động cụ thể với cộng đồng của giới cầu thủ, thậm chí là những cầu thủ ngôi sao có tổng giá trị chuyển nhượng hàng chục tỷ đồng, có phần kém hơn. Điều này ít nhiều liên quan đến trình độ học vấn hay nhận thức xã hội, mà cầu thủ Việt Nam vốn dĩ chịu nhiều thiệt thòi, dù rằng họ cũng là người của công chúng.

Xin nói luôn, nếu thi thoảng một vài cầu thủ nổi tiếng, tư cách tốt, tìm đến các cô nhi viện hay các trường học, để giao lưu - chia sẻ, họ có thể đã khơi gợi được tình yêu, đam mê với quả bóng tròn của các em nhỏ. Để từ đó, sẽ có nhiều trẻ em noi gương thần tượng, mà hăng say tập luyện bóng đá. Đó là điều rất tốt để phát triển nền bóng đá. Ở nước ngoài, họ đã làm thế từ cả mấy chục năm nay rồi.
.
Và, khi cả một ĐTQG tìm đến mái ấm tình thương, ví như làng trẻ mồ côi SOS TP.HCM chẳng hạn, sự lan toả là rất lớn. Nó không những giúp hình ảnh các cầu thủ, cũng như BHL và đội tuyển Việt Nam trở nên đáng yêu hơn, gần gũi hơn, mà ở chiều ngược lại, trách nhiệm chia sẻ cũng đã được hoàn thành.

Chia sẻ với giới truyền thông tại TP.HCM trước ngày lên đường đi Hàn Quốc, tập huấn chuẩn bị AFF Cup 2016, vào chiều qua (12/10), HLV Nguyễn Hữu Thắng nói rằng, đội tuyển Việt Nam sẽ có một ngày nghỉ vào hôm nay để toàn đội đến thăm làng trẻ SOS ở (Gò Vấp, TP.HCM). Theo ông Thắng, đây là bài giảng ngoại khoá bổ ích, nhằm lấy lại cân bằng cho các cầu thủ. Nhưng như thế cũng tuyệt vời rồi.

Cũng hy vọng, sau khi thấy được tận mắt những mảnh đời bất hạnh, chia sẻ tận nơi miếng ăn, manh áo cho những đứa trẻ cơ nhỡ..., các cầu thủ đại diện bóng đá Việt Nam chinh chiến đấu trường Đông Nam Á tới đây, sẽ biết trân quý cuộc sống hơn, trách nhiệm hơn với nghề, với phận sự mà mình đang thực hiện. Nó có ý nghĩa hơn bao bài lên lớp, bao buổi tập ngoài thao trường. 

Tác giả bài viết: Tùy Phong