Vụ nổ bom khiến Tổng thống Philippines nuôi ác cảm với Mỹ
- 14:32 12-10-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: Reuters
"Tôi không có ý chấm dứt hay hủy bỏ liên minh quân sự với Mỹ. Nhưng để tôi hỏi các bạn, các bạn có cho rằng chúng ta thực sự cần đến quan hệ liên minh đó?", Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố trong một bài phát biểu hôm qua, khi nói về quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Manila và Washington.
Theo các chuyên gia phân tích, đây là động thái mới nhất trong chuỗi những phát ngôn gây sốc của Tổng thống Philippines về mối quan hệ với Mỹ, thể hiện một mối "ác cảm" rõ ràng của ông đối với quốc gia đồng minh được coi là thân cận nhất.
Tuyên bố trên của ông Duterte được đưa ra trong bối cảnh quân đội Mỹ và Philippines vừa phải kết thúc cuộc tập trận chung sớm hơn một ngày so với dự kiến. Tổng thống Duterte từng tuyên bố ông muốn đây là cuộc tập trận chung cuối cùng giữa quân đội hai nước, và sẽ không có thêm bất cứ sự hợp tác nào tương tự trong nhiệm kỳ 6 năm của ông.
Bình luận viên Michael Sullivan của NPR cho rằng mối ác cảm đó được thể hiện một cách công khai trong thời gian gần đây, nhưng nó rất có thể khởi nguồn từ cách đây hơn 10 năm, tại một khách sạn ở thành phố Davao miền nam Philippines, nơi ông Duterte từng giữ chức thị trưởng suốt hơn 20 năm.
Đó là một khách sạn rẻ tiền mang tên Evergreen với những chiếc cầu thang dài giữa khu Hoa kiều tại Davao, có giá thuê phòng khoảng 15 USD một đêm. Ngay khi khách bước vào, lễ tân đã cảnh báo rằng việc chế tạo bom trong phòng khách sạn là bị "nghiêm cấm", và thú nhận rằng hành động đó đã được thực hiện trước đây, bởi một công dân Mỹ tên là Michael Meiring.
Ngày 16/5/2002, người đàn ông tự xưng là thợ săn kho báu này vô tình kích hoạt thiết bị nổ đựng trong chiếc hộp kim loại khi đang nghỉ tại phòng 305. Fe Basan, cảnh sát trưởng đồn cảnh sát Santa Anna ở gần đó ngay lập tức tới hiện trường sau khi nghe thấy tiếng nổ lớn.
"Lửa bốc cháy, và khói tràn ngập khắp phòng", Basan nhớ lại. "Và chúng tôi trông thấy anh ta trong phòng, bất tỉnh vì quá đau đớn, với một bên chân đã bị bay mất".
Cảnh sát lập tức đưa Meiring tới bệnh viện để cứu chữa và lên kế hoạch thẩm vấn khi anh ta tỉnh lại. Họ đã chuẩn bị sẵn hồ sơ khởi tố, với các tội danh ban đầu như tàng trữ chất nổ trong phòng và hủy hoại tài sản khách sạn.
Hồi đó, tỉnh Mindanao nói chung và thành phố Davao nói riêng còn là một địa danh nguy hiểm, nơi các phần tử ly khai hoạt động mạnh, với các vụ đánh bom khủng bố diễn ra khắp nơi, khiến cảnh sát càng muốn làm rõ vai trò của công dân người Mỹ này.
Thế nhưng họ không bao giờ có được cơ hội ấy. Chỉ một ngày sau, những người đàn ông được cho là đặc vụ Mỹ đã tìm đến bệnh viện và đưa Meiring đi, theo cựu chỉ huy tình báo quân sự ở Davao thời kỳ đó.
"Bác sĩ kể rằng ông ta được ít nhất 4 người, mặc áo FBI, đưa ra khỏi bệnh viện, và được chuyển bằng máy bay từ Davao về Manila", vị chỉ huy tình báo giấu tên này nói. Ông này cho hay những người đàn ông bí ẩn đó đã thuyết phục giám đốc bệnh viện Davao cho phép họ đưa Meiring đi, bằng cách hứa hẹn sẽ cấp visa cho con gái ông ta đến Mỹ.
Thị trưởng nổi giận
Cảnh sát trưởng Basan nói rằng ai đó từ đại sứ quán Mỹ đã liên lạc với bà và đưa ra những lời hứa hẹn tương tự, với điều kiện bà cho phép các đặc vụ Mỹ tiếp cận ngay lập tức với Meiring trong bệnh viện, nhưng bà nói rằng bà không quan tâm tới visa Mỹ. Khi Thị trưởng Duterte phát hiện ra sự biến mất của Meiring, ông đã vô cùng giận dữ, Basan kể lại.
Khách sạn Evergreen ở thành phố Davao, nơi xảy ra vụ nổ bom năm 2002. Ảnh: NPR
Theo cựu chỉ huy tình báo giấu tên, Thị trưởng Duterte coi việc các đặc vụ Mỹ đưa Meiring về Manila là hành động vi phạm chủ quyền Philippines cũng như quyền lực của ông. "Đó là lý do vì sao Thị trưởng Duterte, nay là Tổng thống Duterte, ghét người Mỹ đến vậy", ông này nói.
Serafin Ledesma Jr., người phụ trách tờ Mindanao Journal, cho rằng Thị trưởng Duterte có lý do để nổi giận. "Các đặc vụ FBI đã thể hiện sự ngạo mạn khi ngang nhiên xông tới Davao và lôi đi một đối tượng rất quan trọng mà nhà chức trách Davao đang chuẩn bị thẩm vấn", Ledesma nói.
"Đại sứ quán Mỹ đã có cách hành xử kiểu hà hiếp đối với Duterte. Vào thời đó, thành phố đang phải giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến các vụ đánh bom, và bỗng xuất hiện một người Mỹ với quả bom phát nổ trong phòng. Tại sao ông ta ở trong khách sạn đó, và lại mang theo chất nổ?", Ledesma đặt câu hỏi.
Khi phóng viên của NPR liên lạc với đại sứ quán Mỹ ở Manila để hỏi về vụ Meiring năm 2002, họ được giải thích rằng ông ta được chuyển về bệnh viện ở thủ đô Philippines theo khuyến nghị của bác sĩ địa phương. "Các bác sĩ ở Manila sau đó đề nghị đưa ông ta về Mỹ để điều trị tốt hơn. Chúng tôi không làm gì hơn ngoài việc cung cấp dịch vụ tư vấn thông thường cho một công dân Mỹ cần sơ tán vì lý do sức khỏe", email của đại sứ quán Mỹ nhấn mạnh.
Tuy nhiên, truyền thông Philippines lúc đó đồn đoán rằng Meiring làm việc cho CIA vào thời kỳ Mỹ đang tìm cách tăng cường sự hiện diện quân sự ở Mindanao như một nỗ lực trong cuộc chiến chống khủng bố sau sự kiện 11/9. Việc Meiring có thể tự do đi lại khắp Mindanao, kể cả các khu vực do phiến quân kiểm soát, khiến nhiều người nghi ngờ rằng ông ta đang tham gia vào một kế hoạch lớn để gây bất ổn ở tỉnh này. Sự bất ổn đó sẽ là tiền đề để Philippines gật đầu cho phép Mỹ hiện diện nhiều hơn trong khu vực.
"Tôi không thể khẳng định hay phủ nhận điều đó", cựu sĩ quan tình báo quân sự Philippines nói. "Có lẽ vì ông ta là một thợ săn kho báu có bản đồ, nhưng đó cũng có thể là câu chuyện mà ông ta bịa ra để che giấu ý đồ thực sự của mình". Ledesma thì thẳng thừng hơn, cho rằng việc Meiring được các đặc vụ FBI đưa ra khỏi bệnh viện cho thấy "ông ta không hề là thợ săn kho báu".
Lệnh truy nã Meiring do cảnh sát Davao phát ra. Ảnh: NPR
Duterte cũng có chung ý kiến, và tuyên bố rằng đây là lý do ông quyết định không cho phép quân đội Mỹ thực hiện các hoạt động trinh sát bằng máy bay không người lái ở Davao năm 2013.
Giọt nước tràn ly
Theo giới quan sát, sự cố Meiring chỉ là "giọt nước tràn ly" khiến ông Duterte nuôi ác cảm với Mỹ, bởi nó còn bắt nguồn từ căng thẳng mang yếu tố lịch sử cách đó hơn một thế kỷ, từ thời kỳ Mỹ đô hộ Philippines trong giai đoạn 1898-1964.
"Ông ấy không chống lại người Mỹ, mà chính xác hơn là chính sách của Mỹ", nhà báo Editha Caduaya, người đã quen biết ông Duterte suốt nhiều thập kỷ ở Davao, nói. Ông Duterte giận dữ với "sự bất công người Mỹ gây ra với người Moro – cộng đồng người Hồi giáo ở Mindanao, bởi mẹ ông cũng có nguồn gốc từ người Moro", Caduaya cho hay.
Theo nữ nhà báo này, ông Duterte đặc biệt tức giận với vụ thảm sát hàng trăm người Moro, kể cả phụ nữ và trẻ em, trên đảo Jolo năm 1906, được cho là do lính Mỹ gây ra. Ông đã chìa những bức ảnh về thời kỳ đó cho các nguyên thủ nước khác xem khi tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN vừa diễn ra tại Lào. "Khi chúng tôi nói về biến cố đó, ông ấy thường nổi đóa", Caduaya kể.
Yếu tố lịch sử ở Mindanao và sự cố Meiring góp phần giải thích thái độ thiếu thiện cảm của ông Duterte đối với Mỹ, cũng như những lời lẽ gây sốc mà ông từng dành cho Tổng thống Barack Obama khi nói về cái mà ông gọi là "sự lên lớp về nhân quyền của Washington" đối với cuộc chiến chống ma túy do ông phát động.
Mặc dù vậy, Duterte nói rằng ông vẫn đề cao giá trị mối quan hệ Philippines – Mỹ, và ông chỉ muốn người Mỹ đứng ngoài công việc nội bộ của Philippines. Còn về phần Meiring, thợ săn kho báu tự xưng này qua đời ở Mỹ năm 2012, trong khi lệnh truy nã của ông ở Davao vẫn còn hiệu lực.
Tác giả bài viết: Trí Dũng