Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Kẽ hở trục lợi thi chứng chỉ tiếng Anh chuẩn châu Âu

Quy định nhằm chuẩn hóa trình độ tiếng Anh của giáo viên, công chức, viên chức lại đang tạo thành những kẽ hở để nhiều cá nhân, đơn vị trục lợi. Những chứng chỉ "chuẩn hóa" hóa ra lại không hề "chuẩn".

Không liên kết vẫn tổ chức ôn, thi chứng chỉ

Trong vai những giáo viên muốn thi chứng chỉ B1 (theo khung tham chiếu châu Âu), chúng tôi tới gặp bà Trần Ngọc Thủy, Trưởng phòng đào tạo của Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Hà Nội 1 tại địa chỉ 54 Vũ Trọng Phụng.

 

Bà Trần Ngọc Thủy, Trưởng phòng Đào tạo Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Hà Nội 1 khẳng định, muốn thi chứng chỉ của trường nào đơn vị bà cũng có thể cung cấp. Ảnh: Lê Văn.


Trên website của trường (tại địa chỉ http:ktkthn1.edu.vn) tại thời điểm đó đăng tải thông báo về việc tổ chức ôn luyện và thi chứng chỉ tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam (hay theo các cập độ chuẩn châu Âu) mà trường này liên kết với ĐH Thái Nguyên.

Trao đổi với chúng tôi, bà Thủy cho biết mức lệ phí ôn tập và thi tổng cộng là 5,5 triệu đồng, trong đó lệ phí thi là 1 triệu đồng còn lệ phí ôn tập là 4,5 triệu đồng. Đây là lệ phí do trường (ĐH Thái Nguyên-PV) quy định, ngoài ra, học viên còn phải đóng thêm một số chi phí phát sinh như "tiền xe cộ, hội đồng".

Bà Thủy nhấn mạnh tới quá trình ôn tập do nhà trường tổ chức, cho rằng, đây là yếu tố đảm bảo để học sinh có thể đỗ vì người giảng dạy tại các lớp ôn thi đều là giảng viên của ĐH Thái Nguyên. "Những người trượt là những người không chịu đi ôn và không chịu làm theo hướng dẫn của giáo viên. Làm đúng theo hướng dẫn của các thầy là đỗ hết" - bà Thủy khẳng định.

Tuy vậy, bà Thủy cho biết, nếu học viên không có thời gian tới lớp học ôn nhiều thì có thể học ôn "online". "Chúng tôi sẽ phát cho các anh chị một tài liệu và hướng dẫn ôn tập. Tới gần ngày thi các anh chị chỉ cần lên gặp chúng tôi và thầy giáo khoảng 2-3 buổi để hướng dẫn thêm là được" - bà Thủy giải thích về cách ôn "online".

Bà Thủy cũng cam kết trung tâm và nhà trường sẽ hỗ trợ tối đa để các học viên đạt kết quả tốt nhất. Tuy nhiên, khi được hỏi sẽ "hỗ trợ" những gì thì bà Thủy nói rằng không thể tiết lộ vì bí mật nghề nghiệp.

"Sau này (ý nói sau khi đã đăng ký ôn và thi - PV) mới biết đơn vị (các trường cấp chứng chỉ) giúp được những gì. Hơn nữa, hỗ trợ như thế nào thì mỗi bên có một bí mật nghề nghiệp riêng" - bà Thủy nói.

Dù vậy, khi chúng tôi kêu ca mức phí ôn tập và thi quá đắt thì bà Thủy cho biết, muốn rẻ thì thi chứng chỉ của ĐH Sư phạm Hà Nội. "Họ chỉ thu 3,5 triệu tiền ôn, tới khi các anh chị thi họ thu thêm 1,2 triệu lệ phí thi, sau đó họ thả vào phòng thi muốn làm gì thì làm (mà không được hỗ trợ)".

Để "củng cố" mức độ uy tín trong việc ôn tập và thi của trường mình, bà Thủy còn "khoe" rằng, có rất nhiều học viên từ tận Cà Mau lặn lội ra Hà Nội để thi.

Bên cạnh đó, dù chỉ đăng tải thông báo ôn tập và thi chứng chỉ do ĐH Thái Nguyên cấp, song bà Thủy cho biết, trường bà nhận tổ chức ôn tập và thi của nhiều trường, ngoài ĐH Thái Nguyên còn có Trường ĐH Vinh, Trường ĐH Hà Nội,… Các trường này chỉ khác nhau về thời gian ôn tập còn mức phí thì như nhau.

 

Thông báo tổ chức lớp ôn tập và thi chứng chỉ tiếng Anh sau đó đã được gỡ bỏ khỏi trang web của trường. Ảnh chụp màn hình.


Điều đáng nói là khi chúng tôi liên hệ với các trường ĐH mà bà Thủy nói rằng có liên kết để tổ chức ôn tập và thi chứng chỉ tiếng Anh chuẩn châu Âu như ĐH Thái Nguyên và Trường ĐH Vinh thì cả 2 trường này đều khẳng định không có liên kết với trường nào có tên là Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Hà Nội 1.

Sau khi kiểm tra thông tin, chúng tôi đã gọi điện cho bà Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng nhà trường thì được bà Hà cho biết, thông báo trên website đã cũ nhưng vẫn chưa gỡ bỏ được còn hiện tại trường không còn tổ chức ôn tập và thi chứng chỉ tiếng Anh do ĐH Thái Nguyên cấp nữa.

Tuy nhiên, bà Hà cho rằng, vì trước đây trường mình đã làm nên hiện tại vẫn có các học viên tới hỏi và nhà trường chỉ giúp tư vấn và giới thiệu cho học viên chứ không tổ chức ôn và thi. Khi chúng tôi trao đổi lại những nội dung đã trao đổi với bà Thủy thì bà Hà lại cho rằng, trường bà có quyền giới thiệu tuyển sinh với tất cả các chương trình.

"Không chỉ riêng trường tôi làm. Rất nhiều trường ở Hà Nội người ta cũng làm cho nhiều trường chứ không chỉ riêng trường tôi" - bà Hà khẳng định.

Sau cuộc trao đổi với chúng tôi không lâu thì thông báo tổ chức lớp ôn tập và thi chứng chỉ tiếng Anh trên website của Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Hà Nội 1 cũng được gỡ bỏ.

Bao đỗ 100%, giá nào cũng có

Tìm kiếm trên mạng, chúng tôi tìm thấy một trang facebook với tiêu đề quảng cáo hấp dẫn khẳng định thi chứng chỉ tiếng Anh chuẩn châu Âu "thi đậu 100%".

 

Quảng cáo thi chứng chỉ tiếng Anh chuẩn châu Âu đậu 100%. Ảnh chụp màn hình.


Liên hệ theo số điện thoại cung cấp trên trang facebook này, chúng tôi gặp một người tên Ninh. Cũng giống như bà Thủy, Ninh cho biết, "trung tâm" mình tổ chức ôn tập và thi chứng chỉ tiếng Anh của nhiều trường ĐH, từ ĐH Thái Nguyên, Trường ĐH Vinh, Trường Đại học Hà Nội,…

Trả lời câu hỏi về mức phí ôn tập và thi chứng chỉ B1, Ninh cho biết, tổng chi phí là 6,5 triệu đồng đã "bao đỗ". Ninh cho biết, khi đăng ký ôn tập và thi, người học chỉ cần đóng 70% để "trung tâm" lập danh sách và gửi lệ phí cho trường. 30% còn lại sẽ đóng nốt khi nhận chứng chỉ.

"Nếu không đậu thì bọn em sẽ hoàn trả lại 70% tiền mà anh đã đóng" - Ninh cam kết.

Việc đăng ký ôn và thi theo Ninh cũng khá đơn giản. Người học chỉ việc gửi 2 ảnh 4x6 và ảnh chụp chứng minh nhân dân để lập danh sách cấp chứng chỉ còn lại tiền học phí và thi có thể gửi qua tài khoản ngân hàng mà không cần tới trực tiếp.

Khi chúng tôi tỏ ý băn khoăn và muốn đóng tiền trực tiếp để lấy hóa đơn, Ninh cho biết, tôi có thể đến Trường ĐH Đông Đô tại 170 Phạm Văn Đồng để đóng tiền trực tiếp, nhưng không nói rõ "trung tâm" của Ninh có thuộc trường hay không.

Tiếp tục gọi điện cho một số điện thoại khác cùng trên trang facebook này, một người phụ nữ tên Ngọc "ra giá" 7 triệu đồng cho chứng chỉ tiếng Anh B1 của Trường ĐH Vinh. Khi chúng tôi muốn tới đóng tiền trực tiếp thì Ngọc cho biết, "trung tâm" của mình là Trung tâm Ngoại ngữ Tin học HDIU, thuộc Trường ĐH Đông Đô và cam kết tới trung tâm đóng tiền trực tiếp có thể nhận hóa đơn ngay.

Gọi điện đến Văn phòng tuyển sinh của Trường ĐH Đông Đô, một người tên Tuấn, khẳng định mình là Trưởng phòng Tuyển sinh của trường cho biết, Trung tâm Ngoại ngữ Tin học HDIU đúng là đơn vị thuộc trường, do ông Trịnh Hữu Tuấn, Phó trưởng khoa Ngoại ngữ, làm giám đốc.

Tuy nhiên, ông Tuấn khẳng định, trung tâm này không có người nào tên Ngọc, cũng không có người tên Ninh, đồng thời cho biết, họ có thể chỉ là cán bộ tuyển sinh của văn phòng bên ngoài, chỉ lấy cái danh của trường để tuyển sinh mà thôi.

Nói về việc thi chứng chỉ tiếng Anh, ông Tuấn cho rằng, người phụ nữ tên Ngọc đưa ra giá 7 triệu là "cao" vì Trường ĐH Đông Đô làm chỉ hết 6 triệu đồng mà thôi. Khi được cho biết, mức giá mà Ngọc đưa ra là đã bao gồm cả "bao đỗ", ông Tuấn phân trần, trường thì không dám nói là bao đỗ nhưng có thể đảm bảo 96-97% là đỗ.

Khi trao đổi với chúng tôi, GS. TS Nguyễn Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên khẳng định, sau khi có chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, ĐH Thái Nguyên không liên kết với bất cứ trường nào tại Hà Nội để tổ chức các lớp ôn tập và thi chứng chỉ tiếng Anh.

Trong khi đó, ông Lê Công Đức, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo liên tục- đơn vị phụ trách tổ chức ôn tập và thi chứng chỉ tiếng Anh của Trường ĐH Vinh cho biết, tại Hà Nội chỉ có 1 trường trung cấp là Trung cấp Thái Nguyên và Trung tâm đào tạo thường xuyên của Trường ĐH Hòa Bình, ngoài ra còn có Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường.

Ông Đức cho rằng, những đơn vị chúng tôi tiếp cận thực tế chỉ là một dạng "cò" đi "gom hàng" rồi "bán lại" cho những đơn vị đối tác với Trường ĐH Vinh chứ trường không có bất cứ mối liên hệ nào với những cơ sở này. Ông Đức cũng cho biết, nếu có phát hiện như chúng tôi phản ánh thì nhà trường sẽ báo với công an để xử lý (?!).

Cùng với việc tạo ra một cuộc chạy đua chứng chỉ cho giáo viên, quy định nhằm rà soát lại trình độ tiếng Anh của giáo viên lại đang tạo ra những kẽ hở để nhiều người trục lợi. Những chứng chỉ nhằm "chuẩn hóa" trình độ hóa ra sẽ chẳng còn "chuẩn" chút nào nếu những lời quảng cáo "hỗ trợ" hay "bao đỗ" là sự thực.

 

Theo quy định của Bộ GD-ĐT về chuẩn năng lực ngoại ngữ của giáo viên, từ năm 2013, thấp nhất giáo viên các cấp phải có trình độ tiếng Anh A1 (tiểu học, THCS), A2, B1 (THPT) theo khung quy chuẩn tham chiếu châu Âu. Giáo viên đang dạy tiếng Anh tại các trường phổ thông phải có chứng chỉ B2, C1 tùy theo cấp học. Các giáo viên muốn nâng ngạch thì phải có chứng chỉ tiếng Anh từ bậc B1.

Cũng theo quy định của Bộ GD-ĐT, hiện nay chỉ có 10 cơ sở giáo dục (gồm 9 trường ĐH và 1 trung tâm tiếng Anh) được phép tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh theo chuẩn châu Âu. Tuy nhiên, hầu hết các đơn vị này đều tổ chức các lớp ôn tập và thi với nhiều đơn vị khác nhau.

Tác giả bài viết: Lê Văn