Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Đượm hồn quê cơm nắm lá cọ

Cơm nắm không cầu kì, hoa mĩ nhưng chứa tất cả hồn quê và tinh túy của đất trời. Với người Phù Ninh, Phú Thọ, xứ cọ của miền Bắc, cơm nắm lá cọ chứa đựng tất cả nét văn hóa, cả phong tục tập quán của miền đất xanh này và cả hồn quê: “Dù ai đi ngược về xuôi/Cơm nắm lá cọ là người Phù Ninh” (ca dao).

Cơm nắm lá cọ là món ăn dân dã, giản dị nhưng thể hiện sự khéo léo của bàn tay người Phú Thọ.Người Phù Ninh xưa cũng mang “thương hiệu” cơm nắm lá cọ đi khắp miền Tổ quốc. 
 

Chọn lá của những cây cọ còn non, lá bánh tẻ để làm cơm nắm. Ảnh. Đỗ Thảo 


Gạo nấu cơm nắm phải là gạo mới, dẻo, thơm ngon. Nấu cơm nắm phải dùng nước mưa để giữ nguyên hương vị của gạo, phải chế cơm dẻo hơn cơm ăn hàng ngày.
 

Lá cọ được cắt thành từng đoạn, lau sạch để gói cơm. Ảnh. Đỗ Thảo


Lá cọ để nắm cơm phải được chọn lựa cẩn thận, những cây cọ non, mới cao tầm ngang người, lấy những lá bánh bẻ, nhỏ như miệng nón, còn e ấp chưa xòe hết. 

Lá cọ này còn màu vàng phớt xanh, chưa chuyển sang xanh đậm như lá già. Lá cọ mang về, cắt thành những miếng vuông, hơ qua lửa, rồi lau sạch.

 

Nắm cơm vào lá cọ. Ảnh. Đỗ Thảo


Cơm khi nấu chín, dùng khăn ướt nắm tròn lại, lăn kĩ cho nhuyễn, cho chặt hạt gạo vào nhau rồi đem chia thành những phần vừa ăn, rồi cho vào lá cọ, buộc túm một đầu lại, lăn qua lăn lại cho thật chặt, cho cơm chắc và bám vào lá. Những nắm cơm đem để nguội dùng dần.
 

Những miếng cơm còn in vết gân cọ, thơm lừng mùi gạo mới, quện trong mùi lá ngai ngái mà hấp dẫn. Ảnh. Đỗ Thảo


Bóc lá cọ ra, những nắm cơm trắng mịn, chắc lẳn, in những viền sọc đều, đẹp mắt từ gân lá cọ hằn lên. Bóc đến đâu, mùi gạo, mùi lá quện vào nhau, thoang thoảng, thơm lừng mùi gạo mới, quện trong mùi lá ngai ngái mà hấp dẫn, mà say mê. 

Cắt miếng cơm trắng, chấm với muối vừng hoặc thịt lợn rang khô, miếng ngon đượm vào mọi giác quan, gợi cho người ăn những cảm xúc giản dị nhất, mà ấm áp nhất về tình người, tình quê.

 

Bà Thông vui vẻ khoe nắm cơm đang nóng hổi, chuẩn bị gói vào lá cọ. Ảnh. Đỗ Thảo
 

Một món ăn rất bình dị mà gợi nhớ cả một miền quê, gợi nhớ những ngày trẻ thơ, khi mùa lúa chín, cả làng đua nhau làm cơm nắm lá cọ, mang ra đồng ăn vui như trẩy hội, mọi người chia nhau từng miếng cơm, từng chút muối vừng, chia nhau từng chút tình người, thấm bao nhọc nhằn mà thơm bùi, mà ngọt lành.

Tác giả bài viết: Đỗ Thảo