Hệ thống xử lý nước thải 800 triệu USD sẽ “hồi sinh” sông Tô Lịch?
- 16:06 07-10-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sáng 7/10, UBND TP Hà Nội khởi công Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá (Thanh Trì) với công suất 270.000 m3/ngày đêm. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 800 triệu đô la này được kỳ vọng sẽ làm “sống lại” các con sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đây là lần đầu tiên Thủ đô có một dự án xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải tập trung quy mô lớn với công suất 270.000 m3/ngày đêm. Quy mô xây dựng dự án bao gồm: nhà máy xử lý nước thải công suất 270.000 m3/ngày đêm và hệ thống thu gom, cống bao, hệ thống cống đấu nối (dọc hai bờ sông Tô Lịch, sông Lừ) và một phần sông Nhuệ với tổng chiều dài cống các loại khoảng 52 km.
Nhà máy xử lý nước thải với công suất 270.000 m3/ngày đêm
Phần lớn hệ thống cống thu gom nước thải được thi công bằng công nghệ khoan kích ngầm. Với phương pháp khoan ngầm sẽ giúp tránh được việc vận hành phức tạp của các trạm bơm, quỹ đất yêu cầu nhỏ hơn. Đặc biệt việc thi công cống được thực hiện dưới các dải cây xanh và dưới lòng sông, làm giảm ảnh hưởng xấu của hoạt động thi công lên hệ thống hạ tầng giao thông, hạn chế tác động tới môi trường và cư dân xung quanh.
Hệ thống trên sau khi hoàn thành sẽ thu gom nước thải các quận Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông và huyện Thanh Trì với diện tích khoảng 4.874 ha. Dự án sử dụng vốn ODA của Nhật Bản (JICA) với tổng mức đầu tư khoảng 800 triệu đô la.
Khu vực được quy hoạch xây dựng nhà máy xử lý nước thải ở huyện Thanh Trì
Phát biểu tại lễ khởi công, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá có ý nghĩa lớn trong việc cải tạo môi trường, giúp làm “sống lại” các con sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ, góp phần tạo cảnh quan, sinh thái đô thị, phát triển bền vững Thủ đô.
Từ trước đến nay, nước thải của thành phố được thu gom bởi hệ thống cống, kênh mương rồi xả ra các hồ và bốn con sông thoát nước chính là sông Kim Ngưu, sông Sét, sông Tô Lịch và sông Lừ. Vì vậy, nhiều kênh mương, sông, hồ trên địa bàn bị ô nhiễm nặng, tác động xấu tới điều kiện vệ sinh, điều kiện sống của người dân.
Tác giả bài viết: Quang Phong
Nguồn tin: