36 chủ nợ lao đao vì doanh nghiệp vay hàng trăm tỷ rồi biến mất
- 14:01 07-10-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cuối tháng 8/2016, khi xuất hiện thông tin Công ty TNHH Thương mại Thúy Sơn ngừng hoạt động, nơi làm việc đóng cửa với dấu niêm phong của ngân hàng và cả gia đình ông Trương Sơn - Giám đốc công ty bỏ trốn khỏi địa phương, bà Thân Thị Bích Ngọc (ngụ quận Tân Bình, TP HCM) đã gửi đơn tố cáo hành vi lợi dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản của ông Sơn cùng vợ là bà Hồ Phạm Thúy.
Bà Ngọc cho biết, vì mối quan hệ làm ăn thân thiết trong ngành sợi dệt nên thường tin tưởng giao tiền cho bà Thúy - người tự xưng đại diện công ty để thương lượng và kí nhận tiền trong hầu hết các khoản vay mượn tài sản. Số tiền ban đầu khoảng 200-300 triệu đồng mỗi lần, sau tăng dần lên vài tỷ đồng và kèm theo nhiều vàng bạc, ngoại tệ. Ước tính số nợ quy đổi tiền mặt hiện xấp xỉ khoảng 33 tỷ đồng.
Giấy biên nhận vay nợ của Công ty TNHH Thúy Sơn.
Bà Ngọc kể, các lần vay mượn trước đây thường không có biên lai giao nhận tiền mà chỉ đến mỗi cuối năm mới tổng kết một lần. Khi vay mượn, bà Thúy kiên trì thuyết phục và cam kết đáp ứng mọi điều khoản như trả đủ lãi suất và hoàn vốn đúng thời hạn… Tuy nhiên, khi đến ngày thu hồi nợ thì dù báo trước gần 3 tháng nhưng bà Ngọc vẫn không nhận đủ tiền, đồng thời còn bị gạt ngang nếu liên tục nhắc trả nợ.
“Tôi và Thúy cùng lập nghiệp từ hai bàn tay trắng nên mỗi lúc khó khăn chẳng ngại tương trợ nhau, nhưng giờ thì họ xa chạy cao bay, còn mình chưa hết bàng hoàng vì khoản nợ quá lớn”, bà Ngọc ngậm ngùi chia sẻ.
Không riêng trường hợp của bà Ngọc, hàng chục hộ kinh doanh khác tại làng dệt Bảy Hiền (quận Tân Bình) cũng rơi vào hoàn cảnh điêu đứng tương tự. Danh sách thống kê 36 hộ kinh doanh gửi đơn tố cáo Thúy Sơn cho thấy số nợ chủ yếu khoảng từ 1,5 đến 3 tỷ đồng. Có những trường hợp đặc biệt như bà V.T.T.A cho vay hơn 14 tỷ đồng, ông P.P.M cho vay 22 tỷ…
Trao đổi với VnExpress, một số chủ nợ cho biết cách thức vay nợ của Thúy Sơn là tạo uy tín tốt sau nhiều năm hoạt động, từ đó “huy động vốn làm ăn” của các đối tác với mức lãi suất hấp dẫn khoảng từ 1% đến 2,5% mỗi tháng. Các khoản vay này đều có giấy biên nhận viết tay và đóng mộc vuông. Tính đến tháng 8/2016, Thúy Sơn vẫn trả lãi đều đặn cho các hộ kinh doanh thông qua các hình thức như trả tiền mặt trực tiếp (đối với hộ kinh doanh ngoài ngành dệt), cung cấp sợi dệt để trừ tiền…
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết từ năm 2014, doanh nghiệp này cho vay thành hai đợt với số tiền tổng cộng khoảng 7,5 tỷ đồng. Trong hai năm, Thúy Sơn đã trả số tiền gốc được 1,5 tỷ đồng và giao vài tấn sợi mỗi tháng xem như tiền lãi.
“Giờ tôi còn vướng hơn 6 tỷ đồng nhưng nguy cơ lấy lại được toàn bộ số tiền này là rất ít. Tuy Thúy Sơn đưa ra lãi suất cao nhưng chúng tôi không phải vì ham muốn điều này mà cho vay, chẳng qua tất cả là vì niềm tin của những người làm cùng nghề mấy chục năm rồi chưa xảy ra vấn đề gì nên không lo sợ”, bà Lan nói.
Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại Thúy Sơn tại số 22-24 Ca Văn Thỉnh, phường 11, quận Tân Bình bị ngân hàng niêm phong.
Theo chia sẻ của một số chủ nợ, ngoài 36 hộ kinh doanh đã gửi đơn tố cáo thì hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp, cá nhân cho công ty này vay mượn vài chục tỷ đồng nhưng chưa công khai.
Bà Hồng (ngụ huyện Đức Hòa, Long An), người đã thế chấp quyền sử dụng đất để vay 1,6 tỷ đồng theo đề nghị của cặp vợ chồng này cho biết, vì có mối quan hệ họ hàng với Thúy nên quyết định không tố cáo vụ việc dù được nhiều người vận động ngay khi mới xuất hiện thông tin Công ty TNHH Thương mại Thúy Sơn chiếm đoạt tài sản.
Bà Hồng nhắc lại thời điểm cách đây vài tháng, do việc kinh doanh ở thành phố ế ẩm nên gia đình chuyển về quê sống và dự định xây phòng trọ cho thuê. Khi công trình còn dang dở thì Thúy tìm đến tận nơi hối thúc vay mượn tiền, cam kết hoàn trả sau 2 tháng với lãi suất 2% mỗi tháng. Trong đó, bà Hồng hưởng 1% lãi suất, phần còn lại đóng cho ngân hàng.
“Tôi tin tưởng em họ tuyệt đối, nghĩ rằng nó muốn giúp mình lấy lãi để trang trải chi phí xây nhà nhưng không ngờ bị lừa gạt như vậy. Vợ chồng nó chưa trả lãi được tháng nào thì bỏ đi, bỏ lại khoản nợ lớn mà mảnh đất vừa bán cũng không đủ trả. Hiện tôi cũng xin vào làm công nhân để tiết kiệm từng đồng trả nợ”, bà Hồng chia sẻ.
Mới đây, cơ quan chức năng đã triệu tập đại diện Công ty TNHH Thương mại Thúy Sơn và các chủ nợ để đối thoại, tìm hướng giải quyết vấn đề này nhưng phía Thúy Sơn không xuất hiện.
Trước đó, UBND quận Tân Bình đã có văn bản trả lời phản ánh của người dân về vụ việc này trên cổng thông tin điện tử của lãnh đạo TP HCM. Theo đó, tính đến ngày 13/9, Công an quận đã tiếp nhận 34 trường hợp gửi đơn tố giác ông Trương Sơn và bà Hồ Phạm Thúy có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản.
Qua thu thập thông tin, Công an quận Tân Bình cho biết tổng số nợ công ty này vay mượn tính đến thời điểm trên khoảng 171,2 tỷ đồng, 239.000 USD, 37.000 euro và hơn 349 lượng vàng SJC. Các khoản vay mượn tiền giữa hai bên đều được thể hiện trên giấy nợ có chữ ký xác nhận. Theo kết luận của đơn vị này, nội dung tố giác chỉ là tranh chấp dân sự, không thuộc thẩm quyền giải quyết nên đã có thông báo, hướng dẫn các hộ kinh doanh khởi kiện tại Tòa án dân sự.
Tác giả bài viết: Phương Đông