Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bộ Giáo dục nói gì về vụ nữ sinh ở Nghệ An bị hành hung dã man?

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An kiểm tra, báo cáo vụ việc nhiều nữ sinh THCS Quỳnh Thuận, Quỳnh Lưu, Nghệ An bị hành hung.

"Đuổi học thì dễ, dạy làm người mới khó"
Triệu tập nhóm nữ sinh đánh bạn dã man
Nhóm nữ sinh cấp 2 “xử” bạn vì cho rằng bị xúc phạm
Nghệ An: Vụ nữ sinh bị dùng dép tát vào mặt - Gia đình không dám xem lại clip lần thứ 2
Phó chủ tịch huyện Quỳnh Lưu: Hành vi đánh bạn là không thể chấp nhận được
Nhóm nữ sinh cấp 2 “xử” bạn vì cho rằng bị xúc phạm 


LTS: Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định, sự việc nhiều nữ sinh THCS Quỳnh Thuận, Quỳnh Lưu Nghệ An bị nhóm bạn cùng lứa hành hung là nghiêm trọng, đồng thời đề nghị cơ quan có trách nhiệm xử lý nghiêm khắc.

Để làm rõ thêm vấn đề này, hôm 6/10, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Ngũ Duy Anh – Vụ trưởng vụ Công tác Học sinh – Sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo.


PV: Quan điểm của ông như thế nào về vụ việc các nữ sinh trường THCS Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu) bị  đánh hội đồng vừa xảy ra?

Vụ trưởng Ngũ Duy Anh: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nắm được vụ việc thông qua các cơ quan báo chí và đã yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An kiểm tra, báo cáo Bộ.

Nhà trường và Phòng Giáo dục huyện Quỳnh Lưu đã có báo cáo nhanh gửi về Sở. Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đang tổng hợp để báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo và UBND tỉnh Nghệ An.

Đây là một trong những vụ việc gây lo lắng trong dư luận xã hội. Mọi hành vi mang tính bạo lực, đặc biệt là bạo lực trong lứa tuổi học sinh rất đáng phê phán và cần phải có biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn.

 

Clip các học sinh trường THCS Quỳnh Thuận bị nhóm bạn cùng lứa hành hung dã man (ảnh cắt từ clip).


Trong thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch và có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường.

Nhiều địa phương, nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch, có biện pháp hiệu quả để giáo dục, phòng ngừa tình trạng học sinh đánh nhau.

Tuy nhiên, tình trạng này vẫn xảy ra ở một số nơi, gây ảnh hưởng không tốt đến trật tự an toàn xã hội của địa phương và công tác giáo dục học sinh của nhà trường.

Điều này cho thấy các nhà trường phải có trách nhiệm hơn nữa trong việc phối hợp với địa phương và gia đình trong việc nắm bắt tâm lý, tình cảm của học sinh để định hướng, giáo dục về đạo đức, lối sống cũng như kỹ năng xử lý các mâu thuẫn nảy sinh trong đời sống của tuổi học trò.

Trước đó, không ít vụ bạo lực học đường xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước. Theo ông, đâu là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên?

Vụ trưởng Ngũ Duy Anh: Nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, phân tích, tập trung vào một số nhóm nguyên nhân cơ bản sau đây:

Thứ nhất: Xuất phát từ đặc điểm tâm lý lứa tuổi học sinh.

Các em thường thích thể hiện mình, không lường trước được hoặc bất chấp hậu quả hành vi do mình gây ra.

Nhiều học sinh chưa được trang bị một cách hệ thống các kỹ năng sống cơ bản để thích nghi với đời sống kinh tế - xã hội có nhiều biến đổi.

Những kỹ năng sống cần thiết cho các em như: kỹ năng ứng phó với căng thẳng, kỹ năng thương lượng, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, … chưa được các em chú ý rèn luyện.

Bởi vậy việc giải quyết các mâu thuẫn trong tuổi học trò thường được các em ứng xử một cách tự phát, thiếu sự kiềm chế và có khi sử dụng vũ lực để đạt được ý đồ riêng của riêng của mình.  

 

Vụ trưởng Ngũ Duy Anh (ảnh: Giadinh.net.vn).


Thứ 2: Xuất phát từ giáo dục trong gia đình.

Việc bố mẹ thiếu hiểu biết, ứng xử  kém văn hoá, từ cách xưng hô (nhiều bậc cha mẹ gọi nhau là mày- tao…) cho đến dùng những từ ngữ tục tĩu, thiếu văn hoá, có hành vi bạo lực trong gia đình sẽ làm trẻ nhiễm theo những thói xấu đó.

Từ việc thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết về xã hội, pháp luật khiến nhiều bậc làm cha, mẹ không có phương cách dạy dỗ trẻ ngoài thời gian trẻ được giáo dục tại nhà trường.

Thứ 3: Xuất phát từ phía xã hội.

Mặt trái của sự thay đổi nhanh về kinh tế - xã hội tác động rất lớn đến tâm lý, tình cảm của học sinh. Các em rất dễ bị cuốn theo những trào lưu xấu, hành vi bạo lực từ mạng internet, phim ảnh...

Bên cạnh đó, nhận thức của xã hội về việc kiên quyết

 ngăn chặn, bài trừ  hành vi đánh nhau vẫn còn hạn chế. Tâm lý chung còn e ngại, không thích can thiệp khi chứng kiến vụ việc đánh nhau.

Tuy không khuyến khích hành vi đánh nhau, nhưng nhiều người (trong đó có cả học sinh) vẫn còn có thái độ dửng dưng, ngại va chạm nên không có sự can ngăn kịp thời dẫn đến hành vi đánh nhau của học sinh có điều kiện để phát triển.

Thứ 4: Xuất phát từ giáo dục trong nhà trường.

Nội dung chương trình và phương pháp giáo dục đạo đức - công dân cho học sinh đã có nhiều đổi mới cả trong chương trình chính khóa và các hoạt động ngoại khóa.

Tuy nhiên, ở một số nhà trường, phương pháp giảng dạy, giáo dục của một số giáo viên chưa cuốn hút sự tham gia tích cực của học sinh.

Hình thức giáo dục ở một số nơi chủ yếu là ở diện đại trà, nội dung mang tính chung chung, chưa chú ý đến sự tiếp thu phù hợp với từng loại đối tượng học sinh, chưa có sự chú ý đến đối tượng cá biệt.

Thứ 5: Xuất phát từ sự thiếu quan tâm của các ngành, các cấp ở địa phương.

Các ngành, các cấp ở cơ sở có nơi chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý, giáo dục thanh thiếu niên.

Chưa có sự chỉ đạo quyết liệt, huy động sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị ở địa phương vào cuộc trong việc làm trong sạch môi trường xã hội; Chưa thật sự kiên quyết tấn công tội phạm, ngăn chặn hành vi bạo lực và cùng phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc quản lý, giáo dục học sinh.

Đối với vụ việc điển hình xảy ra tại Nghệ An, theo ông, hình thức xử lý kỷ luật như thế nào là phù hợp với học sinh vi phạm, để vừa chấn chỉnh và điều chỉnh hành vi phù hợp với quy tắc của ngành giáo dục?

Vụ trưởng Ngũ Duy Anh: Đối với sự việc ở Quỳnh Lưu, Nghệ An, nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền và gia đình học sinh để xử lý nghiêm minh, không để tái diễn các trường hợp tương tự.

Hình thức xử lý cụ thể đã được quy định tại Điều lệ nhà trường và hướng dẫn của Bộ về công tác khen thưởng và xử lý kỷ luật học sinh.

Hội đồng kỷ luật nhà trường cần xem xét, tư vấn cho Hiệu trưởng hình thức xử lý phù hợp, tạo điều kiện cho các em nhận thức được lỗi và khắc phục, sửa chữa.

Tác giả bài viết: Quốc Toản