Đề thi minh họa THPT quốc gia môn Vật lí, Sinh học: Có tính phân hóa cao
- 10:10 07-10-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
► Bộ GD&ĐT công bố 14 đề thi minh họa THPT quốc gia 2017
Đề thi minh họa đã đánh giá được kiến thức tổng hợp của học sinh
Môn Vật lí: Từ mức độ cơ bản đến mức độ vận dụng cao
Hội đồng bộ môn Vật lí tỉnh Long An cho biết, các câu hỏi nhận biết và thông hiểu có 26 câu (6,5điểm), chiếm tỉ lệ: 65%; các câu hỏi vận dụng có 6 câu (1,5 điểm), chiếm tỉ lệ 15%; các câu hỏi vận dụng mức độ cao có 8 câu (2,0 điểm), chiếm tỉ lệ 20%.
Kiến thức được phân bố đều chủ yếu ở nội dung chương trình lớp 12. Mức độ phân hoá học học sinh trong đề minh hoạ tốt có thể dùng kết quả để xét 2 kì thi như năm học: 2015-2016. Các câu trong đề thi sắp xếp hợp lí theo thứ tự từ dễ đến khó như năm vừa rồi ( Biết - hiểu - vận dụng - vận dụng mức độ cao).
Với đề minh họa này, học sinh trung bình, khá có thể làm được từ 5 đến 6 điểm, học sinh xuất sắc có thể làm đạt đến điểm 10 điểm. Học sinh ở các trung tâm giáo dục thường xuyên có thể đạt 5 điểm.
Theo Hội đồng bộ môn Vật lí tỉnh Long An, nội dung và cấu trúc đề đảm bảo tính kế thừa của đề thi năm học 2015-2016, không có sự thay đổi đột ngột so với các năm học trước nhưng vẫn đảm bảo bước đầu đáp ứng được tinh thần đổi mới giáo dục, qua đó có thể đánh giá được kiến thức tổng hợp của học sinh.
Cần soạn thảo 24 đề tương đương
Thầy giáo Nguyễn Lâm Đức, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Nghệ An cho rằng, đề thi có tính phân hóa cao, đa dạng, gắn liền với các vấn đề cuộc sống, khoa học và công nghệ từ mức độ cơ bản đến mức độ vận dụng cao.
Với 18 câu đánh giá kiến thức cơ bản ở mức độ nhận biết, 8 câu ở mức độ thông hiểu, 12 câu ở mức độ vận dụng và 4 câu ở mức độ vận dụng cao được phân bố hợp lí và nằm trọn vẹn trong các chương thuộc chương trình Vật lí lớp 12, trong đó có những câu nhằm yêu cầu học sinh phải huy động kiến thức liên quan giữa các chương, kiến thức tổng hợp để giải quyết.
Theo thầy Đức, đề thi môn Vật lí, đề thi có các câu đánh giá năng lực chung, năng lực chuyên biệt trong môn Vật lí như: năng lực giải quyết vấn đề là các câu: 7, 20; năng lực thực nghiệm là câu: 7, 37; năng lực sử dụng mô hình là câu 20.
Có các câu yêu cầu học sinh giải quyết vấn đề thực tiễn liên quan đến bộ môn Vật lí là câu 7, câu 11, câu 24, câu 38 nhằm giúp học sinh vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống.
Có các câu yêu cầu học sinh nắm được kiến thức tổng hợp và kiến thức liên chương trong chương trình Vật lí lớp 12, nhằm yêu cầu học sinh nắm vững kiến thức trong toàn bộ chương trình lớp 12 như là câu 39, câu 40.
Thầy Đức nhấn mạnh: “Do học sinh phải thực hiện nhiều câu hỏi trong một bài thi đồng thời cũng phải làm nhiều bài thi trong cùng một buổi thi nên nội dung các câu được làm ngắn gọn, dễ hiểu, không dài dòng và không gây mất thời gian đọc của học sinh. Sử dụng ngôn ngữ, ký hiệu Vật lí đơn giản, thông dụng để học sinh nhanh chóng thực hiện được nội dung câu hỏi. Nội dung câu hỏi không đánh đố và không gây khó khăn cho học sinh về ngữ nghĩa, ngôn từ. Tăng cường các hình ảnh, hình vẽ, sơ đồ, số liệu để học sinh giảm sự ghi nhớ máy móc và tập trung vào đánh giá được năng lực của học sinh”.
Tuy nhiên, theo thầy Đức, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có lực lượng chuyên gia, với cấu trúc của đề này, cần soạn thảo 24 đề tương đương (công việc khó khăn khi làm đề thi) có thể đáp ứng được yêu cầu của kỳ thi.
Còn thầy giáo Bùi Quốc Ngữ, Trường THPT Phan Thành Tài (Xã Hòa Châu - Huyện Hòa Vang - TP Đà Nẵng) nhận định: Tôi rất mừng vì đề thi minh họa đã được Bộ công bố sớm để giáo viên và học sinh có thể định hướng trong quá trình dạy và học.
Với đề Vật lí, tôi cho rằng đã đề bám sát chương trình theo chuẩn kiến thức kĩ năng, đề có sự phân hóa cho học sinh khá, giỏi nhưng học sinh có sức học trung bình thì cũng có thể đạt điểm 6 đến 7. Với đề thi thế này, học sinh chắc chắn sẽ tự tin hơn trong bài thi tổ hợp và không khó để vượt qua kì thi Quốc gia sắp tới.
Môn Sinh học: Đề thi đã đảm bảo độ chính xác về mặt khoa học
Nhận định về đề thi minh họa môn Sinh, cô Lê Nguyên Hương – Nhà giáo ưu tú, Nguyên phó Hiệu trưởng trường THPT chuyên Nguyễn Huệ - Hà Nội cho biết: “Về cơ bản, đề minh họa kì thi THPT Quốc gia năm 2017 môn Sinh học là một gợi ý tốt cho việc xây dựng đề chính thức với số lượng lớn”.
Đánh giá, đề thi minh họa môn Sinh học, cô Hương cho rằng đề đã đảm bảo kiểm tra kiến thức cơ bản, có tính phân hóa cao, đáp ứng được mục tiêu của kì thi THPT Quốc gia là xét tốt nghiệp THPT và là cơ sở để các trường Đại học xét tuyển sinh Đại học.
Bên cạnh đó, đề thi minh họa đã đáp ứng mục tiêu đổi mới kiểm tra đánh giá, từ chỗ chỉ kiểm tra kiến thức sang vừa kiểm tra kiến thức, kĩ năng vừa đánh giá năng lực của học sinh. Phù hợp với thực tiễn dạy học Sinh học ở trường THPT và năng lực của học sinh ở cấp THPT.
Theo cô Hương, với nội dung kiểm tra hầu như trải rộng khắp chương trình lớp 12, hệ thống câu hỏi ở các mức độ nhận thức khác nhau giúp định hướng việc dạy học và ôn tập ở trường phổ thông. Với đề thi minh họa này, học sinh chỉ cần tập trung học tốt nội dung giáo viên dạy trên lớp, kết hợp với nghiên cứu kĩ nội dung kiến thức trong sách giáo khoa và liên hệ với thực tiễn là có khả năng hoàn thành tốt kì thi.
Các câu hỏi trắc nghiệm khách quan trong đề đánh giá được các mức độ nhận thức của học sinh từ nhận biết đến thông hiểu rồi đến vận dụng, từ vận dụng thấp đến vận dụng cao. Đặc biệt thông qua các hình ảnh, sơ đồ, bảng biểu ở một số câu hỏi giúp đánh giá được kĩ năng quan sát, tư duy phân tích và khả năng vận dụng kiến thức của học sinh (Câu 16, 21, 30, 35, 39, 40).
Cô Hương cho rằng, đề thi gồm 40 câu trong thời gian 50 phút, minh họa cho tất cả các phần và các chương trong mỗi phần của Sách giáo khoa Sinh học 12. Phần Di truyền gồm các chương: Cơ chế di truyền và biến dị; Tính quy luật của hiện tượng di truyền; Di truyền học Quần thể; Ứng dụng di truyền học và Di truyền học người. Phần Tiến hóa gồm các chương: Bằng chứng và cơ chế tiến hóa, Sự phát sinh và phát triển sự sống trên Trái Đất. Phần Sinh thái học gồm các chương: Cá thể và quần thể sinh vật; Quần xã sinh vật; Hệ sinh thái; Sinh quyển và bảo vệ môi trường.
Cô Hương khẳng định: “Với học sinh trung bình có thể giải quyết được 60-70% câu hỏi; còn với học sinh khá giỏi có thể giải quyết được 100% câu hỏi đề thi. Mỗi câu hỏi trắc nghiệm đều có 4 phương án trả lời, trong đó có duy nhất một phương án đúng. Các câu hỏi trong đề thi đã đảm bảo độ chính xác về mặt khoa học, diễn đạt ngắn gọn, dễ hiểu, không gây nhầm lẫn cho học sinh”.
Tác giả bài viết: Nhật Hồng
Nguồn tin: