Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Các nước đã thoát nghèo, bỏ Việt Nam ở lại?

Để biết được trong quá khứ, một quốc gia ở châu Á, châu Phi hay châu Mỹ Latinh đã từng giàu có hay phát triển văn hóa rực rỡ như thế nào, hãy nhìn vào những gì họ đã làm ra, vốn đã bị các nước đế quốc thực dân cướp đi.

Hãy ghé qua các bảo tàng quốc gia của Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, hay Tây Ban Nha, có thể dễ dàng nhận ra vô số các bảo vật to có, nhỏ có, đến từ Ai Cập, Trung Quốc, Nam Mỹ, v.v. Mỏi mắt tìm cũng khó có thể thấy được một vật dụng dù nho nhỏ có dấu vết của người Việt. Trừ trống đồng Đông Sơn – thời kỳ xa xưa, không có trong sử sách, thì hình như người Việt Nam chúng ta chưa hề làm được bất cứ một sản phẩm nào ra tấm, ra món cả.

Quá khứ – đâu chỉ Việt Nam nghèo

Có rất nhiều nguyên nhân được đưa ra để giải thích cho cái sự nghèo của nước Việt. Trong  đó “văn minh lúa nước” hay văn hóa “làng xã” thường được đưa ra như là một nguyên nhân gốc rễ, luôn được đưa ra để giải thích cho bất kỳ bất cập hay yếu kém của dân tộc ta trong quá khứ.

Công bằng mà nói, trước khi xảy ra cách mạng công nghiệp và sự có mặt của người phương Tây với đầu máy hơi nước thì không chỉ riêng có Việt Nam mà cả châu Á này đều chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp. Đặc trưng của nghề này là phụ thuộc vào thiên nhiên, bấp bênh và hầu như không thay đổi phương thức sản xuất trong nhiều thế kỷ. Trong bối cảnh đó có lẽ trừ nhà cầm quyền và giới quý tộc ra, dân chúng ở đâu cũng nghèo khó như nhau cả.

Trong cái bối cảnh cùng nghèo và lạc hậu ấy, cần khách quan mà nói, người Việt Nam không những được coi là kiên cường sống vững trước các mối đe dọa từ phương Bắc, mà thực tế, đã không ít hơn một lần vươn lên đứng đầu khu vực. Trong ánh hào quang ấy không thể không nhắc tới thời Hồng Đức của Hoàng đế Lê Thánh Tông (1442 – 1497 ) và thời Đai Nam rực rỡ của Vua Minh Mạng (1791 – 1841). Sức mạnh của các thời kỳ này chủ yếu được hình thành nhờ khả năng tập hợp đầy đủ và phát huy hiệu quả các nguồn lực trên cả nước. Đây chính là lúc người Việt chúng ta ít chia rẽ nhất.

 

Hơn 7 triệu tấn gạo và vài ba triệu tấn cà phê cùng một ít hồ tiêu xuất khẩu, tạm thời vẫn chỉ giúp chúng ta đủ ăn chứ chưa và có thể nói là làm Việt Nam khả dĩ trở nên giàu có! Ảnh minh họa


Chính cái nghèo về vật chất đã không cho phép cha ông chúng ta  duy trì được lợi thế quân sự lâu dài sau mỗi lần động binh bên ngoài lãnh thổ, và vì cái nghèo mà người Việt phải chấp nhận bỏ đi những cơ hội vốn có thể giúp dân tộc này thay đổi về chất (một khi lượng đủ) để tiến lên một tầm cao mới, với cơ cấu đa dạng và phức tạp hơn của nền kinh tế cùng hệ thống quản trị.

Trừ Nhật Bản, do không bị phương Tây đô hộ và đã tận dụng cơ hội để canh tân đất nước để trở nên hùng mạnh ngay từ đầu TK 20, các nước Á châu còn lại, kể cả Trung Quốc đều nghèo khó và tăm tối trước khi thế chiến thứ II kết thúc vào năm 1945.

Hiện tại – chỉ mỗi chúng ta nghèo

Như vậy việc đem quá khứ nghèo túng của ông cha ra để đổ lỗi cho cái nghèo hiện tại có vẻ không được thuyết phục cho lắm. Thay vào đó, chúng ta hãy nhìn thẳng vào bản chất của vấn đề và tìm hiểu xem tại sao Việt Nam vẫn chưa thể thoát nghèo!

Chiến tranh liên miên đúng là đã khiến dân tộc chúng ta mất đi nhiều cơ hội để phát triển, nhưng đó không thể là lý do muôn thuở khi nó đã đi qua cả vài thế hệ.

Cho dù đã có được những thành tựu ấn tượng trong lĩnh vực nông nghiệp trong vài chục năm trở lại đây, nhưng hơn 7 triệu tấn gạo và vài ba triệu tấn cà phê cùng một ít hồ tiêu xuất khẩu, tạm thời vẫn chỉ giúp chúng ta đủ ăn chứ chưa và có thể nói là làm Việt Nam khả dĩ trở nên giàu có!

Gần 300 năm trước, Lê Quý Đôn đã nhìn ra được các thành tố cốt lõi của một nền kinh tế – khi ông nói “phi công bất phú, phi thương bất hoạt”. Không rõ có phải bởi vì những gì ông nói “sâu sắc” quá hay không mà suốt 300 năm sau đó, người Việt vẫn một mực trung thành với nghề nông. Lần lượt các triều đại sau này đều lấy sự ổn định (kể cả trong nghèo túng) làm trọng mà phớt lờ thương mại. Có phải vì sợ dân chúng “hoạt bát” quá(!)

Khác với phương Tây, chúng ta thiếu hẳn một nền công nghiệp nền tảng. Khi hội nhập trở lại, những gì Việt Nam biết về công nghiệp có thể nói là một con số không tròn trĩnh. Đầu tư trong lĩnh vực này vừa tốn kém, vừa vất vả lại vừa đọng vốn, nhưng lợi nhuận lại thấp và rất lâu giàu.

Sự hoạt bát – vốn được coi là hạn chế ở những nền văn minh lúa nước lại không thiếu trong  những con người Việt thời đổi mới. Không rõ vô tình hay hữu ý, hoặc có lẽ là do khát vọng giàu sang lớn quá, muốn đi tắt, đón đầu, nên người ta đã mạnh dạn thay từ “hoạt” bằng từ “phú” trong câu nói của Lê Quý Đôn.

Thay vì đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ để sản xuất ra các sản phẩm - vốn đa phần đã có mặt khắp nơi trên thế giới do các nước phát triển hơn sản xuất, người nhà mình đã chọn cách dễ hơn, đem lại lợi nhuận lớn hơn và nhanh hơn rất nhiều – đi buôn. Kết quả là chỉ trong hơn 20 năm, Việt Nam đã nhanh chóng chuyển đổi từ một đất nước của nông dân thành đất nước của những doanh nhân.

Trong số gần 500 ngàn doanh nghiệp hiện nay, không khó để nhận thấy số lượng các doanh nghiệp chỉ kinh doanh mà không tham gia sản xuất đang chiếm ưu thế.

Tác giả bài viết: Trần Văn Tuấn