Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bí thư Tỉnh ủy: Kỷ luật hết Hiệu trưởng để học sinh "ngồi nhầm chỗ"

Ngày 5/10, tại hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng, nói về tình trạng học sinh “ngồi nhầm chỗ”, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thể đề nghị Giám đốc Sở GD-ĐT kiểm tra có bao nhiêu học sinh “ngồi nhầm chỗ” và yêu cầu từ Hiệu trưởng trở xuống phải kỷ luật hết.

Học sinh lớp 6 bị trả về và trò chây ì của các vị đang ngồi nhầm ghế

Tại hội nghị Ban chấp hành Tỉnh ủy Sóc Trăng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thể đã đề nghị bà Nguyễn Thị Tuyết Hà - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sóc Trăng, thống kê xem có bao nhiêu học sinh “ngồi nhầm chỗ”.

“Báo chí đăng nghe nhức nhối luôn. Em học 5 năm rồi, lên lớp 6 nhưng trả về lớp 1. Các anh chị nghĩ con em mình như thế thì mình nghĩ sao, khi đầu tư cho các em 6 năm nhưng bây giờ các em trở về “bóng no” (trở về vạch xuất phát). Bản thân các em mất niềm tin, gia đình các em tốn biết bao nhiêu công sức. Đây là bệnh thành tích chứ gì”, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng chỉ thẳng vấn đề.

Ông Nguyễn Văn Thể chỉ đạo, từ Hiệu trưởng trở xuống phải kỷ luật hết. “Kỷ luật như thế nào các đồng chí cứ xem, dứt khoát không chạy theo thành tích. Làm như vậy là làm hại cả một thế hệ. Mình đang muốn phát triển nguồn nhân lực cao nhưng làm như thế này thì làm sao được”, ông Thể nói.

 

Em Lâm Sơn Vũ và chị Giao (mẹ em Vũ) trong buổi tiếp xúc PV.


Như Dân trí đã có phản ánh, trường hợp em Lâm Sơn Vũ trong năm học 2016-2017, Vũ được lên lớp 6 Trường THCS Lê Vĩnh Hòa (TP Sóc Trăng) sau khi học xong lớp 5 tại Trường Tiểu học Lý Đạo Thành. Tuy nhiên, chỉ vào học được vài ngày, giáo viên đã mời gia đình em Vũ lên thông báo là Vũ học rất yếu, khi chưa thể đọc, viết rành nên không thể học lớp 6, mà phải xuống học lại từ lớp 1.

Theo gia đình em Vũ cho biết, năm em học lớp 3 và lớp 4, gia đình đã đến xin cho em ở lại, nhưng nhà trường nói em học được nên không cho ở lại. Đến cuối năm lớp 5, gia đình gặp giáo viên chủ nhiệm nói Vũ học yếu, cứ cho em ở lại học cho cứng thì giáo viên nói em học được, gia đình chịu thì nhà trường cho lên lớp. “Khi cháu về lại Trường Tiểu học Lý Đạo Thành, tôi có xin nhà trường cho cháu học lại lớp 5, nhưng không biết sao lại đưa cháu xuống lớp 1 và sau đó là lớp 2 khiến con tôi mặc cảm, cuối cùng cháu không chịu học nữa”, mẹ em Vũ bức xúc.

Lý giải vì sao mình không biết đọc, không biết viết nhưng vẫn đạt điều kiện để lên lớp đều đều, em Vũ cho biết: “Khi kiểm tra, cháu được bạn ngồi kế bên cho xem bài nên cháu cứ nhìn theo bạn mà viết, thầy biết nhưng thầy cũng không nói gì”.

Bà Nguyễn Huỳnh Ngọc Hạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Đạo Thành xác nhận, chuyện em Vũ không biết đọc, viết là có thật. “Đây là sơ sót của nhà trường nên chúng tôi đã khắc phục bằng cách mỗi buổi sáng cử một GV kèm riêng em Vũ, bắt đầu từ chương trình lớp 1. Tuy nhiên, hiện nay Vũ đã nghỉ học, nhà trường đã cử GV trực tiếp xuống gia đình tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, đồng thời vận động cho Vũ tiếp tục được đi học”, bà Hạnh cho biết.

Bà Hạnh cho biết thêm, Ban giám hiệu trường đã chỉ đạo rà soát lại toàn bộ việc giảng dạy của thầy, cô, cũng như học lực của HS trong trường để có giải pháp chấn chỉnh kịp thời. Đối với trường hợp của em Vũ, nhà trường đang cho tra học bạ, việc giảng dạy của các thầy, cô chủ nhiệm qua các lớp.

 

Trưởng Tiểu học Lê Hồng Phong, nơi có một số em học sinh đọc, viết chưa rành dù đã học lớp 3.


Tại Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (phường 3, TP Sóc Trăng), ở một lớp 3 cũng có tới 8 HS không biết đọc. Theo cô Trần Thị Thúy Yên (mới được phân công chủ nhiệm lớp 3/2) cho biết, lớp có tổng số 42 em, thì có đến 8 em không biết đọc, viết chưa rành và trên 10 em đọc còn phải đánh vần.

"Tôi dạy bậc tiểu học gần 20 năm, nhưng chưa bao giờ thấy áp lực như bây giờ. Học trò mình đã lên lớp 3 mà không biết đọc, viết, nhìn thấy rất tội nghiệp, nhưng đâu có đủ thời gian kèm lại cho các em được, bởi chương trình khá nặng. Hiện tại, tôi đã báo sự việc lên Ban giám hiệu nhà trường và cô hiệu trưởng phải kèm cho các em những giờ chéo buổi”, cô Yên cho hay.

Em Nguyễn Thành Phát (một trong những em không biết đọc chữ của lớp 3/2) cầm quyển sách Tiếng Việt lớp 3 đọc cả một đoạn nhưng chỉ đánh vần được 3 chữ. Cô giáo đọc từng chữ cho viết, trong một câu, em Phát không viết chữ nào đúng chính tả.

Liên quan đến việc HS được lên lớp 6, nhưng nhà trường trả xuống lớp 1 tại Trường Tiểu học Lý Đạo Thành và một số HS “ngồi nhầm lớp” ở Sóc Trăng, trao đổi với PV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Ngô Hùng cho biết: “Sau khi có thông tin phản ánh, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Sở GD-ĐT tổ chức kiểm tra, xác minh để kịp thời chấn chỉnh. Quan điểm của tỉnh là phải xử lý nghiêm, không thể để xảy ra chuyện như vậy”.

Tác giả bài viết: B.D

Nguồn tin: