Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chuyện tình đẫm nước mắt của người đàn bà đẹp bị 'giời đày'

Gần 30 năm mang khối u quái ác trên mặt, bà Trần Thị Minh (SN 1930, ở tổ 4, thôn Phú Quý, xã Tam Phú, TP. Tam Kỳ, Quảng Nam) luôn mang trong mình nỗi đau thể xác và sự mặc cảm. Nhưng, ít ai biết rằng, bất hạnh của bà còn nhiều hơn thế.
1 WZMA jpg ashx
Bà Minh với cháu dâu Nguyễn Thị Kim.
 

Bà sống cô đơn suốt đời bởi chiến tranh đã cướp đi người đàn ông duy nhất của bà khi hai người chưa kịp cưới nhau.

Người đàn bà bất hạnh

Hơn nửa thế kỷ trước, bà Minh là một cô gái xinh đẹp của vùng cát Tam Phú. Cũng như bao gia đình khác, gia đình bà cũng chịu cảnh lầm than dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Đến tuổi cập kê, bà được một chiến sĩ giao liên ở làng bên để ý làm quen. Xuất sắc và đầy nhiệt huyết cách mạng, ông nhanh chóng được chuyển sang làm chiến sĩ tự vệ và sau đó vào lực lượng bộ đội chính quy.

Thời thế lúc ấy, bà và ông ít có thời gian gặp nhau như nam nữ bây giờ. Tuy nhiên, họ vẫn luôn dành cho nhau sự yêu thương, nhung nhớ, mặc cho bom đạn và cái chết không biết đến lúc nào. Sau một thời gian, ông và bà được gia đình hai bên làm lễ dạm hỏi.

Đám hỏi vừa xong, ông được cử ra Bắc, bà và ông xa nhau từ đó. Đến năm 1963, ông cùng đồng đội vào Nam chiến đấu. Sau mỗi trận chiến, ông lại viết thư cho bà hẹn ngày đất nước giải phóng ông về làm lễ thành hôn với bà. Bà cũng hứa rằng, bà sẽ chờ ông trở về. Đêm đêm, bà mơ về một đám cưới và những đứa con kháu khỉnh.

Khi giấc mơ của bà chưa kịp thành hiện thực thì năm 1965, bà nhận được tin ông hy sinh. Ngày nghe tin, bà một mình chạy ra tận bờ biển. Tiếng gào thét vô vọng của bà tan theo bọt biển xa xăm, lẫn vào trong bóng đêm.

Dù vậy, bà vẫn hy vọng một ngày nào đó ông trở về. Bởi nhận được thông tin ông hy sinh nhưng đơn vị ông không tìm thấy thi thể. Bà nói với mọi người rằng, “Sống phải thấy người, chết phải thấy xác. Chưa thấy xác là vẫn còn sống”. Nói là nói thế, nhưng cứ chiều chiều, bà lại chạy ra bờ biển ngồi khóc.

Một năm, hai năm, ba năm... bà vẫn chờ đợi ông, mặc cho nếp nhăn trên mặt bà ngày càng nhiều hơn. Ba, bốn người đàn ông đến nhà bà xin dạm ngõ nhưng bà lắc đầu từ chối. Bà vẫn đợi chờ ông.

Đến khi tóc của bà có vài sợi bạc, da của bà lấm tàn nhang, mọi người xót xa giục bà có gia đình hay “tự túc” để có đứa con vui sớm tuổi già. Bà bảo, bà sống vậy để phụ giúp cha mẹ nuôi 5 người em nhỏ dại.

Ông Trần Kim Hải (em họ bà Minh) nhớ lại: “Rứa là cũng hơn 50 năm rồi, ngày chị tiễn anh ấy vào Nam chiến đấu. Chị ấy khóc nhiều lắm. Họ thề hẹn ngày quay về sẽ đám cưới, chồng đi biển, vợ chăm con. Nào hay, cái nắm tay buổi chia ly cũng là tử biệt, biền biệt mấy chục năm trời chị ấy đợi chờ, cô quạnh mà người ấy vẫn không quay về”.

Kể về chuyện tình của bà Minh, ông Tiến (79 tuổi, người dân trong xã) cho biết: “Anh lính tự vệ đó ở làng dưới kia, người ta bảo đã hy sinh. Bà hồi đó trẻ đẹp có tiếng lại được nhiều người để ý mà vẫn mòn mỏi chờ anh lính ấy về. Sau này, ba mẹ bà ấy mất, anh em cũng người mất, kẻ xa xứ, thành ra bà cô đơn mãi đến bây giờ”.

 
2 rihk jpg ashx
Bà Minh

Bất hạnh chồng chất

Vì không có gia đình nên bao nhiều thời gian, công sức, bà Minh đều dồn cho cha mẹ và các em. Hết chiến tranh, bà về làm ruộng lúa, trồng khoai sắn với cha mẹ. Sau đó, bà chuyển sang buôn gánh bán bưng. Mọi người thường đùa với bà rằng, bà bán trầu cau nhưng cả đời lại không có mâm cỗ trầu cau cho mình.

Trước khi cha mẹ bà mất, bà được cha mẹ để cho một mảnh đất nhỏ. Bà dựng một ngôi nhà nhỏ trên mảnh đất này, cạnh ngôi nhà của người cháu gọi bà bằng cô ruột. Thấy hoàn cảnh khó khăn của bà, địa phương đã xây cho bà một ngôi nhà tình nghĩa.

Bà vẫn làm lụng cật lực, cho đến khi sức khỏe yếu, bà mở 1 quán tạp hóa nhỏ bán bánh kẹo, dầu mắm, rượu gạo. Năm 2006, bà nghỉ bán quán. Lý do khiến bà nghỉ bán quán bởi bà không muốn ai nhìn thấy khuôn mặt quái dị của bà.

Theo lời bà Minh kể, bà bị khối u năm 60 tuổi. Lúc đầu, khuôn mặt bà mọc một hột mụn và bà nghĩ là mụn nhọt nên không để ý. Do các cháu bận rộn, công việc lại khó khăn, bà cũng không thấy đau đớn lắm nên không ai đề cập đến việc đến bệnh viện. 2 năm sau, khi khối u to bằng quả trứng gà bà mới đi bệnh viện. Lúc này, bác sĩ bảo rằng khối u đó là khối u ác tính nên không mổ được.

Năm 2013, khối u phình to kéo dài từ tận mắt đến hết cằm, lấn sang hết phần mũi phía bên phải và chiếm hơn nửa khuôn mặt. Trên khối phình to ấy các sợi gân xanh, đỏ chen chúc nhau. Hiện tại, trên khối u có một chỗ nhô lên, mọng nước và tưởng chừng như nó sẽ vỡ ra bất cứ lúc nào. Ở cái tuổi cổ lai hy khối u nặng nề này không chỉ khiến bà vất vả trong đi lại mà ngay ăn, nói cũng rất khó khăn.

Bà Minh tâm sự: “Có lẽ đời bà nó gắn với bất hạnh rồi. Mấy chục năm nay cục khổ này đeo mãi trên người, bà già rồi nên nhiều lúc nghĩ cũng kệ nó đi. Nhưng lắm lúc ra đường lũ trẻ nhìn thấy bà chúng lại khóc thét lên, gọi bà là quỷ. Nghe rứa bà cũng chỉ biết lủi thủi quay về. Cả đời sống cô quạnh, lẻ loi một mình, giờ muốn ra đường nói chuyện đôi ba câu với người ta cũng ngại”.

Cục u quái ác là “cục khổ” đeo bám mãi đời bà Minh khiến bà mất ăn mất ngủ. Những đêm trái gió trở trời, bệnh tật lại hành hạ bà. Phần vì già cả không người chăm non, phần vì khối u khổng lồ trên mặt càng khiến sức khỏe bà nhanh chóng giảm sút. Việc ăn uống với mọi người đơn giản bao nhiêu thì với bà Minh lại khó khăn, vất vả bấy nhiêu. Khối u khiến bà nặng nề trong việc nhai nuốt thức ăn.

Theo bà kể, mỗi bữa bà chỉ ăn được vỏn vẹn hai thìa cơm nhỏ với canh nhạt. Bà không đủ sức nhai nổi, nuốt nổi nếu nhiều hơn thế. Không chỉ trong ăn uống, việc nói năng cũng là cực hình với bà, bởi khối u đang ngày càng “lấn sân” phần miệng bà. Mỗi lần nói bà phải nâng theo cả “cục nợ” nặng nề với hơi thở đứt quãng, mệt mỏi.

Một người hàng xóm chia sẻ: “Có lẽ bà ấy vì đợi chờ người yêu mà mòn mỏi theo ngày tháng nên mới phát bệnh đó thôi. Ở đây mọi người thương bà lắm, thỉnh thoảng cũng hay giúp bà ít thứ lặt vặt như mớ rau, con cá.

Nhiều khi mấy đứa con nít lỡ miệng gọi bà là quỷ nhưng bà vẫn không giận. Thấy thế, bà con tụi tui cũng nhắc nhở con em mình nhiều hơn chứ nghe thế tội nghiệp bà. Mong có phép nhiệm màu làm cho khối u đó mất đi”.

Ông Nguyễn Hữu Vinh, trưởng thôn Phú Quý cho biết: “Hoàn cảnh cụ bà Trần Thị Minh quả thật là đáng xót xa. Từ một người con gái xinh đẹp, nết na mà giờ phải cô đơn, lùi lũi một mình. Đã thế những năm cuối đời lại mang trên mình một khu u lớn. Chính quyền thôn xóm cũng rất quan tâm đến bà. Hiện tại, bà sống nhờ vào trợ cấp hàng tháng 180 ngàn đồng và nhờ vợ chồng 2 người cháu gọi bằng cô ruột chăm sóc”.

Chị Nguyễn Thị Kim, cháu dâu bà Minh cho biết, năm 2015, có đoàn từ thiện đến đưa bà ra Đà Nẵng thăm khám nhưng chỉ chữa cho bà bệnh viêm dạ dày, còn về khối u, không thể cắt bỏ hay chữa trị được. Còn bà Minh, bà vẫn mong mỏi một ngày được trở lại như xưa để được vui vầy với xóm làng. Hiện nay, bà Minh đang rất cần sự chia sẻ của cộng đồng.


 

Tác giả bài viết: Văn Hoàng – Phương Nam