Liên kết "4 nhà" vừa thiếu, vừa yếu: Do đâu?
- 10:15 04-10-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Liên kết sản xuất nông nghiệp được xem là sự bắt tay giữa bốn nhà: nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp. Mục đích là nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng và giá trị kinh tế cao hơn từ đó dần thay đổi tư duy và thói quen sản xuất dựa vào kinh nghiệm. Nghệ An là tỉnh có tiềm năng đất đai và nhân lực dồi dào, tuy nhiên mô hình liên kết trong nông nghiệp lại không có nhiều và chưa được coi là bền vững. Vậy đâu là nguyên nhân?
Gia đình anh Đậu Đình Triều, xóm 10, xã Diễn Thành có 4 sào đất chuyên sản xuất rau màu. Vụ đông năm trước anh cũng từng tham gia vào mô hình sản xuất rau sạch của công ty cổ phần APG Phủ Diễn. Tuy nhiên đến vụ đông này anh chủ động rút lui, lý do là anh không thích bị bó buộc vào quy trình sản xuất mà doanh nghiệp đưa ra. Anh Triều nói: Nhà cũng có ít diện tích, theo công ty thì họ ép làm theo đúng quy trình nên cũng khó theo, giờ ưng trồng gì thì trồng nấy loại gì bán đắt thì trồng thôi.
Mô hình liên kết rau an toàn ở xã Diễn Thành - huyện Diễn Châu
Sau khi khảo sát điều kiện canh tác phù hợp, tháng 9 năm 2015, Công ty cổ phần APG Phủ Diễn chọn xã Diễn Thành đã đầu tư xây dựng mô hình trồng rau sạch theo mô hình liên kết giữa “4 nhà” với mong muốn tạo ra sản phẩm với số lượng lớn đủ tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu phía đối tác. Triển khai được 1 vụ, sang vụ thứ 2, công ty đành phải thu hẹp quy mô bởi nhiều lý do. Bà Đặng Thị Tâm – GĐ Công ty cổ phần Phủ Diễn APG chia sẻ: Mặc dù dã được tập huấn về kỹ thuật để sản xuất theo tiêu chuẩn nhưng khi mình không giám sát được thì họ lại tư ý làm theo cách của mình; chăm bón không đúng yêu cầu dẫn tới sản phẩm không đạt tiêu chuẩn như: dư thừa chất kích thích, thuốc BVTV nên khi kỹ sư kiểm tra không đạt thì khó để bao tiêu.
Được xem là đóng vai trò trung gian quan trọng, tuy nhiên chính quyền và các ngành chức năng nhiều khi cũng không thể đảm bảo cho mối liên kết bền vững khi có những phát sinh trong hợp tác giữa Doanh nghiệp với người nông dân. Ông Nguyễn Xuân Đài – Trạm trưởng trạm Khuyến nông Diễn Châu cho rằng: Về KHKT thì có thể tập huấn được nhưng chữ tín thì rất khó, bởi tâm lý của người nông dân là thấy lợi gì trước là họ làm, tự phá vỡ hợp tác, điều này là rất khó để liên kết.
Mô hình liên kết sản xuất rau canh Hưng Đông - TP Vinh
Gần 10 năm trước, chủ trương chọn xã Hưng Đông để xây dựng vành đai thực phẩm được thành phố Vinh tính tới, cùng với đó là sự đầu tư về hạ tầng nông nghiệp. Với 26ha đất chuyên sản xuất các loại rau cho sản lượng hàng chục tấn mỗi lứa, vùng chuyên canh này đã đáp ứng phần nào về nhu cầu rau xanh tại chỗ. Cho dù địa phương đã nỗ lực hết sức nhưng đến nay kết quả cũng chưa được là bao. Bà Nguyễn Thị Hà – PGĐ Trung tâm khuyến nông Nghệ An cho biết: Công tác khuyến nông chỉ có vai trò trong việc trung gian hỗ trợ thôi chứ không thể thay thế hoặc bắt họ duy trì mối liên kết được. Ngoài các điều kiện cần và đủ, theo tôi, cũng nên có hành lang pháp lý cho mối liên kết này.
Với tập quán canh tác thuần túy chủ yếu theo kinh nghiệm, từ sản xuất đến phân phối hầu như mang tính tự phát cho nên giá trị tăng thêm của sản phẩm thường không cao. Để thay đổi tư duy sản xuất mới, đòi hỏi người nông dân cũng cần phải học nhiều thứ. Và khi kinh tế nông nghiệp phụ thuộc thị trường, đồng nghĩa với việc nông dân phải chấp nhận những đòi hỏi khắt khe của quy luật cung - cầu. Những rào cản về tập quán sản xuất đơn thuần này, nếu không có sự thay đổi sẽ đẩy chính người nông dân vào thế khó khi cạnh trạnh với các sản phẩm ngoại nhập.
Tác giả bài viết: Trần Lịch