Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Lạm thu "dán mác" tự nguyện": Đến hẹn lại... bức xúc

Cùng với những đổi mới liên quan đến kì thi THPT quốc gia, Thông tư 30 sửa đổi thì một vấn đề được phụ huynh, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đó là tình trạng lạm thu XHH ở một số trường học trong tỉnh. Dù không phải là vấn đề mới nhưng không tìm được giải pháp quyết liệt và hiệu quả nên lạm thu luôn "nóng" mỗi dịp vào năm học mới.

Năm 2008, khi Chính phủ chủ trương dừng thu phí xây dựng trường. Những tưởng các bậc phụ huynh, nhất là phụ huynh nghèo bớt được gánh nặng đóng góp đầu năm học. Nhưng với chủ trương xã hội hóa nhằm vận động cả xã hội tự nguyện cùng hỗ trợ chăm lo cho giáo dục đã bị không ít trường học ở thành phố, vùng thuận lợi lợi dụng để tự đặt ra mức thu...
 

Trong ảnh là danh sách liệt kê các khoản đóng góp đầu năm học 2016-2017 của một trường tiểu học trong thành phố. Ngoài các khoản thu bắt buộc, mỗi phụ huynh phải tự nguyện đóng 1.400.000 gồm quỹ lớp, quỹ hội phụ huynh, tiền vệ sinh và XHH giáo dục (gần 600 nghìn đồng).


Nhà giáo ưu tú Phạm Huy Đức - Phường Hưng Phúc - TP Vinh nói: Từ năm học 2010-2011Nhiều nhà trường lợi dụng vào “tự nguyện” nhưng thực thi thì không tự nguyện mà bổ đầu bình quân cho mỗi học sinh, thực chất là bổ lên đầu cha mẹ học sinh với một mức thu ấn định thấp nhất là khá cao (có trường mức XHH thấp nhất đã 500.000 – 600.000 đồng, trong khi đó, mức thu xây dựng trường trước đây tuỳ theo đối tượng, từ 80.000 – 120.000 đồng) dẫn đến sự bức xúc, phản ứng.

Chị Trịnh Thị Vân - một phụ huynh có 2 con đang học tại trường THCS và Tiểu học trong thành phố cho biết, với gánh hàng chỉ là những củ khoai, mớ hoa quả nhỏ để nạp các khoản thu đầu năm lên đến 6 triệu đồng cho cả 2 đứa con, trong đó riêng tiền XHH giáo dục, mỗi cháu phải đóng 500 nghìn đồng. Với gia đình lao động như vợ chồng anh chị quả là quá sức.

Theo công văn 1512 của Sở GD-ĐT Nghệ An hướng dẫn cuộc vận động XHH thì phạm vi vận động là tất cả các tầng lớp nhân dân, các DN, cơ quan đoàn thể, và mức ủng hộ XHH cũng hoàn toàn tự nguyện. Thế nhưng, thực tế tại không ít trường học thành phố, vùng thuận lợi, XHH đang được thu đại trà và mỗi trường thu mức khác nhau. Chỉ có một điểm chung là đưa ra mức thu tối thiểu và thu cao hơn, thậm chí là cao gấp nhiều lần so với tiền xây dựng trước đây.

Tại nhiều trường học các khoản thu bắt buộc được ghi rõ ràng, còn với các khoản tự nguyện như: XHH, quỹ lớp thì chi hội và phụ huynh tự thỏa thuận. Và một điều đáng nói đó là số tiền thu thì lớn nhưng lại không có hóa đơn, không có phiếu thu.

 

Khoản xã hội hoá đã được nhiều trường học trên địa bàn bổ lên đầu mỗi học sinh với mức thu thấp nhất là khá cao


Vậy nguyên nhân của tình trạng lạm thu này là do đâu? Và vì sao một sự việc gây bức xúc cho phụ huynh, dư luận và báo chí phản ánh nhiều nhưng năm học nào cũng tái diễn và không thể chấn chỉnh?

Nhà giáo ưu tú Phạm Huy Đức cho rằng: Số tiền thu được thì thu chi không rõ ràng, không công khai, minh bạch. Nhiều trường chi rất ít vào mua sắm thiết bị, sách vở dạy học (có trường chi không đến 10%). Đây chính là nguyên nhân phụ huynh không đồng tình.

Về phía phụ huynh, mặc dù thấy thu cao nhưng đành “tặc lưỡi” với suy nghĩ chỉ sợ con mình bị thiệt thòi. Như chị Nguyễn Thị Châu – một người buôn bán nhỏ ở  phường Vinh Tân- TP Vinh: Thu cao quá nhưng biết làm sao, con đi học thì phải nạp, phải chạy vạy cho đủ để nộp.

Còn về phía đơn vị quản lí, ông Nguyễn Trọng Hoàn - Phó chánh văn phòng Sở GD-ĐT lập luận: Phụ huynh không đồng tình với các khản thu của trường, của lớp nhưng không phản ánh thì cơ quan chức năng khó có cơ sở để kiểm tra, xử lí. Như vậy cũng như tiếp tay cho  tình trạng lạm thu.

Theo báo cáo tổng kết năm học 2015-2016 của Sở GD-ĐT, Thanh tra Sở đã tiến hành 117 cuộc thanh kiểm tra liên quan đến thu chi đầu năm học. Nhưng trong đó, số cuộc thanh tra liên quan đến XHH giáo dục - vấn đề bức xúc nhất thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có lẽ đó chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc một số trường thu nhiều nhưng chi thì không rõ ràng, minh bạch và vấn đề XHH luôn nóng ở đầu mỗi năm học là điều dễ hiểu?




Từ một chủ trương không ép buộc, không cào bằng khi thực hiện XHH nhưng đã bị không ít trường học biến tướng thành những khoản thu đi ngược với chủ trương. Thêm nữa, những khoản thu đóng góp để phục vụ cho việc học tập của con em mình nhưng lại không được công khai một cách rõ ràng minh bạch. Thu bao nhiêu, đầu tư vào những việc gì là lí do đã có không ít ý kiến mong muốn được thu lại tiền xây dựng. Và nếu không có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ từ nhiều cấp, ngành liên quan và cả từ phía phụ huynh thì tình trạng lạm thu, nhất là lạm thu XHH vẫn khó có thể chấm dứt.

Tác giả bài viết: Thu Hiền