Học sinh lớp 6 phải về lớp 1 vì không biết đọc, biết viết đâu phải chuyện hiếm!
- 08:31 03-10-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
► Học sinh lớp 6 bị trả về lớp 1 ở miền Tây
LTS: Những ngày vừa qua, dư luận thành phố Sóc Trăng xôn xao vụ một em học sinh lớp 6 bị trả về lớp 1 vì không biết đọc, biết viết.
Tại sao em này vẫn vượt qua được nhiều lớp ở bậc Tiểu học và vượt cấp để lên lớp 6? Cô giáo Phan Tuyết có bài viết thể hiện quan điểm của mình.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Nghĩ về cậu học sinh lên lớp 6 về học lại lớp 1
Dư luận ở thành phố Sóc Trăng đang hết sức bàng hoàng trước thông tin một học sinh lớp 6, Lâm Sơn Vũ bị một trường Trung học Phổ thông trả về học lại chương trình lớp 1 tại trường Tiểu học Lý Đạo Thành, nơi em đã từng theo học 5 năm vì không biết đọc và biết viết.
Qua kiểm tra thực tế, nhiều người bất ngờ khi em không thể viết được tên của mẹ mình, dù được mọi người xung quanh đánh vần cho từng chữ.
Mẹ em Vũ tâm sự: “Từ năm em học lớp 4, lớp 5 tôi đã phát hiện ra Vũ không biết đọc nên lên nhà trường xin cho con được ở lại lớp nhưng không được chấp nhận.
Trường nói con tôi đủ số điểm để lên lớp, chỉ cần phụ đạo thêm kiến thức là ổn, nhưng giờ sự việc ra thế này tôi cũng không biết phải làm sao".
Trường Tiểu học Lê Hồng Phong có nhiều học sinh lớp 3 nhưng không biết đọc (Ảnh: vnexpress.vn).
Cô Nguyễn Huỳnh Ngọc Hạnh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lý Đạo Thành xác nhận về trường hợp của Vũ là có thật.
Khi Vũ bị trường cấp 2 trả về, nhà trường đã cử một giáo viên kèm lại cho em chương trình lớp 1 nhưng hiện Vũ đã nghỉ học.
Bất ngờ hơn, khi Hiệu trưởng nhà trường kết luận:
“Trường hợp của Vũ là do một phần lỗi của nhà trường vì quá tin tưởng vào giáo viên”.
Được biết trường Tiểu học nơi em Vũ theo học là ngôi trường đạt chuẩn Quốc gia.
Thực tế do là trường chuẩn Quốc gia nên mới có hậu quả học hết chương trình Tiểu học mà vẫn không biết chữ, hay phụ huynh trực tiếp xin cho con ở lại lớp mà không được.
Nghe có vẻ như mâu thuẫn, nhưng bất kì ai là người trong nghề đều hiểu rõ chuyện này.
Không phải chuyện hiếm
Việc học sinh đã tốt nghiệp Tiểu học nhưng không biết chữ chẳng phải là chuyện hiếm, nó không chỉ xảy ra cá biệt ở một trường mà xảy ra ở nhiều trường học khác có điều những nơi đó chưa bị phát hiện ra thôi.
Chẳng phải giáo viên giảng dạy không nhiệt tình hay trình độ chuyên môn yếu kém.
Trong một lớp học gần 50 chục học sinh, chắc chắn sẽ có những học sinh giỏi cũng có không ít em học lực yếu kém; nhưng vì mang danh trường chuẩn, mọi chỉ tiêu lên lớp thẳng, hiệu quả đào tạo, phổ cập đúng độ tuổi… của các trường này hầu như chạm ngưỡng.
Bởi thế, học sinh chỉ được phép lên lớp mà không có quyền được ở lại lớp, chỉ ở lại vài em, các chỉ tiêu này đều bị khống chế vì như thế, trường, ngành sẽ mất chuẩn, kéo theo hệ lụy cả một “hệ thống”.
Những học sinh lớp 1, không nhớ mặt chữ vì tiếp thu quá chậm, các em được ở lại học tiếp năm nữa, chắc chắn cơ hội biết chữ sẽ rất cao. Nhưng vì chỉ tiêu, vì thành tích những học sinh này buộc phải lên lớp, chính giáo viên đã tước đi một cơ hội biết chữ của các em.
Bởi chương trình lớp 2 giáo viên không còn phải dạy từng âm vần, đọc từng tiếng, từng từ mà học sinh phải đọc thông viết thạo, đọc cả đoạn văn bản. Vì lẽ đó, học sinh chưa biết đọc mà lên lớp 2 thì có ngồi lại lớp 2 vài năm vẫn mù chữ.
Phủi trách nhiệm
Sự việc xảy ra, cô Hiệu trưởng trường Tiểu học Lý Đạo Thành mới dõng dạc “bắn” trách nhiệm qua giáo viên và nói rằng để xảy ra tình trạng học sinh không biết đọc do nhà trường quá tin tưởng vào giáo viên…
Quả vậy, để phủi trách nhiệm khi chuyện bị phanh phui, Ban Giám hiệu các trường không bao giờ ra lệnh cho giáo viên phải cho các em lên lớp nhưng họ dùng đủ sức ép buộc các giáo viên muốn bảo vệ mình phải cân nhắc.
Nào là khống chế xếp loại thi đua giáo viên cuối năm, nào là cắt danh hiệu đã đăng kí, nhắc nhở trước hội đồng…vì giảng dạy không hiệu quả (nếu lớp có học sinh ở lại).
Hạn chế tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp chẳng có cách nào khác cần dẹp bỏ ngay các chỉ tiêu khống chế đối với các trường học như hiện nay.
Tác giả bài viết: Phan Tuyết