Mẹ chồng bênh vực nàng dâu, năn nỉ con trai đừng bỏ vợ
- 08:04 03-10-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trước tòa, người vợ quay sang chồng vừa nói vừa khóc: “Hôm nay, được đứng trước tòa, em xin lỗi anh. Trước đây em rất buồn khi thấy anh vui vẻ với người khác, nên có những hành xử không phải làm anh không vui. Giờ em đã suy nghĩ thấu đáo nên không còn buồn nữa. Em nghĩ hạnh phúc của người đàn bà là giữ được cho các con một gia đình êm ấm và một người cha cho các con”.
Bà mẹ chồng ngồi bên cạnh, an ủi con dâu suốt cả phiên xử
Vợ đồng ý cho chồng “vui vẻ” bên ngoài
Trong phiên xử vụ ly hôn của chị Phạm Thị Hân và anh Phan Mạnh Hạnh (huyện Bình Chánh, TP HCM) tại Tòa gia đình và người chưa thành niên TAND TP HCM, ngồi hàng ghế đầu, ngoài hai đương sự, còn có mẹ của của anh Hùng.
Cùng trên một hàng ghế, nhưng cách họ chọn vị trí dường như cũng mang nhiều “thông điệp”: Người chồng ngồi tít phía ngoài cùng. Cách một chiếc ghế trống là người vợ vẻ tiều tụy buồn bã. Bà mẹ chồng ngồi sát bên cạnh nắm tay con dâu.
Vợ chồng họ làm đám cưới cách đây hơn 20 năm. Ngày đó anh làm đội trưởng quản lý chợ, chị buôn bán mớ rau, con cá qua ngày. Nhờ vợ tảo tần vun vén, chồng chăm chỉ tiết kiệm, kinh tế dần ổn định, hai đứa con lần lượt ra đời, học hành rồi trưởng thành.
Thời gian gần đây, gia đình họ gặp nhiều biến cố lớn. Một đứa con trai của anh chị vô tình vướng phải vòng lao lý phải đi tù. Trong lúc mọi người đang hoang mang, thì người em trai của anh lại mất vì tai nạn giao thông khiến cả gia đình chao đảo. Trong những lúc khó khăn nhất, cả gia đình đã cùng đoàn kết lại cố gắng cùng nhau vượt qua.
Đặc biệt họ động viên chăm sóc người mẹ già đang suy sụp trước cái của con trai út. Sóng gió rồi cũng qua, hơn 20 năm chung sống đắng cay ngọt bùi đã cùng nhau nếm trải, những tưởng họ sẽ bên nhau đến đầu bạc răng long.
Không ai ngờ ở độ tuổi tóc đã nhiều sợi bạc, người chồng một hai đòi ly hôn. Lý do anh đưa ra là tình cảm hai bên đã không còn, cuộc hôn nhân giữa họ giờ chỉ còn trên tờ giấy. Người vợ ra sức níu kéo, hai bên gia đình động viên hàn gắn, tòa cũng hòa giải mấy lần cũng không thể lay chuyển được quyết tâm của người chồng.
Quá khổ tâm, nhiều đêm thức trắng vì suy nghĩ, người vợ tiều tụy trông thấy. Ngày xử sơ thẩm, chị ngất xỉu phải nhập viện không thể tham dự. Chị có đơn xin hoãn phiên tòa nhưng không được chấp nhận. Sau đó TAND cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu của người chồng, tuyên bố đồng ý cho vợ chồng chị ly hôn. Người vợ kháng cáo.
Chị phân trần: “Hôm đó tôi không có mặt vì bị ngất xỉu nên không thể trình bày ý kiến của mình. Tôi kháng cáo vì muốn có thêm một cơ hội nói cho chồng hiểu tâm tư nguyện vọng của tôi”.
Trước tòa, người vợ quay sang chồng vừa nói vừa khóc: “Hôm nay, được đứng trước tòa, em xin lỗi anh. Trước đây em rất buồn khi thấy anh vui vẻ với người khác, nên có những hành xử không phải làm anh không vui. Giờ em đã suy nghĩ thấu đáo nên không còn buồn nữa.
Em nghĩ hạnh phúc của người đàn bà là giữ được cho các con một gia đình êm ấm và một người cha cho các con”. Ngừng một lát, chị quay mẹ chồng: “Mẹ đã già rồi, lại vừa trải qua cú sốc lớn nên yếu đi trông thấy, mong anh cho em có cơ hội để được chăm sóc mẹ”.
Người mẹ chồng nắm tay con dâu, hai mẹ con cùng khóc. Dường như sợ những lời nói gan ruột của mình không thể làm chồng động lòng, người vợ nói tiếp: “Những lỗi lầm của anh từ nay em sẽ bỏ qua, không bao giờ nhắc đến nữa.
Nếu muốn, anh cứ vui vẻ bên ngoài, em sẽ coi như không nghe không biết không thấy. Khi nào rong chơi chán anh cứ trở về, mẹ con em lúc nào cũng dang tay chào đón anh”.
“Có chết tôi cũng ly hôn bằng được”
Đáp lại những lời ấy, người chồng vẻ bức xúc lớn tiếng: “Tôi làm việc trong cơ quan nhà nước, Nhưng cô ta ghen tuông lúc nào cũng nghĩ tôi cặp kè hết người này đến người khác. Thậm chí cô ta còn nói tôi cặp một lúc với 3 - 4 phụ nữ, đi rêu rao khắp nơi, từ một những người bán hàng ngoài chợ đến lãnh đạo cơ quan”.
Người chồng phải dừng lại một lúc dường như để kiềm chế cơn giận dữ mới có thể nói tiếp: “Nếu hôm nay tòa không cho tôi ly hôn, sang năm tôi lại nộp đơn. Chết tôi cũng phải ly hôn bằng được chứ tôi không thể chấp nhận cuộc sống địa ngục như vậy nữa”.
Không khí trong phòng xử căng thẳng đến ngột ngạt, vị chủ tọa nhắc người chồng phải trình bày lịch sự, tôn trọng vợ và HĐXX.
Trước những lời nói nặng nề, thái độ giận dữ của chồng, người vợ chỉ biết cúi đầu ngồi khóc. Bà mẹ chồng lại nắm nhẹ tay con dâu an ủi.
Người phụ nữ tóc bạc trắng xin chủ tọa được phát biểu ý kiến. Bà run run hướng về con trai: ''Xin tòa đừng chấp nhận cho nó ly hôn. Tôi không muốn nhìn thấy vợ chồng nó tan vỡ. Con dâu tôi đối xử với tôi rất tốt. Mọi chuyện trong gia đình cũng do một tay nó vun vén. Hôm nay tôi đến tòa cũng vì thương nó, muốn con trai tôi hãy nghĩ lại''
Người con trai ngồi gần đó vẫn khoanh hai tay trước ngực. Bà mẹ quay sang con trai cầu xin: ''Mẹ xin con hãy nghĩ lại. Mẹ chỉ có hai đứa. Một đứa đã mất rồi. Những lúc mẹ buồn, vợ con đã ở bên cạnh động viên. Những lúc mẹ đau ốm nó chăm có mẹ. Con bỏ nó rồi tìm đâu ra đứa khác như nó nữa''. Nói đến đây bà bật khóc nức nở.
Sự chân thành, nhẫn nhịn của người vợ, sự tha thiết của người mẹ già đã làm những người có mặt trong phiên tòa phải động lòng. Vị chủ tọa nhẹ nhàng: ''Vợ chồng sống với nhau mấy chục năm, trải qua bao chuyện vui buồn. Khi gia đình có biến cố xảy ra chị ấy là con dâu, đã cùng gia đình chu toàn tất cả.
Hôm nay mẹ anh lên đây dự tòa cũng chỉ muốn cuộc hôn nhân của con mình được trọn vẹn. Bà nhiều tuổi rồi, anh đừng làm bà buồn thêm nữa. Bát đĩa còn có lúc xô, vợ chồng nào cũng bất đồng. Chị ấy đã đứng trước tòa xin lỗi như thế thì anh hãy cho chị ấy một cơ hội sửa sai''.
Song không một ai lay chuyển được quyết tâm của người chồng, anh cương quyết: ''Tôi chỉ mong rằng tòa hãy cho tôi được ly hôn cô ta''
Trước sự cương quyết của con trai, mẹ chồng nắm chặt tay con dâu động viên: ''Dù thế nào, còn vẫn là con dâu của mẹ. Mẹ luôn thương yêu, xem con như con của mình. Tuy nó nóng nảy như vậy nhưng, có lúc sẽ phải suy nghĩ lại''.
Sau khi xem xét lại tòan bộ hồ sơ chứng cứ, HĐXX phúc thẩm nhận định: Cấp sơ thẩm cần xét xử lại vì có nhiều sai phạm khi mở phiên tòa mà không xem xét đến tình tiết bất khả kháng là người vợ nhập viện, không thể tham dự tòa. Từ đó HĐXX phúc thẩm quyết định hủy án để cấp sơ thẩm xét xử lại.
Sau khi nghe phán quyết của HĐXX, người chồng rời phòng đi thẳng không thèm ngoái đầu lại. Phía sau, người con dâu dìu mẹ chồng rời phòng xử.
(Tên các đương sự trong bài đã được thay đổi)
Tác giả bài viết: Hoàng Giang