Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cô gái Việt Nam dạy tiếng Anh cho học sinh Trung Quốc

Sự sáng tạo trong phương pháp giảng dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non đã mang đến cho Mai những lời ngợi khen của phụ huynh, quản lý khối giáo dục mầm non thành phố Thanh Đảo (Sơn Đông, Trung Quốc).

Ngô Thị Tuyết Mai tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh, Đại học Mở TP HCM năm 2010. Sau thời gian giảng dạy tiếng Anh tại trường Trung học quốc tế Australia (VAS) tại TP HCM, cô quyết định thử thách bản thân, trở thành giáo viên dạy tiếng Anh ở nước ngoài. Nơi đầu tiên cô đặt chân là Singapore và tiếp theo là Trung Quốc.

Nơi cô đang làm việc là trường mầm non quốc tế tại thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông. Đây là tỉnh ven biển phía đông Trung Quốc, diện tích hơn 157.000 km2 và dân số hơn 95 triệu người. Riêng thành phố Thanh Đảo có 8.715.000 dân trên diện tích 11.000 km2.

 

Mai gặp gỡ phụ huynh để chia sẻ về phương pháp giảng dạy cho trẻ gần đây. Ảnh: NVCC


Là giáo viên nhiệt huyết, Mai luôn nghĩ cách để học sinh hứng thú với việc học tiếng Anh. Cách đây không lâu, Mai gặp gỡ phụ huynh để chia sẻ về phương pháp giảng dạy mới của mình. Theo đó, cha mẹ có thể biết được nội dung giảng dạy của giáo viên trên lớp. Về nhà, phụ huynh được hướng dẫn cách ôn tập bài học cho con, dạy con một số trò chơi thú vị giúp học tốt hơn môn tiếng Anh.

Mai cho biết có hai tiếng giảng dạy cho trẻ mỗi ngày. Trong hai tiếng đó, cô phân ra làm bốn giai đoạn. Học sinh sẽ học trong 30 phút, sau đó nghỉ ngơi và tiếp tục học với 20 phút nhảy với các video sinh động do cô tải về từ youtube, như gummy bear dance, chicken dance, robot dance... Phương pháp này giúp học sinh rèn lyện thể lực, thư giãn cũng như hứng thú học tiếng Anh. 30 phút sau, học sinh sẽ được nghe kể chuyện. Những mẩu chuyện sẽ được Mai kể qua sách và video để trẻ dễ tiếp thu bằng hình ảnh sau khi đã nghe xong nội dung.

30 phút sau, Mai tập cho các em cách làm thủ công. Chủ đề rất đa dạng tùy thuộc vào lứa tuổi. Ví dụ, Mai tập cho học sinh lớp 2 và 3 tuổi làm cây dù bằng đĩa giấy. Các em lớp lớn hơn sẽ học cách trang trí, cắt dán khung hình cho ảnh gia đình. Để bắt đầu một tiết dạy, Mai thường tập cho học sinh hát bài “Are you ready?”, dịch là “Các em đã sẵn sàng chưa?”. Thông qua những giai điệu và ca từ quen thuộc của bài hát, học sinh hiểu được đã đến lúc vào giờ học. Sau đó Mai cho các em đi vệ sinh rửa tay và uống nước. Các em sẽ tự lấy ghế ra và ngồi theo hình chữ U trước khi chính thức nghe giáo viên giảng bài.

 

Học sinh tham gia trò chơi “rock, paper, scissors”. Ảnh: NVCC


Trò chơi đầu tiên là “Stand up, sit down”, hay “Đứng lên, ngồi xuống”. Trò này rất đơn giản nhưng các em rất thích. Mai cho biết tập cho các em rất nhiều bài hát đơn giản trong vòng 10 phút. Sau đó, cô bắt đầu dạy từ mới, cho các em đọc đi đọc lại nhiều lần, từ đọc thầm, đọc to, và gọi từng em đọc lại từ hay cho tập đọc theo nhóm khoảng 5 em.

Sau khi cho các em học 4 từ mới, Mai lại cho chơi. Trò mà các em rất thích là “vòng tròn âm nhạc”. Mai đặt các hình ảnh theo vòng tròn và gọi tên khoảng 4 hoặc 5 em đến chơi. Khi Mai mở nhạc, học sinh sẽ nhảy múa quanh vòng tròn. Khi Mai tắt nhạc, các em sẽ đứng lại. Kế đó, Mai đọc to một từ bất kỳ hình nào, các em phải chạy nhanh đến hình mà Mai đọc. Em nào nhanh nhất sẽ nhận được một ngôi sao. Mục đích của trò chơi là giúp học sinh nhận diện được từ đã học.

Trò tiếp theo là “rock, paper, scissors” hay còn được gọi là “oẳn tù tì”. Trò này giúp các em nhớ và nói ra được từ mới. Mai sẽ đặt các lá cờ theo một hàng thẳng trên sàn nhà. Sau đó hai em lần lượt được gọi tên. Một em đứng ở đầu bên này, một em đứng ở đầu bên kia. Hai em sẽ nói “rock, paper, scissors”. Nếu em nào thắng sẽ tiến lên một bước, nhưng em đó phải nói được hình ảnh trên tờ giấy là gì. Các em cứ tiếp tục chơi như thế cho đến khi hai em chạm nhau. Nếu em nào đọc được nhiều hình hơn sẽ thắng cuộc chơi và có 2 ngôi sao từ phía giáo viên.

Mai chia sẻ, nếu phụ huynh tham gia vào các lớp học như trên, họ sẽ góp phần khuyến khích con mình học tốt hơn. Điều này thực sự đúng với câu thành ngữ: “children see, children do”, được dịch là “trẻ em sẽ làm theo những gì chúng thấy”. Việc tham gia của phụ huynh vào lớp học cùng với con em mình là phương pháp học mới mẻ. Các bé sẽ có nhiều động lực trong học tập khi thấy ba mẹ cũng cùng bé học. 

Thêm nữa, phụ huynh sẽ biết được con mình học được những gì trên lớp. Họ sẽ cùng con ôn tập lại những gì đã học. Tại nhà, phụ huynh sẽ tập theo những bài hát đã được giáo viên tập trên lớp. Mai nhận thấy học sinh có tiến bộ rõ rệt và rất hứng thú học tập. Hơn nữa, phụ huynh có thể cải thiện vốn từ vựng tiếng Anh bên cạnh ngôn ngữ chính là tiếng Trung.

 

Ngô Thị Tuyết Mai, giáo viên tiếng Anh người Việt Nam được Quản lý khối giáo dục mầm non khen ngợi trên trang QQ.


Sự sáng tạo trong phương pháp giảng dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non đã mang đến cho Mai những lời ngợi khen của phụ huynh và mới đây nhất là Quản lý khối giáo dục mầm non thành phố Thanh Đảo (Sơn Đông, Trung Quốc). 

Theo hợp đồng lao động, Mai có thể giảng dạy ở Trung Quốc trong 2 năm. Trong tương lai, cô sẽ trở Việt Nam để mở một trường mầm non.

Tác giả bài viết: Thanh Thu