Đổi mới kinh tế tại Việt Nam theo kiểu "dò đá qua sông"
- 14:10 02-10-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(Ảnh minh hoạ).
Theo tham luận tại Hội thảo khoa học “Phát triển các loại thị trường trong nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế” diễn ra tuần qua, PGS.TS. Bùi Tất Thắng - Viện Chiến lược phát triển cho rằng, quá trình đổi mới kinh tế ở Việt Nam đã trải qua thời gian 30 năm và còn đang tiếp tục, với cách làm cơ bản là theo kiểu “dò đá qua sông”.
Theo ông Thắng, kết quả đạt được là các yếu tố thị trường và các loại thị trường được hình thành đồng bộ hơn, gắn kết với thị trường khu vực và quốc tế. Hầu hết các loại giá được xác lập theo nguyên tắc thị trường; thực hiện cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước đối với một số loại hàng hóa - dịch vụ thiết yếu,…
Trong khi đó, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, từng bước thích ứng với nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu. Việt Nam cũng đã thiết lập được nhiều quan hệ đối tác chiến lược về kinh tế. Tích cực đóng góp xây dựng Cộng đồng ASEAN; hoàn thiện thị trường trong nước đầy đủ hơn theo cam kết WTO; đàm phán, ký kết và thực hiện nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương thế hệ mới.
Đánh giá về vấn đề này, TS. Hoàng Xuân Hòa - Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, đến nay đã có 59 quốc gia công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Thị trường xuất khẩu được mở rộng đến 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 18%/năm, cao hơn 0,7% so với giai đoạn 2006-2010.
Việt Nam đã chủ động đàm phán, tham gia các FTA trên tất cả các cấp độ song phương, khu vực và đa phương. Hiện nay, đã và đang đàm phán ký kết, thực hiện 15 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương thế hệ mới; tiêu biểu như FTA Việt Nam-HànQuốc, FTA Việt Nam-Nhật Bản, TPP, VEFTA, RCEP...
"Đánh giá năng lực cạnh tranh toàn cầu trong tương quan của 140 nền kinh tế, năng lực cạnh tranh của Việt Nam có thay đổi và được cải thiện dần. Theo báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu CGI, năm 2015, Việt Nam có thứ hạng 56/140 nền kinh tế, đạt 4,3/7 điểm, tăng 12 bậc so với năm 2014 và là thứ hạng cao nhất của Việt Nam giai đoạn 2006- 2015", ông nói.
Tuy nhiên, theo PGS. TS Bùi Tất Thắng, những mặt hạn chế, yếu kém phải kể tới là hoàn thiện thể chế kinh tế còn chậm, thiếu kiên quyết; hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, chất lượng không cao, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thực hiện ba đột phá chiến lược.
"Quyền tự do kinh doanh chưa được tôn trọng đầy đủ; môi trường đầu tư, kinh doanh không thật sự thông thoáng, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Giá cả một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chưa thật sự tuân theo nguyên tắc thị trường… Trình độ phát triển của các loại thị trường thấp, trong đó, thị trường lao động và thị trường dịch vụ công cơ cấu chưa hợp lý; thị trường tài chính - tiền tệ và thị trường bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro; thị trường khoa học - công nghệ phát triển chậm.…", ông Thắng cho biết.
Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng, hội nhập kinh tế quốc tế chưa kết hợp và phát huy tốt nguồn lực bên ngoài với nguồn lực trong nước để phát triển. Các nỗ lực đổi mới kinh tế trong nước chưa thật sự đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Nhiều bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp thiếu chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch toàn diện, cụ thể, chuẩn bị các điều kiện và năng lực về mọi mặt để khắc phục khó khăn, thách thức, tận dụng cơ hội do hội nhập đem lại”….
Đồng quan điểm, TS Hoàng Xuân Hoà cũng thừa nhận, sự phát triển và hiệu quả hoạt động các chủ thể trong nền kinh tế còn nhiều hạn chế. Doanh nghiệp nhà nước chưa thể hiện được đầy đủ vai trò nòng cốt trên thực tế. Phần lớn doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ và siêu nhỏ, khả năng đóng góp vào tăng trưởng thiếu bền vững. Kinh tế tập thể tiếp tục còn nhiều yếu kém kéo dài.
Ngoài ra, Việt Nam cũng chưa đạt mục tiêu thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn, chuyển giao công nghệ, quản trị và phù hợp quy hoạch trong thu hút doanh nghiệp FDI, thiếu liên kết trong FDI; chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại còn phức tạp. Việc triển khai cải cách khu vực sự nghiệp công, xã hội hóa cung cấp dịch vụ công còn chậm so với yêu cầu và tiềm năng.
Hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước chưa cao; kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm. Trong khi sự tham gia giám sát của các cơ quan dân cử, của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và Nhân dân trong nền kinh tế và hoạt động quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế.
Tác giả bài viết: Phương Dung
Nguồn tin: