Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nhiều trường trung cấp không tuyển nổi một người học

Có tới 25% các trường trung cấp chuyên nghiệp không tuyển sinh được là thực tế đáng buồn được Sở GDĐT Hà Nội đưa ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017 ngành học giáo dục chuyên nghiệp.

Cụ thể, ông Lê Việt Dương, Phó trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết, năm 2015, tổng chỉ tiêu tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp hệ chính quy giao cho 54 trường Trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng Hà Nội gần 40.000. Tuy nhiên, với phương thức xét tuyển, các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp chỉ tuyển được 18.313 học sinh (đạt 57,39% so với chỉ tiêu) và nếu so với năm 2014 giảm 7%.

Trong 48 trường trung cấp chuyên nghiệp chỉ có 5 trường tuyển sinh đạt và vượt chỉ tiêu. Có tới 19 trường tuyển sinh dưới một nửa số chỉ tiêu. Thậm chí, đáng báo động khi có 12 trường trung cấp rơi vào diện không tuyển sinh được. Có thể kể đến như: Trung cấp Bách khoa Hà Nội, Trung cấp Đa ngành Hà Nội, Trung cấp Tin học Tài chính kế toán Hà Nội, Trung cấp thông tin truyền thông,…

 

Ông Vũ Đức Tuấn, Hiệu trưởng Trường TCCN đa ngành Sóc Sơn chia sẻ thực tế khó khăn của hệ thống ngành giáo dục chuyên nghiệp. (Ảnh: Thanh Hùng).


Lãnh đạo nhiều trường bày tỏ lo lắng và thốt lên “việc đào tạo trung cấp chuyên nghiệp đã gần đi đến ngõ cụt” trước những thay đổi về mặt chủ trương trong thời gian tới. Bởi ngoài việc giáo dục chuyên nghiệp sẽ chuyển sang Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quản lý thay vì Bộ GD- ĐT, là tới năm 2021, bệnh viện ngừng tiếp nhận nhân lực trình độ trung cấp. Thông tư liên tịch số 26 tháng 10/2015 của liên bộ Y tế, Nội vụ quy định từ 1/1/2021, viên chức ngành y phải có trình độ từ cao đẳng trở lên. Từ năm 2025, chức danh cán bộ hệ trung cấp trong toàn bộ ngành y sẽ bị hủy bỏ. Do đó, trước mắt đến năm 2018, các trường trung cấp y dược sẽ phải dừng tuyển sinh một số mã ngành.

Ông Vũ Đức Tuấn, Hiệu trưởng Trường TCCN đa ngành Sóc Sơn bộc bạch: “Đại học, cao đẳng giờ như thế nào rồi chúng ta cũng biết, điều kiện trung cấp thì càng khó khăn từ nguồn tài chính, nhân lực và đặc biệt là công tác tuyển sinh.

Trường thầy Tuấn, năm đầu trường tuyển được 500 học viên nhưng tụt giảm số lượng qua từng năm. Hệ hai năm dù trường đã cố “khai thác” các hướng nhưng đến nay dồn tất cả các loại hình đào tạo cũng chỉ tuyển được rất ít. Ông Tuấn xác định những năm tới sẽ chỉ còn hệ 3 năm là chủ yếu bởi hệ hai năm khó đến lượt vì các trường CĐ đã “vớt” hết.

Chưa tạo được niềm tin cho người học

Ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng trước hết các trường cần ổn định tư tưởng, hết sức bình tĩnh nghĩ cách làm sao tồn tại và phát triển. Như vậy dù chuyển cơ quan quản lý cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều.

“Các trường lo lắng về sự chuyển đổi cơ quan quản lý nhưng tôi nghĩ có chủ quản ngành nào thì các trường vẫn được hoàn toàn tự chủ về tài chính, về chương trình học thuật,...”

Theo ông Đại, để phát triển, mỗi trường cần xác định một ngành mũi nhọn và cố gắng tìm cách hợp tác với nhau. Có thể, nhiều trường mỗi trường một ngành, nhưng nên hợp tác lại để có một số ngành đặc biệt hay tạo thành một vài trường mạnh, mỗi trường lại tập trung đầu tư cho một khoa.

Ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) cho rằng thách thức lớn nhất mà hiện các trường trung cấp chuyên nghiệp phải đối mặt chính là sự thiếu lòng tin của người dân vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Bởi thực tế các trường vẫn còn rất nhiều nguồn tuyển với khoảng 250.000 học sinh tốt nghiệp THCS không học THPT, không đi học nghề và THPT không học ĐH, CĐ.

Tuy nhiên, để tận dụng được nguồn này, không còn cách nào khác các trường phải tìm đến các trường THCS, THPT để “làm quen” với học sinh. Bởi các trường phổ thông không thể đủ giáo viên để làm giúp khâu hướng nghiệp. “Các trường cũng cần thay đổi cấu trúc chương trình. Các môn chung như giáo dục quốc phòng để sau và dạy trước các môn thực hành, kỹ năng để học sinh có hứng thú học, qua đó giữ chân các em”, ông Vinh đưa lời khuyên.

Tác giả bài viết: Thanh Hùng