Hậu Formosa: Ngư dân ra khơi, hải sản vẫn ế
- 16:45 01-10-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Vừa qua, Bộ Y tế đưa ra thông báo về một số loại hải sản chưa an toàn khai thác trong vòng 20 hải lý so với bờ cho 4 tỉnh miền Trung gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Dù không nằm trong 4 tỉnh bị ảnh hưởng trực tiếp do tình trạng ô nhiêm môi trường biển nhưng tâm lí e ngại của người tiêu dùng đã khiến ngư dân Nghệ An chịu sự ảnh hưởng lớn trong hoạt động khai thác, kinh doanh hải sản.
Sau 5 ngày ra khơi, tàu cá của gia đình bà Tô Thị Xuân ở xóm 5 xã Quỳnh Nghĩa huyện Quỳnh Lưu cập bến, mang về 10 tấn cá với doanh thu đạt 190 triệu đồng. So với trước đây, mỗi tấn cá giá thấp hơn khoảng 4-5 triệu đồng. Như vậy, mỗi chuyến đi biển như bây giờ doanh thu của các chủ tàu giảm 40-50 triệu đồng.
Cảng cá Lạch Quèn không còn cảnh mua bán tấp nập như xưa
Sau khi Bộ y tế có thông báo về một số thủy sản chưa an toàn trong vòng 20 hải lý thì hoạt động sản xuất kinh doanh hải sản có nhiều ảnh hưởng. Đơn cử như huyện Quỳnh Lưu có đến hơn 1200 tàu thuyền, trong đó, đa phần là tàu có công suất lớn đi đánh bắt xa bờ. Người tiêu dùng đang có tâm lý lo ngại đối với những hải sản nằm trong danh mục chưa an toàn sống ở tầng đáy. Nên trong thời gian gần đây hoạt động khai thác hải sản ở các huyện trọng điểm như Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Xuân Dinh - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu cho biết: Việc người tiêu dùng phân vân sản phẩm nguồn gốc ở chỗ nào thì không có cơ sở để mà xác định được nên ngại không muốn sử dụng và gây ra ảnh hưởng về giá cả, sức mua. Đặc biệ là ảnh hưởng tới các hộ khai thác ở khu vực ven biển. Với những hộ không có điều kiện kinh tế thì việc đánh bắt xa bờ là vô cùng khó khăn.
Trước đây, kho lạnh của gia đình ông Võ Ngọc Sơn xuất ra thị trường từ 1 - 1,5 tấn cá/ngày, thì nay, mỗi ngày, kho lạnh của gia đình ông chỉ bán được 1,5 - 2 tạ cá/ngày
Cùng với những khó khăn của những hộ trực tiếp khai thác hải sản, thì những hộ kinh doanh hậu cần nghề cá cũng bị ảnh hưởng rất nhiều trong sản xuất kinh doanh. Nếu như trước đây, kho lạnh của gia đình ông Võ Ngọc Sơn xuất ra thị trường từ 1 - 1,5 tấn cá/ngày thì nay mỗi ngày kho lạnh của gia đình ông chỉ bán được 1,5 - 2 tạ cá/ngày. Cá bán ra chậm thì kho đông của gia đình mua vào cũng hạn chế hơn trước đây rất nhiều. Ông Sơn nói: Có nhiều con cá không phân biệt được là có ăn được hay không. Những loại cá ăn được Nhà nước công bố mà chúng tôi đưa ra chợ bán cũng chẳng ai mua. Ngay cả ngư dân cũng không biết được tàu đó đi được bao nhiêu hải lý. Theo tôi, phải phát tờ rơi để người mua và người bán phân biệt loại nào ăn được, loại nào không.
Từ ngư dân đến người tiêu dùng đều khó phân biệt hải sản khai thác được thuộc tầng lửng hay tầng đáy?
Bộ y tế khuyến cáo rất rõ là một số hải sản khai thác vùng trong vòng 20 hải lý thuộc 4 tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và thừa Thiên Huế không an toàn. Nhưng với tâm lý e ngại, cùng với việc khó phân biệt đâu là hải sản đánh bắt ở vùng ngoài 20 hải lý của người tiêu dùng khiến cho việc tiêu thụ hải sản đang gặp nhiều khó khăn. Vì thế việc minh bạch hóa, cụ thể hóa các doanh mục hải sản an toàn và chưa an toàn bằng các tờ rơi, thông báo tại các chợ là cách để ngừơi tiêu dùng nhận biết nên và không nên sử dụng loại cá nào sẽ là cách làm để giải cứu ngư dân và những hộ kinh doanh hải sản tại Nghệ An trong thì điểm hiện nay.
Tác giả bài viết: Thúy Vinh - Mai Liên